(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với áp lực nợ xấu do đại dịch COVID-19 đang hiện hữu, giới chuyên môn dự báo, lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm khi các ngân hàng đang dành nhiều nguồn lực để tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu hình thành trong tương lai.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Thống kê từ thị trường cho thấy, lãi suất huy động (LSHĐ) trung bình tiếp tục có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 9/2021 vừa qua đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình LSHĐ 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,03 và 0,002 điểm phần trăm, lần lượt xuống 4,71% và 5,561% vào cuối tháng 9/2021.
Trong đó, nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) điều chỉnh giảm lãi suất đối với cả 2 loại kỳ hạn trên trong tháng 9/2021, lần lượt 0,02 và 0,05 điểm phần trăm, xuống còn 4,45% và 5,39%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.
Còn các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng), LSHĐ của kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh giảm 0,02 điểm phần trăm, xuống còn 5,37%/năm; trong khi LSHĐ kỳ hạn 12 tháng điều chỉnh tăng nhẹ lên 6%/năm.
Ngược lại, nhóm Ngân hàng có gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng, duy trì ở mức 3,75% và 4,95%/năm.
Theo mẫu thống kê của Công ty CK Bảo Việt (BVSC), với cả 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, LSHĐ thấp nhất và cao nhất hiện đang vẫn đang được áp dụng ở mức 3,7% và 6,1%/năm (6 tháng); và 4,5% và 6,8%/năm (12 tháng). Như vậy, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng (theo mẫu thống kê) trong tháng 9/2021 cùng tiếp tục giảm 12-14% so với cùng kỳ.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng ghi nhận giảm mạnh trong quý III/2021, với lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 38 điểm cơ bản, 46 điểm cơ bản và 30 điểm cơ bản so với thời điểm cuối quý II/2021. Điều này phản ánh trạng thái thanh khoản duy trì dồi dào ngay từ đầu quý III/2021.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong thời gian tới khi các địa phương nới lỏng lệnh giãn cách và doanh nghiệp mở cửa lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN có thể sẽ xem xét tới việc gia tăng hạn mức tín dụng cho các NHTM để kích thích cho nền kinh tế. Riêng trong năm 2020, NHNN đã 2 lần nới lỏng hạn mức tín dụng cho một số NHTM, trong đó, hạn mức cao nhất lên tới 30%. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đang phối hợp với các Bộ, ban ngành xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3-4%/năm) ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Với tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm mới chỉ đạt 1,42% (mức luỹ kế thấp nhất trong hơn 20 năm trở lại đây), trong đó, riêng trong quý III, GDP giảm 6,17%. Trong khi đó, chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam mới chỉ ở mức 1,82% trong 9 tháng đầu năm 2021, thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay. Các chuyên gia của BVSC dự báo: “Trong các tháng tiếp theo, NHNN vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục. Lãi suất ngân hàng vẫn tiếp tục được đánh giá sẽ không tăng trong thời gian còn lại của năm”.
Cùng chung quan điểm, phân tích từ Công ty CK KB Việt Nam (KBSE) cũng đưa ra nhận định, chính sách tiền tệ nới lỏng thận trong của NHNN xuyên suốt từ thời điểm dịch mới bùng phát cho đến nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong quý IV/2021.
Cụ thể hơn, trái với động thái hạ các loại lãi suất điều hành 3 lần trong năm 2020 (nhằm giảm chi phí vốn cho các ngân hàng thương mại để có thêm điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp), NHNN đã không có lần điều chỉnh lãi suất điều hành nào trong năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên trong quý IV/2021.
Dù vậy, mới đây NHNN đã công bố việc quay trở lại nghiệp vụ mua ngoại tệ giao ngay (ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn) để có thêm công cụ tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ, như: ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng.
“Chúng tôi đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, sẽ khó có thể giảm thêm và nhiều khả năng sẽ đi ngang trong quý IV/2021 trong bối cảnh rủi ro lạm phát trong một vài quý tới là hiện hữu và chính sách hỗ trợ của NHNN là tương đối thận trọng”, các chuyên gia của BVSC dự báo.
Trên thực tế, mức lãi suất hiện nay đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, khiến một lượng tiền không nhỏ chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… Theo Tổng cục Thống kê, huy động vốn các tổ chức tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,28% (cùng kỳ tăng 7,48%).
Nhận định về tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia của KBSE dự báo nhu cầu tín dụng sẽ phục hồi trong mùa cao điểm quý 4/2021 nhưng sẽ khó bật tăng mạnh như các năm trước do các tác động lan toả kéo dài của đợt giãn cách xã hội vừa qua. Do đó, KBSE kỳ vọng: Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 10% cả năm (sau giai đoạn tín dụng tăng mạnh 2 quý đầu năm với mức tăng 5,47% tính đến hết quý II/2021, tín dụng đã tăng chậm lại trong quý III khiến mức tăng 9 tháng chỉ đạt 7,17%).
Trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, các ngân hàng cũng có thêm điều kiện để hạ lãi suất cho vay khi mới đây Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư 14/2021 sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm đáng kể khi các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao (tương ứng NIM duy trì ở mức cao như hiện tại), để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới”, các chuyên gia của KBSE nhận định.