(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ có một ngày bán tháo vào thứ Năm tuần trước sau tin tức lạm phát lên tới 7,5% trong tháng 1 – mức cao nhất trong bốn thập kỷ qua. Lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên tăng trên 2% kể từ năm 2019 trong khi đạt mức gần 1,5% vào cuối năm ngoái.
Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có xu hướng đảo ngược, đã tăng vọt trong năm nay. Nguồn: CNN Business |
Tuy nhiên, các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại hơn về lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, chẳng hạn như lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đang có xu hướng tăng mạnh, đạt trên 1,5% - tăng khoảng 110% từ đầu năm đến nay. Thông thường, lãi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn sẽ thấp hơn kỳ hạn dài bởi việc dự đoán rủi ro và những điều kiện kinh tế trong thời gian dài khó hơn. Nếu lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ tạo ra “đường cong lãi suất đảo ngược”. Đây là dấu hiệu cho thấy các điều kiện kinh tế trong tương lai gần xấu đi và các nhà đầu tư trông đợi những can thiệp mạnh mẽ hơn từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed).
Vào năm 2018, Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại San Francisco đã công bố nghiên cứu phát hiện ra sự đảo ngược đường cong lãi suất trước mọi cuộc suy thoái kể từ năm 1955. Các nhà đầu tư đang theo dõi để xem liệu điều này có xảy ra một lần nữa hay không. Jim Reid, một chiến lược gia tại Deutsche Bank, gọi sự gia tăng lợi tức của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm là một “tín hiệu đáng lo ngại”. Lo ngại này là bởi vì Fed hiện đang đuổi theo xử lý vấn đề lạm phát, điều này có thể khiến Fed mắc sai lầm và việc rút lại gói hỗ trợ kinh tế quá nhanh có thể gây ra suy thoái.
Ngày 10/2, Goldman Sachs bày tỏ kỳ vọng Fed sẽ cho tăng lãi suất tại mọi cuộc họp còn lại của năm 2022. Còn Chủ tịch James Bullard của Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại St. Louis nói rằng ông ủng hộ việc tăng lãi suất nhanh chóng vào tháng 7.
Tuy nhiên, Michael Hewson, trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Marker, lại cho rằng đường cong lợi tức trái phiếu đảo ngược "không nhất thiết được coi là một chỉ số tin cậy". Ông lưu ý trong năm 2019 cũng xuất hiện đường cong lợi tức trái phiếu đảo ngược song nó cũng chẳng dự đoán cho điều gì. Năm 2020 cũng có suy thoái, tuy nhiên đó là do đại dịch COVID-19. Ông cho rằng đường cong lãi suất đảo ngược có thể là một cảnh báo cho Fed nếu thắt chặt tiền tệ quá nhanh và gây ra nhiều thiệt hại hơn dự định. Tuy nhiên, ông coi “lạm phát đình trệ” - vừa lạm phát cao song tăng trưởng kinh tế yếu – là một rủi ro còn lớn hơn suy thoái. "Mối quan tâm bây giờ là lạm phát bắt đầu vượt quá GDP", ông nhấn mạnh.
Bất chấp lạm phát cao hơn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, giảm so với mức 5,6% của năm 2021.
(Nguồn: CNN)