Chỉ số hài hoà giá tiêu dùng tháng 5 của khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo. Lạm phát lõi cũng tăng lên 2,9%. Điều này xảy ra trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) chuẩn bị cho việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm có thể được quyết định vào ngày 6/6 tới.
Theo dữ liệu sơ bộ từ Eurostat, chỉ số hài hoà về giá tiêu dùng (HICP) tháng 5 tại khu vực đồng Euro đã tăng 2,6% so với cùng kỳ, tăng từ mức 2,4% trong tháng 4 và vượt dự báo 2,5%. Điều này đánh dấu lần tăng tỷ lệ lạm phát hàng năm đầu tiên kể từ tháng 12/2023. Tính theo hàng tháng, HICP tăng 0,2%, chậm lại so với mức 0,6% của tháng 4.
Đáng chú ý, lạm phát năng lượng chuyển sang mức dương 0,3% so với cùng kỳ lần đầu tiên kể từ tháng 4/2023. Lạm phát lõi, không bao gồm lương thực và năng lượng, cũng tăng trong tháng 5, chấm dứt 9 tháng giảm phát. Lạm phát lõi tăng từ 2,7% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5, vượt so với mức kỳ vọng 2,8%. Lạm phát lõi hàng tháng tăng 0,4%, giảm tốc so với mức 0,6% của tháng 4.
Trong số các quốc gia thành viên, tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong tháng 5 được ghi nhận ở Bỉ (4,9%), Croatia (4,3%) và Bồ Đào Nha (3,9%).
Ngược lại, Phần Lan (0,5%), Ý (0,8%) và Litva (0,8%) có tỷ lệ lạm phát hàng năm thấp nhất.
Liệu ECB có vẫn quyết định cắt giảm lãi suất vào tuần tới?
Dữ liệu lạm phát mới của tháng 5 là một trong những thông tin đầu vào quan trọng cuối cùng trước cuộc họp của ECB vào ngày 6/6, cuộc họp dự kiến sẽ đưa ra quyết định cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất.
Một số nhà hoạch định chính sách của ECB gần đây đã chỉ ra ưu tiên cắt giảm lãi suất vào tháng 6, điều này cho thấy rằng lạm phát tăng nhẹ bất ngờ khó có thể làm thay đổi kế hoạch của họ.
Nếu không quyết định giảm lãi suất, ECB có thể gửi một tín hiệu đáng lo ngại tới những thành viên thị trường rằng họ tin rằng áp lực lạm phát đang tái xuất hiện và việc duy trì lãi suất hạn chế là cần thiết.
Thị trường rất mong đợi ECB sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất vào tháng 6 mà không cam kết cắt giảm thêm, như kinh tế trưởng Philip Lane đã nêu trong bài phát biểu của mình vào ngày 27/5.
Ông Lane nhấn mạnh, tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai sẽ chậm hơn nếu có những bất ngờ gia tăng về lạm phát cơ bản, đặc biệt là trong lĩnh vực nội địa và dịch vụ.
ECB dự báo tỷ lệ lạm phát lõi trung bình của quý II/2024 là 2,5% so với cùng kỳ.
Với dữ liệu lạm phát 2,7% trong tháng 4 và 2,9% trong tháng 5, dữ liệu lạm phát tháng 6 sẽ cần nằm trong khoảng từ 2- 2,1% để phù hợp với dự báo trước đó của ECB, điều này có vẻ khó xảy ra.
Hạn chót cho các dự báo kinh tế vĩ mô tháng 6 của ECB đã trôi qua, cho thấy ước tính lạm phát lõi quý II sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ.
Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cũng có thể thông báo trong cuộc họp báo rằng việc quay trở lại mục tiêu 2% đối với lạm phát cơ bản có thể chậm hơn một chút so với dự báo trước đó.
Các thị trường tiền tệ hiện đang định giá 61 điểm cơ bản cho đợt cắt giảm lãi suất của ECB vào cuối năm, điều này có nghĩa là chỉ có một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản bổ sung cho năm 2024 sau đợt cắt giảm dự kiến vào tháng 6.
Phản ứng của thị trường
Sau báo cáo lạm phát, đồng Euro tăng nhẹ so với đồng đô la, với tỷ giá EUR/USD tăng lên 1,0840.
Lợi suất trái phiếu giữa các nước lớn ở châu Âu tăng, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tăng lên 2,7%.
Lợi suất trái phiếu của Ý và Pháp cũng tăng khoảng 4 điểm cơ bản.
Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán châu Âu giảm nhẹ, với DAX và CAC 40 giảm 0,2% và Euro Stoxx 50 giảm 0,1%.