Câu chuyện khách hàng của một chi nhánh ngân hàng tại tỉnh Quảng Ninh phát sinh dư nợ thẻ tín dụng ở mức 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau dư nợ lên đến hơn 8,8 tỷ đồng khiến dư luận quan tâm trong những ngày qua. Vậy làm thế nào để tránh quá hạn thanh toán thẻ tín dụng như khách hàng trên, cũng như không tạo ra nợ xấu, ảnh hưởng lịch sử tín dụng?
Hiện nay, việc sử dụng thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại nhờ lợi ích dùng trước trả sau vô cùng tiện lợi. Tuy nhiên, các chủ thẻ cũng nên chú ý tới thời hạn thanh toán để không bị trễ hạn và tạo ra nợ xấu, ảnh hưởng lịch sử tín dụng.
Thông tin từ các ngân hàng cho biết, thẻ tín dụng là loại thẻ cho phép chủ thẻ sử dụng số tiền trong hạn mức của thẻ để thực hiện các giao dịch theo đúng quy định của tổ chức phát hành. Hiểu đơn giản thì sử dụng thẻ tín dụng là việc khách hàng sử dụng tiền của ngân hàng để chi tiêu và phải hoàn trả lại cho ngân hàng vào thời hạn đã cam kết. Do đó, khi trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng dù 1 ngày thì chủ thẻ cũng phải chịu phạt phí trả chậm và lãi suất tương ứng.
Nếu bạn bị trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng 1 ngày chủ thẻ sẽ bị ngân hàng chủ quản đưa vào danh sách nhóm nợ tiêu chuẩn. Đây là nhóm có thời gian trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng từ 1 đến 9 ngày.
Trên thực tế, khi rơi vào nhóm này các chủ thẻ cần thanh toán khoản dư nợ, phí trả chậm và lãi suất là sẽ được đưa ra khỏi danh sách ngay. Tuy nhiên, nếu thường xuyên trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng thì sẽ bị trừ điểm tín dụng và việc tiếp cận các khoản vay của ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng này kéo dài cũng ảnh hưởng tiêu cực tới yêu cầu gia tăng hạn mức, mở thêm thẻ tín dụng mới.
Tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh, mỗi ngân hàng sẽ có những quy định về việc trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng khác nhau. Nhưng mức phí này đều được xác định dựa trên giá trị phần trăm so với số tiền mà chủ thẻ đã chậm thanh toán. Như vậy, số tiền dư nợ càng cao thì chi phí trả chậm càng nhiều.
Các ngân hàng cho biết, phí trả chậm quá hạn là số tiền mà khách hàng phải nộp lại cho ngân hàng nếu không thanh toán đầy đủ đúng hạn toàn bộ số tiền đã chi tiêu hoặc thanh toán tối thiểu (khoảng 5%/tổng số tiền chủ thẻ sử dụng qua thẻ tín dụng) khoản nợ theo quy định của ngân hàng. Mức phí phạt được quy định theo từng ngân hàng, thường là 4% số tiền thanh toán chậm của chủ thẻ đó, mức quy định tối thiểu 50.000 đồng tùy ngân hàng.
Do đó, để tránh quá hạn thanh toán thẻ tín dụng và duy trì tình trạng tài chính lành mạnh, chủ thẻ có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:
Tạo ngân sách: Lập kế hoạch ngân sách hàng tháng giúp chủ thẻ biết được số tiền mình có và sẽ chi tiêu như thế nào. Xác định các khoản thu nhập, các khoản chi tiêu cố định cũng như dự phòng cho các tình huống khẩn cấp. Bằng cách làm như vậy, chủ thẻ sẽ dễ dàng theo dõi và kiểm soát việc sử dụng thẻ tín dụng của mình.
Theo dõi giao dịch: Thường xuyên kiểm tra và theo dõi các giao dịch trên thẻ tín dụng của mình. Sử dụng các ứng dụng có công cụ hỗ trợ quản lý tài chính để có cái nhìn tổng quan về số tiền đã chi tiêu và số dư còn lại trên thẻ.
Xác định ngày đáo hạn: Biết chính xác ngày đáo hạn của thẻ tín dụng và tạo thông báo nhắc nhở cho bản thân. Đảm bảo bạn thanh toán đầy đủ số tiền nợ trước hoặc trong ngày đáo hạn để tránh phí trễ hạn và lãi suất.
Thiết lập thanh toán tự động: Nếu có thể, hãy đăng ký thanh toán tự động. Điều này giúp đảm bảo việc thanh toán đúng hạn mà không cần phải lo lắng về việc quên hoặc trễ hạn.
Tránh chi tiêu vượt quá khả năng: Duy trì việc sử dụng thẻ tín dụng một cách cẩn thận và hãy tránh chi tiêu vượt quá hạn mức của thẻ. Chỉ sử dụng thẻ tín dụng khi cần thiết và khi bạn có khả năng thanh toán số tiền nợ trong thời hạn đã cam kết.