Là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam với quy mô 500 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh, liên kết, trải dài trên 7 lĩnh vực kinh doanh, T&T Group vẫn đang miệt mài mở rộng hệ sinh thái thông qua những thương vụ lớn, mới đây nhất là quyết định rót vốn vào Vietravel Airlines.
Ngày 12/12 vừa qua, Công ty CP Vận tải và thương mại hàng không T&T (T&T Airlines), Công ty TNHH Siêu cảng và trung tâm logistics quốc tế T&T (T&T SuperPort), Công ty CP Quản lý Quỹ BVIM và Công ty cổ phần Tập đoàn Vietravel đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Vietravel Airlines.
Trong đó, T&T Airlines và T&T SuperPort được biết đến là các công ty thành viên của T&T Group, tập đoàn do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sáng lập. Quỹ BVIM cũng thuộc T&T Group, với Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Đỗ Quang Vinh, con trai của ông Hiển.
Nói về quyết định đầu tư này, Chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển khẳng định: “Việc trở thành cổ đông chiến lược tại Vietravel Airlines là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của tập đoàn này và Vietravel Airlines sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi dự án hạ tầng, logistics và hàng không mà T&T Group đang triển khai”.
Từ thương vụ sáp nhập nổi tiếng ngành Ngân hàng…
Trước khi trở thành cổ đông chiến lược của Vietravel Airlines, T&T Group đã nổi danh với nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám. Đây cũng là một trong những cách thức giúp tập đoàn này từ xuất phát điểm là một doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh vươn lên hàng ngũ những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển quy mô tổng tài sản của T&T đã đạt 45.000 tỷ đồng, với vốn điều lệ 22.000 tỷ đồng, có 500 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh liên kết, 80.000 cán bộ nhân viên, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 80 triệu USD.
Hệ sinh thái của T&T Group cũng trải dài trên nhiều lĩnh vực từ tài chính và đầu tư; bất động sản; năng lượng và môi trường; công thương đến nông - lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông; y tế - giáo dục và thể thao. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến lĩnh vực tài chính và đầu tư với đại diện là Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (mã SHB), Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Bảo hiểm BSH, mã BHI).
Trong những năm 2005-2007 khi làn sóng chuyển đổi lên đô thị tạo bước thay đổi căn bản trong sự phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam, T&T cũng bắt đầu tham gia lĩnh vực kinh doanh mới này.
Năm 2005, T&T trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái. Nhận nhiệm vụ lập chiến lược quản trị và điều hành trên cương vị Chủ tịch, ông Đỗ Quang Hiển đã chuyển đổi thành công mô hình hoạt động của Nhơn Ái sang Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). 5 năm sau, từ quy mô vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, hoạt động phạm vi hạn hẹp, SHB đã nâng quy mô vốn điều lệ lên gần 5.000 tỷ đồng vào năm 2011, tổng tài sản tăng tương ứng từ 1.300 tỷ đồng lên hơn 70.000 tỷ đồng.
Năm 2012, SHB tiên phong nhận sáp nhập Habubank, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tự nguyện thực hiện sứ mệnh tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ. Với thương vụ này, quy mô tổng tài sản SHB tăng vọt lên gần 120.000 tỷ đồng, vốn điều lệ lên gần 9.000 tỷ đồng và trở thành một trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Sau giai đoạn 2013-2016 ghi nhận kết quả kinh doanh có phần chững lại, lợi nhuận của SHB bắt đầu khởi sắc từ năm 2017 và tăng trưởng liên tục cho đến nay. Năm 2023, dù lợi nhuận sau thuế của SHB có sụt giảm đôi chút so với năm 2022 nhưng sang năm 2024, đang có sự hồi phục trở lại, 9 tháng đã đạt hơn 7.200 tỷ đồng, gần bằng lợi nhuận cả năm 2023 (hơn 7.300 tỷ đồng).
Tổng tài sản của nhà băng này đến cuối tháng 9/2024 đạt gần 688.400 tỷ đồng và vốn điều lệ đạt 40.658 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 10/2024), giữ vị trí thứ 4 trong năm ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất.
Trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, T&T còn là cổ đông sáng lập, cổ đông lớn nhất của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội với tỷ lệ sở hữu 5,6% (tương ứng 45,5 triệu cổ phiếu). Cá nhân Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh (con trai ông Bùi Quang Hiển) đang nắm giữ 12,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,54%) trong khi, ông Đỗ Quang Hiển với chức danh cố vấn cao cấp HĐQT nắm giữ hơn 4,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,54%).
Được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 350 tỷ đồng, đến tháng 9/2022, vốn điều lệ của SHS đã tăng hơn 23 lần lên hơn 8.131 tỷ đồng. Công ty chứng khoán này đang tham vọng tăng vốn lên top 3 thị trường với 3 phương án phát hành tăng vốn đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Với kế hoạch phát hành tổng cộng gần 900 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của SHS dự kiến sẽ tăng gấp hơn 2 lần lên mức hơn 17.000 tỷ đồng nếu triển khai thành công.
Ngoài SHB và SHS, tên tuổi của T&T từng gắn liền với Bảo hiểm BSH (mã BHI). Tuy nhiên, hồi đầu năm 2024, T&T Group và Chứng khoán SHS đã cùng bán hết số cổ phần sở hữu tại BSH (tổng gần 20 triệu cổ phiếu, chiếm gần 20% vốn). Chiều ngược lại, Tổng công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco) một thành viên trong hệ sinh thái T&T đã mua vào 10,1 triệu cổ phiếu BHI, nâng sở hữu từ 0% lên 10,1% và trở thành cổ đông lớn.
… đến mở rộng sang nông nghiệp, bất động sản, năng lượng
Nói thêm về Vegetexco, công ty này có tiền thân là Tổng công ty Rau quả Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập năm 1988, đến năm 2015 thì được cổ phần hóa. Nắm bắt cơ hội này, T&T Group và Bảo hiểm BSH đã trở thành cổ đông chiến lược của Vegetexco, mở đầu cho việc lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp của ông Đỗ Quang Hiển.
Sau khi về chung nhà với T&T, tháng 7/2021 Vegetexco đã tăng vốn gấp đôi từ 713 tỷ đồng lên 1.423 tỷ đồng, đồng thời mở rộng kinh doanh sang mảng bất động sản, với 3 dự án tại Hà Nội gồm: Toà nhà hỗn hợp số 2 Phạm Ngọc Thạch, cải tạo Khách sạn 58 Lý Thái Tổ, Tòa nhà văn phòng làm việc và giới thiệu sản phẩm Cầu Tiên.
Tính đến cuối năm 2021, T&T vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 40,34% vốn điều lệ Vegetexco, trong khi Công ty TNHH Nông nghiệp T&T sở hữu 22,55%, Công ty CP Cảng Quảng Ninh sở hữu 12,25%, Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội sở hữu 7,52% và Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không nắm giữ 7,61%.
Ngoài Vegetexco, T&T còn tham gia mua vốn cổ phần của nhiều công ty Nhà nước khác như Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Việt Nam (Vigecam), Công ty CP Cảng Quảng Ninh, Bệnh viện Giao thông Vận tải…
Việc T&T mua vốn của hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước ngoài mục đích mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp còn được cho là động thái nhắm đến quỹ đất khổng lồ mà các doanh nghiệp này nắm giữ. Đây cũng là bàn đạp để tập đoàn này mở rộng quỹ bất động sản của mình.
Trước đó, để phục vụ cho kế hoạch phát triển mảng bất động sản, bầu Hiển đã lập ra Công ty CP Tập đoàn Bất động sản T&T (T&T Land) vào năm 2007 và thực hiện nhiều thương vụ mua lại những khu “đất vàng” tại Hà Nội như tòa văn phòng số 45 Lý Thường Kiệt, tòa văn phòng 23 Láng Hạ, khu tổ hợp 273 Tây Sơn, chung cư 120 Định Công, khu nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Xuân Khanh hay tòa nhà căn hộ T&T Riverside tại 440 Vĩnh Hưng…
Tại khu vực miền Trung, T&T Land có các dự án như khách sạn T&T - Đà Nẵng, khu đô thị Điện Bàn ở Quảng Nam, dự án 152 ha ở Tân Dân Thanh Hoá. Còn ở phía Nam, T&T Land có các dự án như 446 - 448 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, khu đô thị phức hợp Sóng Việt tại Thủ Thiêm, dự án T&T Millennia City tại Long An...
Hiện danh mục bất động sản đã triển khai của T&T trải dài từ các đại đô thị, trung tâm thương mại, cao ốc tài chính - văn phòng, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu chế suất công nghiệp và trung tâm nông nghiệp thông minh công nghệ cao tại hơn 40 tỉnh thành trên cả nước.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, T&T còn tiếp tục làm dày hệ sinh thái với nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, trong đó, đáng chú ý là tham vọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm 2020-2021, tập đoàn này đã đưa vào vận hành và quản lý các dự án điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Đến năm 2023, T&T đã đưa vào vận hành thương mại 5 nhà máy với tổng công suất đạt 532 MW.
Hướng tới mục tiêu năm 2035 T&T Group và các đối tác đã đề xuất bổ sung cho quy hoạch điện lưới quốc gia gần 30Gw từ điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện LNG, điện sinh khối và điện rác. Trong đó, điện gió ngoài khơi là chủ đạo.
Ngoài ra, T&T cũng không ngừng mở rộng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Đầu tháng 7/2024, Liên danh nhà đầu tư T&T - Cienco 4 và tỉnh Quảng Trị đã khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Đây là cảng hàng không thứ 2 tại Việt Nam đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), sau Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).
Và với bước đi chiến lược mới đây vào Vietravel Airlines, có thể thấy, hành trình mở rộng "đế chế" của doanh nhân Đỗ Quang Hiển vẫn chưa dừng lại.