Chứng khoán

Lao dốc hơn 10 điểm, VN-Index tuột mốc 1.250 điểm

Quỳnh Dương 04/11/2024 - 17:08

Khởi đầu tuần mới, áp lực rung lắc ở diện rộng khiến VN-Index đánh rơi hơn 10 điểm và quay về đáy ngắn hạn giữa tháng 9.

image(5).png
Diễn biến VN-Index

Dưới áp lực điều chỉnh đến từ nhóm ngành bán lẻ và ngân hàng, mở cửa phiên sáng nay (ngày 4/11), thị trường chứng khoán giảm nhẹ 2 điểm. Tuy nhiên sự phân hóa thể hiện rõ khi một số cổ phiếu ngân hàng quốc doanh như VCB vẫn duy trì được sắc xanh trong phiên giữ cho chỉ số chung không bị tụt giảm quá mạnh. Đến giữa phiên, áp lực bán tiếp tục gia tăng với các mã như VIB, TPB và SSB đều giảm xấp xỉ 2% kéo chỉ số chung giảm gần 8 điểm.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao và tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng với SSB, VPB và TPB đều giảm gần 3%. VN-Index tiếp tục giảm đến giữa phiên, khi đa số các nhóm ngành khác đều giảm mạnh do tâm lý tiêu cực cùng áp lực bán từ nhóm ngành Ngân hàng.

Nhóm cổ phiếu nổi bật trong phiên là chứng khoán với diễn biến hồi phục đồng đều, tuy nhiên, dòng tiền không có sự lan tỏa sang các nhóm ngành khác nên không thể giúp VN-Index thu hẹp mức độ giảm và chỉ số chung liên tục ghi nhận các nhịp rung lắc, trồi sụt với biên độ lớn hơn so với nửa cuối phiên sáng.

image(4).png
Bản đồ thị trường

Sau phiên sáng giữ làm trụ đỡ cho thị trường chung, VCB "quay xe" trở thành gánh nặng trong phiên chiều khi lấy đi gần 1,5 điểm của VN-Index và là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất. Theo sau VCB là VPB và GVR.

Cổ phiếu nhóm chứng khoán là điểm sáng duy nhất trong phiên giao dịch hôm nay. Trong đó, FTS tăng 4%, HCM tăng 2,1%, các mã VCI, BSI, CTS đều tăng hơn 1%, SSI tăng nhẹ 0,2%... Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành vẫn là VIX với hơn 25,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt khoảng hơn 17.000 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục “xả hàng” với giá trị bán ròng đạt hơn 685 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán MSN, VHM, FPT. Đây là phiên bán ròng thứ 17 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.

image(6).png
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 10,18 điểm (-0,81%), xuống 1.244,71 điểm, với 93 mã tăng và 287 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 710 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị đạt 15.854 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và giảm 12% giá trị so với cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 121 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.485 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,96 điểm (-0,43%), xuống 224,25 điểm với 105 mã tăng và 271 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47 triệu đơn vị, giá trị 795 tỷ đồng, tăng 20% về khối lượng và 29% giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận ghi nhận 13 triệu đơn vị, giá trị đạt 376 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,38%), xuống 91,61 điểm với 48 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 360 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 74 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm trên dưới 10 điểm, với VN30F2411 giảm mạnh nhất là 11,9 điểm, tương đương -0,9% xuống 1.318,5 điểm, khớp lệnh hơn 213.800 đơn vị, khối lượng mở 53.215 đơn vị.

Với diễn biến hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, duy trì tỉ trọng danh mục ở mức 50-60% với mục tiêu lướt sóng T+ ở các cổ phiếu có tín hiệu sideway tại vùng hỗ trợ với biến động giá ở biên độ nhỏ, không đáng kể khi thị trường xuất hiện áp lực điều chỉnh, đặc biệt là ở cổ phiếu vẫn thu hút được lực cầu ổn định. Thị trường hiện tại chưa quá tiêu cực khi thanh khoản chưa có biến động lớn, tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến chung để có hành động đầu tư phù hợp bảo toàn lợi nhuận.

Về chiến lược giao dịch tuần này, CTCK VNDIRECT cho rằng, bức tranh kết quả kinh doanh tươi sáng hơn sẽ phần nào cải thiện định giá thị trường và hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư.

Cụ thể, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2024 của thị trường cải thiện tích cực với doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ, vượt trội so với mức tăng trưởng của 2 quý đầu năm (số liệu chốt đến ngày 1/11/2024, với 1.058 doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý III/2024, chiếm 97,5% vốn hóa toàn thị trường).

“Đồng thời, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa sau của quý IV/2024 khi FED tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành và nguồn cung ngoại tệ tăng lên dịp cuối năm nhờ dòng vốn FDI và kiều hối tích cực. Do đó, chúng tôi bảo lưu nhận định rằng, vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK Chứng khoán VNDIRECT nhận định.

Theo đó, các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ). Thực tế, VNDIRECT nhận thấy rằng, trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao dốc hơn 10 điểm, VN-Index tuột mốc 1.250 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO