Tin hội viên

Lấy ý kiến về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Nguyễn Cảnh Hiệp 19/08/2023 13:07

Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thông qua việc chuyển theo dõi ngoại bảng và/hoặc bán nợ.

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, việc xử lý rủi ro tín dụng theo cơ chế này được áp dụng đối với khoản nợ vay mà VDB chịu rủi ro tín dụng, gồm: khoản nợ vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại và các khoản nợ vay khác của VDB (khoản nợ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ do VDB chịu rủi ro tín dụng và khoản vay khác mà VDB không được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và phí quản lý).

Các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro tín dụng bao gồm: khoản nợ vay của khách hàng là tổ chức bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật; khoản nợ vay của khách hàng là cá nhân chết, mất tích; khoản nợ vay của khách hàng được phân loại nhóm 5 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; khoản nợ vay của khách hàng đang được theo dõi ngoại bảng tại bảng cân đối kế toán hoặc đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng.

Để xem xét xử lý rủi ro tín dụng, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định VDB phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro tín dụng với Chủ tịch Hội đồng là Tổng Giám đốc VDB và các thành viên còn lại gồm: 01 thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc phụ trách xử lý rủi ro tín dụng, Kế toán trưởng và tối thiểu 02 thành viên khác do Hội đồng quản trị quyết định.

Hội đồng xử lý rủi ro tín dụng của VDB có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và trình Hội đồng quản trị quyết định việc sử dụng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý rủi ro tín dụng trong toàn hệ thống; phương thức bán nợ và giá khởi điểm (đối với trường hợp bán nợ theo phương thức đấu giá) hoặc giá khởi điểm để đàm phán bán nợ (đối với trường hợp bán nợ theo phương thức thỏa thuận); thẩm định hồ sơ và trình Hội đồng quản trị phê duyệt, đồng thời gửi Ban Kiểm soát có ý kiến thẩm định độc lập trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt xuất toán khoản nợ ra khỏi ngoại bảng và bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ nội bảng của khoản nợ được bán. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng xử lý rủi ro tín dụng có trách nhiệm trình Hội đồng quản trị quyết định việc xuất toán khoản nợ ra khỏi ngoại bảng và bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ nội bảng của khoản nợ.

Cũng theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc xuất toán khoản nợ ra khỏi ngoại bảng hoặc bán nợ thấp hơn số dư nợ gốc của khoản nợ đang được theo dõi ngoại bảng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng văn bản trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước.

Tại dự thảo Tờ trình về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành cơ chế xử lý rủi ro tín dụng đối với VDB là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ để VDB xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động tín dụng, đảm bảo tương đồng với quy định hiện hành về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc xây dựng dự thảo Quyết định này góp phần thực hiện các mục tiêu của phương án cơ cấu lại VDB bền vững, hiệu quả.

Được biết, trước đó, Bộ Chính trị đã có ý kiến kết luận đồng ý về chủ trương tiếp tục cơ cấu lại VDB giai đoạn 2023-2027 với các giải pháp do Ban cán sự đảng Bộ Tài chính trình. Bộ Chính trị cũng chỉ đạo sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách cơ cấu lại VDB, nhất là cơ chế tín dụng, cơ chế xử lý rủi ro tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy ý kiến về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO