Nhìn ra thế giới

Liên hợp quốc dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 2,4% trong 2024

Xuân Thanh 11/01/2024 08:00

Ngày 5/1/2024, Liên hợp quốc (UN) công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế thế giới hiện nay và triển vọng. Đây là báo cáo do Vụ Kinh tế và Xã hội thuộc UN phát hành với sự phối hợp của Hội nghị Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và các ủy ban UN tại các khu vực trên thế giới.

Theo đó, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt và bất ổn chính sách trên toàn cầu, kinh tế thế giới năm 2023 được đánh giá là bền vững hơn so với kỳ vọng, bất chấp các cú sốc liên tiếp nổi lên, từ xung đột vũ trang đến biến đổi khí hậu. Một số nền kinh tế lớn thể hiện sức bền vững đáng kể: Thị trường lao động tiếp tục được củng cố đã hỗ trợ tăng tiêu dùng cho dù tiền tệ thắt chặt. Trong khi đó, lạm phát tại hầu hết các khu vực đã giảm dần nhờ giá năng lượng và thực phẩm hạ nhiệt, cho phép các ngân hàng trung ương tạm dừng động thái tăng lãi suất.

Tuy nhiên, dáng vẻ bền vững bên ngoài này che đậy cả rủi ro ngắn hạn và những tổn thương về mặt cơ cấu. Áp lực giá cả vẫn tăng cao tại nhiều nước và xung đột tiếp tục leo thang tại Trung Đông, có thể sẽ gây tắc nghẽn nguồn cung năng lượng và gây áp lực mới về lạm phát toàn cầu.

Do tác động trễ của các đợt tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương chủ chốt có thể phải duy trì mặt bằng lãi suất cao thêm một thời gian. Chi phí vay vốn quá cao và tín dụng thắt chặt kéo dài đang gây khó khăn cho kinh tế thế giới vốn đang chật vật với gánh nặng nợ nần nhưng vẫn phải mở rộng đầu tư để phục hồi tăng trưởng, chống biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu thiên niên kỷ. Chưa hết, điều kiện tài chính thắt chặt và nguy cơ chia cắt địa chính trị làm tăng rủi ro đối với sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu và GDP 2022-2025 (% so năm trước)

Thực tế và dự báo
Thay đổi (1)
2022
2023
2024
2025
2023
2024
Toàn cầu
3,0
2,7
2,4
2,7
0,4
-0,1
Các nước phát triển
2,6
1,6
1,3
1,6
0,6
0,1
Mỹ
1,9
2,5
1,4
1,7
1,4
0,4
Liên minh châu Âu
3,4
0,5
1,2
1,6
-0,4
-0,3
Khu vực đồng euro
3,4
0,6
1,1
1,5
-0,3
-0,3
Anh và Bắc Ireland
4,3
0,5
0,4
1,0
0,6
-0,7
Những AEs khác
3,1
1,4
1,4
1,9
0,1
0,0
Các nước đang chuyển đổi
-1,7
3,3
2,3
2,4
2,7
0,1
Đông - Nam châu Âu
3,2
2,2
2,9
3,1
0,2
-0,1
CIS và Georgia
-1,9
3,3
2,3
2,4
2,7
0,1
Nga
-2,1
2,7
1,3
1,5
3,3
-0,1
Các nước đang phát triển
3,9
4,1
4,0
4,2
0,0
-0,2
Các nước châu Phi (2)
3,5
3,3
3,5
4,2
-0,1
-0,1
Các nước Bắc Phi (2)
2,9
3,4
3,2
4,2
-0,1
-0,3
Các nước Đông Phi
5,4
5,0
5,5
5,9
0,0
0,6
Trung Phi
3,0
2,5
3,1
3,7
-1,0
-0,5
Tây Phi
3,9
3,6
3,8
4,1
-0,2
-0,1
Nam Á
3,2
4,9
4,6
4,5
0,2
0,3
Đông và Nam Á (3)
3,7
5,0
4,7
4,7
0,3
0,1
Đông Á
3,2
4,9
4,6
4,5
0,2
0,3
Trung Quốc
3,0
5,3
4,7
4,5
0,0
0,2
Nam Á (3)
6,3
5,3
5,2
5,7
0,6
-0,6
Ấn Độ
7,7
6,3
6,2
6,6
0,5
-0,5
Tây Á (4)
6,5
1,7
2,9
3,7
-1,4
-0,4
Mỹ Latinh và Caribê
3,8
2,2
1,6
2,3
0,8
-0,8
Nam Mỹ
3,9
1,4
1,0
2,3
0,4
-1,2
Brazil
2,9
3,1
1,6
2,3
2,1
-0,5
Mêhicô và Trung Mỹ
3,4
3,5
2,6
2,3
1,5
0,0
Caribê (5)
3,8
2,2
1,6
2,3
0,8
-0,8
Các nước chậm phát triển (6)
3,4
4,4
5,0
5,5
0,0
-0,4
Các quốc đảo nhỏ
4,5
2,3
3,1
3,2
-0,2
-0,6
Các quốc gia nội lục địa (3)
4,1
4,4
4,7
4,8
0,3
0,5
Thương mại toàn cầu (7)
5,7
0,6
2,4
3,2
-1,7
-1,2
GDP tính theo PPP (9)
3,3
3,0
2,9
3,2
0,3
-0,1

Nguồn: UN tháng 1/2024

Chú thích:

(1) Tăng/giảm so với dự báo giữa năm 2023;

(2) Không tính Libya và Sudan;

(3) Không tính Afganistan;

(4) Không tính Palestine;

(5) Không tính Guyana;

(6) Không tính Afganistan và Sudan;

(7) Bao gồm hàng hóa và dịch vụ;

(8) Tính theo sức mua tương đương (PPP) năm 2015.

Trong môi trường đầy rủi ro và bất ổn như vậy, GDP toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ kết quả tăng 2,7% trong năm 2023 xuống mức tăng 2,4% trong năm nay, sau đó phục hồi trở lại lên mức tăng 2,7% vào năm 2025, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trung bình 3,0% trước đại dịch. Mặc dù kinh tế thế giới năm 2023 đã tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái, nhưng rủi ro tăng trưởng thấp kéo dài ngày càng hiện hữu. Tại nhiều nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế vẫn yếu ớt, các nước thu nhập thấp và dễ bị tổn thương rất khó phục hồi về mức tăng trưởng trước đại dịch.

Kinh tế các nước phát triển tiếp tục tăng chậm

Trong năm 2023, kinh tế Mỹ đạt kết quả tăng trưởng rất cao (2,5%), nhưng sẽ giảm tốc xuống mức tăng 1,4% trong năm nay. Kinh tế tăng cao trong năm 2023 là nhờ nguồn tiền tiết kiệm trong mùa dịch khá dồi dào, thị trường lao động và nhà ở tiếp tục được củng cố, đây là những yếu tố tăng chi tiêu dùng.

Trong quý III/2023, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7% và tốc độ tăng lương bình quân là 5,4%. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ nhanh chóng thay đổi, nếu giá nhà ở và tài sản giảm sâu, thu nhập của các hộ gia đình sẽ giảm. Do nguồn tiết kiệm giảm, lãi suất đứng ở mức cao, thị trường lao động thu hẹp dần, nên chi tiêu đùng sẽ yếu ớt trong năm 2024, trong khi hoạt động đầu tư vẫn trầm lắng. Mặc dù kinh tế Mỹ đã tránh được nguy cơ hạ cánh cứng, nhưng rủi ro tăng trưởng thấp vẫn là thách thức rất lớn, nguyên nhân là do thị trường lao động, nhà ở và tài chính không còn thuận lợi như trong năm 2023.

Do lạm phát vẫn tăng cao và mặt bằng lãi suất khá cao, các nước châu Âu đối mặt với triển vọng tăng trưởng thấp. Sau khi tăng 0,5% trong năm 2023, GDP năm 2024 tại EU được dự báo sẽ phục hồi lên mức tăng 1,2%. Đà phục hồi ấn tượng này được kỳ vọng là nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng do giá cả hạ nhiệt, lương thực tế tăng, thị trường lao động tiếp tục sôi động. Tuy nhiên, tác động trễ của điều kiện tài chính thắt chặt và việc rút dần các gói hỗ trợ tài chính sẽ phần nào cản trở tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ giảm dần từ kết quả tăng 1,7% trong năm 2023 xuống mức tăng 1,2% trong năm 2024, cho dù chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn thuận lợi. Lạm phát tăng trở lại đang phát tín hiệu lạc quan về khả năng chấm dứt thời kỳ giảm phát kéo dài gần ba thập kỷ, nhưng kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng chậm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu năm 2024.

Tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), tăng trưởng kinh tế cao hơn dự báo trước đó, phản ánh kết quả kinh tế tăng cao tại CHLB Nga, kinh tế Ukraine phục hồi nhẹ sau khi giảm sâu vào năm 2022, kinh tế Caucasus và các nước Trung Á tăng vững. Cụ thể là, GDP tại CIS và Georgia tăng 3,3% trong năm 2023 và 2,3% trong năm 2024. Trong năm 2024, lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế của khu vực này.

Triển vọng kinh tế khác biệt giữa các nước đang phát triển

Tại Trung Quốc, đà phục hồi kinh tế sau thời gian đóng cửa để chống dịch khá trầm lắng, trong bối cảnh khó khăn ở trong và ngoài nước. Sau khi giảm về mức tăng 2,2% trong năm 2022, GDP đã phục hồi lên mức tăng 5,3% trong năm 2023, mặc dù nhu cầu tiêu dùng yếu ớt. Do khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây khu vực bất động sản và nhu cầu bên ngoài sụt giảm, GDP năm 2024 dự kiến chỉ tăng 4,7%.

Kinh tế châu Phi vẫn mong manh, mặc dù tăng dần từ kết quả tăng 3,3% trong năm 2023 lên mức tăng 3,5% trong năm 2024. Các yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế khu vực này bắt nguồn từ thực tế là, kinh tế toàn cầu yếu ớt, điều kiện tài chính và tiền tệ thắt chặt, các hiện tượng thời tiết cực đoan, gánh nặng nợ nần tăng cao.

Kinh tế các nước Đông Á được dự báo giảm nhẹ từ kết quả tăng 4,9% trong năm 2023 xuống mức tăng 4,6% vào năm 2024. Tại hầu hết các nước, tiêu dùng tư nhân được kỳ vọng sẽ tăng vững, nhờ lạm phát giảm và thị trường lao động tiếp tục phục hồi. Mặc dù xuất khẩu dịch vụ tăng, nhưng nhu cầu yếu ớt trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa, vốn được cho là động lực tăng trưởng của các nước trong khu vực.

GDP tại các nước Nam Á được dự báo tăng 5,3% trong năm 2023 và 5,2% trong năm 2024, chủ yếu là nhờ kinh tế Ấn Độ tăng cao. Kinh tế Ấn Độ năm 2024 sẽ tăng 6,2%, nhờ nhu cầu trong nước tăng cao và khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng vững. Tại những nước khác trong khu vực, tình hình kinh tế đang đối mặt với khó khăn do điều kiện tài chính và tiền tệ thắt chặt, nợ nần tăng cao, hiện tượng thời tiết cực đoan El Niño sẽ sớm quay trở lại.

Tại Tây Á, GDP năm 2024 được dự báo tăng 2,9%, cao hơn kết quả tăng 1,7% trong năm 2023. Giá thực phẩm nhập khẩu tăng cao tiếp tục gây áp lực tăng lạm phát, mặc dù sẽ giảm dần trong năm 2024. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các động thái thắt chặt tiền tệ quyết liệt để chống lạm phát sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Triển vọng kinh tế các nước Mỹ Latinh và Caribê vẫn là thách thức lớn, GDP tiếp tục giảm từ kết quả tăng 2,2% trong năm 2023 xuống mức tăng 1,6% trong năm 2024. Lạm phát giảm dần, nhưng vẫn đứng ở mức cao, thách thức về cơ cấu và kinh tế vĩ mô tiếp tục kéo dài. Trong năm 2024, điều kiện tài chính thắt chặt sẽ cản trở nhu cầu trong nước, trong khi kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng chậm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Lạm phát toàn cầu giảm, nhưng giá thực phẩm vẫn đứng ở mức cao

Sau khi đà tăng kéo dài trong hai năm, lạm phát toàn cầu giảm dần trong năm 2023 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trong giai đoạn 2010-2019. Trên toàn cầu, lạm phát cơ bản giảm từ tỷ lệ 8,1% trong năm 2022 xuống 5,7% vào năm 2023, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 3,9% vào năm 2024, nhờ giá cả hàng hóa hạ nhiệt và nhu cầu yếu ớt. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã bật tăng trở lại trong sáu tháng cuối năm 2023, nhất là tại châu Phi, Nam Á và Tây Á, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực. Trong năm 2023, khoảng 238 triệu người rơi vào tính cảnh khó khăn, tăng 21,6 triệu người so với năm trước.

Chi phí vay vốn tăng cao sẽ gây rủi ro cho các nước đang phát triển

Từ năm 2022, cùng với các động thái tăng lãi suất, các nước phát triển bắt đầu rút dần các gói hỗ trợ định lượng (QE). Động thái thắt chặt tiền tệ này đã gây tác động lan truyền sang các nước đang phát triển, chi phí vay vốn tăng cao, khó tiếp cận các thị trường vốn quốc tế, đồng bản tệ mất giá quá mức. Trong thời gian 6 tháng sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất (từ tháng 3/2022), đồng bản tệ của các nước mới nổi mất giá trung bình 9% so với USD.

Đầu tư toàn cầu vẫn yếu ớt

Sau khi tăng 3,3% trong năm 2022, đầu tư toàn cầu vào tài sản cố định giảm xuống mức tăng 1,9% trong năm 2023, thấp xa tốc độ tăng trung bình 4,0% trong giai đoạn 2011-2019. Mặc dù chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức sau thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng hoạt động đầu tư chỉ tăng thấp, trong khi chi phí vay vốn tăng cao và bất ổn kinh tế hiện nay sẽ tiếp tục cản trở các hoạt động đầu tư.

Thương mại quốc tế mất động lực dẫn dắt tăng trưởng

Trong năm 2023, thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,6%, giảm sâu từ kết quả tăng 5,7% trong năm 2022. Theo kỳ vọng, thương mại toàn cầu sẽ phục hồi lên mức tăng 2,4% vào năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình trước đại dịch (tăng 3,2%).

Trong năm 2024, các ngân hàng trung ương tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc cân bằng tác động chính sách giữa các biện pháp kiềm chế lạm phát, phục hồi tăng trưởng, và đảm bảo ổn định tài chính. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương tại các nước đang phát triển còn phải đối mặt với khó khăn bổ sung về khả năng hoàn trả nợ vay và tính bền vững nợ nần, điều này đòi hỏi phải sử dụng những công cụ khác nhau để giảm thiểu tác động đối ngược lan truyền từ các động thái thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển.

Các nước đang phát triển cũng cần củng cố năng lực kỹ thuật và thể chế, tăng cường năng lực giám sát, sử dụng các chỉ số cảnh báo sớm và mô hình quản lý rủi ro, chủ động và sẵn sàng triển khai các giải pháp chính sách. Để ngăn ngừa và đẩy lùi các cú sốc từ bên ngoài, cần tiến hành các biện pháp tài khóa thận trọng và thiết lập các quỹ bình ổn quốc gia, tận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ các nước phát triển để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hợp quốc dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 2,4% trong 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO