Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục đón nhận lực mua mạnh mẽ, đặc biệt là nhóm năng lượng.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giới đầu tư dành chú ý đặc biệt đến thị trường dầu thô với 5 phiên giao dịch tăng liên tiếp và là động lực chính dẫn dắt xu hướng tích cực cho toàn thị trường. Trong khi đó, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, nhiều mặt hàng giá đột ngột lao dốc, nhất là hai mặt hàng cà phê. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,32% lên 2.259 điểm.
Giá dầu thế giới tăng mạnh trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung
Ngày giao dịch đầu tuần (7/10), thị trường chứng kiến đà tăng mạnh của giá dầu thế giới trước lo ngại xung đột tại khu vực Trung Đông lan rộng và khả năng gián đoạn hoạt động xuất khẩu cũng như khai thác từ Mỹ. Kết phiên, dầu thô WTI tăng 3,71% lên 77,14 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 3,69% đạt 80,93 USD/thùng.
Tình hình căng thẳng tại Trung Đông leo thang sau khi Hezbollah, tổ chức được Iran hậu thuẫn tại Lebanon, tấn công bằng tên lửa vào thành phố Haifa của Israel. Bên cạnh đó, một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Yemen nhắm vào Tel Aviv cũng được ghi nhận. Đáp lại, Israel dường như sẵn sàng mở rộng các cuộc xâm nhập trên bộ vào miền nam Lebanon. Lo ngại Mỹ, đồng minh thân cận của Israel và đối đầu trực tiếp với Iran, có thể bị cuốn vào một cuộc chiến quy mô lớn hơn đã đẩy giá dầu lên cao.
Đứng trước tình hình tại Trung Đông, Ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá dầu Brent có thể chạm ngưỡng 90 USD/thùng nếu nguồn cung từ Iran bị ảnh hưởng 2 triệu thùng/ngày, hoặc đạt 85 USD/thùng nếu nguồn cung giảm 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý khả năng xung đột không ảnh hưởng tới sản xuất của Iran và nguồn cung dự phòng từ OPEC+ có thể giúp hạ nhiệt thị trường.
Về phía nguồn cung, hoạt động sản xuất tại vịnh Mexico, một trong những khu vực khai thác dầu thô hàng đầu của Mỹ tiếp tục bị đặt trong tình trạng báo động khi cơn bão Milton di chuyển ngang qua khu vực này. Bão nhiệt đới Milton đã mạnh lên vào cuối tuần qua, sẽ đổ bộ dọc theo bờ biển phía tây Florida vào cuối tuần này, sau khi đi qua các khu vực của Vịnh Mexico. Tập đoàn năng lượng Chevron đã đóng cửa nền tảng khai thác Blind Faith ở Vịnh Mexico và sơ tán tất cả nhân viên khỏi cơ sở tại khu vực.
Trước tình hình giá dầu tăng cao, Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng giá bán chính thức sang thị trường châu Á. Saudi Aramco nâng giá dầu Arab Light thêm 0,90 USD/thùng cho các đơn hàng giao tháng 11, cao hơn mức dự báo 0,65 USD/thùng của thị trường, đưa mức chênh lệch so với tiêu chuẩn Dubai/Oman lên 2,2 USD/thùng.
Giá cà phê Arabica đánh mất 5% về mức thấp nhất trong một tháng
Theo ghi nhận của MXV, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm mạnh sau phiên điều chỉnh kỹ thuật vào cuối tuần trước. Theo đó, giá cà phê Arabica đánh mất khoảng 5%, về mức thấp nhất trong một tháng; giá cà phê Robusta giảm gần 4%, quay về dưới 4.900 USD/tấn. Tâm lý kỳ vọng mưa xuất hiện tại vùng trồng cà phê chính của Brazil kết hợp cùng số liệu xuất khẩu tăng cao trong tháng 9 đã tạo sức ép lớn đối với giá.
Cơ quan dự báo thời tiết của Brazil và hãng LESG đều cho rằng mưa sẽ lan rộng từ khu vực phía Nam sang vùng Đông Nam, vùng trồng cà phê chính của Brazil từ đầu tuần này. Lượng mưa trong 10 ngày có thể lên tới 50 mm và nhiệt độ cũng có xu hướng dịu lại. Sự xoay chiều của thời tiết có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn để cây cà phê phát triển và phục hồi sau giai đoạn khô hạn kéo dài.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng của Brazil đã tạo sự an tâm hơn về khả năng đảm bảo nguồn cung trên thị trường. Chính phủ quốc gia Nam Mỹ này công bố số liệu xuất khẩu cà phê dạng hạt trong tháng 9 đạt trên 243.000 tấn, tăng 36,79% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng cà phê có sẵn sau thu hoạch tạo điều kiện để Brazil đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu từ châu Âu tăng cao.
Hơn thế, thị trường cũng tiếp tục phản ứng với thông tin EU đề xuất hoãn thi hành luật EUDR thêm 12 tháng. Nếu đề xuất này được thông qua, các quốc gia xuất khẩu có thêm thời gian để chuẩn bị cho các yêu cầu mới; đồng thời, các nước nhập khẩu thuộc châu Âu cũng không cần ồ ạt nhập trước để đảm bảo nguồn dự trữ.
Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (8/10), giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ cũng “hạ nhiệt” theo giá cà phê thế giới, hiện dao động trong khoảng 114.500 - 115.100 đồng/kg, giảm 900 - 1.000 đồng/kg so với ngày hôm trước. So với ngày đầu tháng 10, giá cà phê nội địa đã đánh mất khoảng 7.000 đồng/kg.