Doanh nghiệp

Lỗ ròng của VNG tăng vọt gấp 4 lần lên hơn 2.100 tỷ đồng sau kiểm toán

Hoàng Hà 15/05/2024 - 12:42

Lý giải nguyên nhân lỗ sau thuế tăng mạnh sau kiểm toán cũng như tăng so với năm ngoái, VNG cho biết, chủ yếu do thay đổi trong chính sách kế toán năm 2023.

vng.jpeg

Công ty CP VNG (mã VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với doanh thu đạt 7.593 tỷ đồng, giảm 12% so với báo cáo tự lập và giảm 3% so với năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn đóng góp chính với 5.483 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ. Kế đến là mảng dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet với gần 972 tỷ đồng, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến đóng góp 916 tỷ đồng.

Trừ đi giá vốn 5.304 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của công ty còn 2.288 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Biên lãi gộp theo đó cũng giảm từ mức 44,1% của năm 2022 về mức 28,8% trong năm 2023.

Với chi phí tài chính tăng gấp 8,5 lần lên 220 tỷ đồng, trong khi các chi phí bán hàng và quản lý giảm không đáng kể so với cùng kỳ, vẫn ở mức 3.950 tỷ đồng, VNG lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 2.086 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần con số lỗ thuần 942 tỷ đồng của năm ngoái và gấp gần 4 lần con số lỗ thuần 528 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.

Kết quả, VNG lỗ sau thuế 2.317 tỷ đồng và lỗ ròng 2.101 tỷ đồng trong năm 2023, tăng lần lượt 51% và 195% so với năm 2022. So với báo cáo tự lập với lỗ sau thuế 756 tỷ đồng và lỗ ròng 540 tỷ đồng, con số lỗ sau thuế và lỗ ròng của VNG trong báo cáo kiểm toán đã lần lượt tăng gấp 3 và 4 lần.

VNG.png

Lý giải nguyên nhân lỗ sau thuế tăng mạnh sau kiểm toán cũng như tăng so với năm ngoái, VNG cho biết, chủ yếu do thay đổi trong chính sách kế toán năm 2023 liên quan đến việc ghi nhận doanh thu trò chơi trực tuyến trên cơ sở hệ thống đã cho phép theo dõi và ghi nhận số liệu người chơi một cách chi tiết.

Năm 2023, VNG đã thực hiện việc ghi nhận doanh thu chưa thực hiện cho phần nghĩa vụ chưa hoàn thành đối với người chơi. Việc thay đổi trong chính sách kế toán này được áp dụng từ ngày 1/1/2023 trên cơ sở phi hồi tố.

Theo đó, dữ liệu tương ứng của báo cáo tài chính hợp nhất là không so sánh được với dữ liệu của kỳ kế toán năm hiện tại do ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách kế toán trên cơ sở phi hồi tố nêu trên.

Về tình hình tài chính, tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản VNG ở mức 9.595 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2022, trong đó lượng tiền mặt tiền gửi và tương đương tiền tăng mạnh 46% lên gần 3.838 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của công ty cũng tăng 1,8 lần so với đầu năm lên mức 6.785 tỷ đồng, gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu (2.810 tỷ đồng). Nợ phải trả của công ty chủ yếu nằm ở doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 1.530 tỷ đồng (tăng tới 1.450 tỷ đồng so với năm 2022), chi phí phải trả ngắn hạn 1.385 tỷ đồng (475 tỷ đồng) và tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn khoảng 1.483 tỷ đồng (tăng gần 1.040 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗ ròng của VNG tăng vọt gấp 4 lần lên hơn 2.100 tỷ đồng sau kiểm toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO