Kết quả tích cực từ cuộc họp của FED giúp cho nhiều chỉ số chứng khoán châu Á tăng điểm khả quan. Tuy nhiên, VN-Index lại không đi theo những diễn biến chung do những cản trở về mặt tâm lý.
Định vị thị trường
Tại cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Chủ tịch Jerome Powell tuyên bố chính sách siết chặt tiền tệ có thể đã kết thúc sau khi lạm phát giảm vượt kỳ vọng.
Sau tuyên bố trên, trong phiên giao dịch hôm này (ngày 14/12), sắc xanh đã phủ rộng một loạt thị trường châu Á như KOSPI (+1,34%), STI (+0,72%), TWSE (+1,05%), SET (+1,6%), KLCI (+0,46%), trong đó chỉ số có mẫu hình sát nhất với thị trường Việt Nam là KOSPI của Hàn Quốc còn ghi nhận nỗ lực bứt phá khỏi đường MA200.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn tỏ ra chật vật trong việc chinh phục MA200. Sau phiên hôm qua bị đạp xuống dưới MA200, chỉ số vẫn bị thất thoát nhẹ về điểm số trong phiên hôm nay.
Chất xúc tác
Tuyên bố mới từ FED cũng khiến cho những nỗ lực hồi phục của chỉ số DXY bị đánh gục và trở về vùng thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.
Đây là diễn biến tích cực cho vận động của tỷ giá trong nước. Trong sáng nay, tỷ giá trung tâm được niêm yết tại 23.945 VND/USD và nhiều khả năng có thể sẽ ghi nhận những động thái giảm thêm khi chỉ số DXY đã quay lại điều chỉnh.
Cũng cần chú ý tới dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. ADB dự báo năm 2023 tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,2%, giảm so với dự báo hồi tháng 9 ở mức 5,8%. Như vậy, đây vẫn là con số phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Về mặt thanh khoản, HOSE đã quay lại với trạng thái yếu. Khớp lệnh của phiên giao dịch ngày 14/12 trở lại dưới mức bình quân 20 phiên, giảm 21% so với phiên hôm qua.
Đóng góp của nhà đầu tư nội tính trên tổng quy mô giao dịch của sàn chiếm 86% còn lại thuộc về khối ngoại. Điều này cho thấy, thị trường đang chịu tác động của khối ngoại nhiều hơn khi hoạt động bán ròng vẫn chưa chấm dứt.
Theo thống kê, HOSE đã bị nhà đầu tư ngoại bán ròng tiếp 357 tỷ đồng, và là phiên bán ròng thứ 12 liên tiếp. Các mã CTG (-48 tỷ đồng), STB (-45,63 tỷ đồng), HPG (-37,61 tỷ đồng), VPB (-37 tỷ đồng) là những cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất.
Vận động thị trường
Dù quy mô bán ra đã thu hẹp lại nhưng những cổ phiếu bị khối ngoại bán hầu như đều không ghi nhận sắc xanh. STB (-1,28%), HPG (-1,1%), VPB (-1,04%), đều giảm trên 1% và phần nào đó phản ánh vào biến động của VN30 lẫn VN-Index.
Các mã trụ khác như VNM (+0,3%), BID (0%), GAS (0%), VHM (-1,1%) dù không phải chịu áp lực đáng kể nào nhưng cũng không làm tròn nhiệm vụ nâng đỡ điểm số.
Chỉ số VN-Index giảm 0,37% xuống 1.110,13 điểm. Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 14.681 tỷ đồng, tương đương 681,02 triệu đơn vị.
Độ rộng của sàn đạt 63% mã giảm trong đó nhóm bất động sản, bán lẻ, thép thể hiện rõ nhất sự nhạy cảm. Các mã NVL (-4,12%), DIG (-2,71%), VCG (-2,44%), GEX (-1,54%), DGW (-3,3%), POM (-7%) giảm sâu hơn mặt bằng chung.
Phần lớn các cổ phiếu khác dao động trong biên độ 1%. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng vẫn đè nặng lên vận động của thị trường. Dù FED đã đưa ra những thông tin tích cực hơn nhưng vẫn còn những sự kiện như cơ cấu ETFs vào ngày mai và đáo hạn phái sinh vào thứ Năm tuần sau.
Cả 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều trong tâm lý chờ đợi xu hướng khi biên độ của chỉ số đều không đáng kể. HNX-Index giảm 0,52%, còn UPCoM-Index tăng 0,16%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn hơn 2.200 tỷ đồng.