Doanh nghiệp

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành điện quý III/2023: Bức tranh tối màu

Hoàng Hà 26/10/2023 - 14:05

Bức tranh kết quả kinh doanh của ngành điện trong quý III/2023 nhuốm màu ảm đạm khi phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp ở cả nhóm thủy điện, lẫn nhiệt điện đều giảm sâu, thậm chí Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 còn báo lỗ kỷ lục.

dien.jpg
Đa phần doanh nghiệp ngành điện kinh doanh kém khởi sắc trong quý III/2023 (Ảnh minh họa).

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành điện đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Tuy nhiên, số liệu công bố cho thấy, có tới hơn 2/3 số doanh nghiệp niêm yết trong ngành báo lợi nhuận “đi lùi” so với cùng kỳ, thậm chí có một số doanh nghiệp lỗ nặng, trong khi chỉ số ít doanh nghiệp có lãi.

Lợi nhuận doanh nghiệp thủy điện tiếp tục "bốc hơi"

Dưới tác động của sự chuyển pha thời tiết từ La Nina sang El Nino khiến tình hình thủy văn không còn thuận lợi, lợi nhuận quý III/2023 của phần lớn các doanh nghiệp thủy điện đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) chứng kiến lợi nhuận sau thuế (LNST) quý III/2023 giảm mạnh tới 88% so với cùng kỳ, đạt 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 221 tỷ đồng. Lợi nhuận quý III/2023 của công ty sụt giảm mạnh chủ yếu là do doanh thu sụt giảm tới 41% so với cùng kỳ, còn 382 tỷ, trong khi giá vốn chỉ giảm 11%, xuống 222 tỷ, khiến lợi nhuận gộp bị thu hẹp. Đồng thời, công ty vẫn phải gánh chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp gần như tương đương so với cùng kỳ.

Tương tự, trong quý III/2023 doanh thu của Công ty CP Thủy điện Thác Bà (TBC) cũng giảm 57% so với cùng kỳ, đạt 82 tỷ đồng. Trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế 23 tỷ đồng, giảm 78% so với quý III/2022.

Theo Thủy điện Thác Bà, nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu hoạt động điện trong kỳ giảm mạnh là vì mực nước hồ thấp hơn cùng kỳ (hụt khoảng 782,7 triệu m3 nước). Lưu lượng nước về hồ bình quân cũng giảm 8%, khiến sản lượng điện thương phẩm rơi mạnh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân quý III/2023 cũng thấp hơn do giá bán điện theo hợp đồng (giá Pc) giảm, sản lượng điện hợp đồng (Qc) tăng và sản lượng điện giao nhận giảm. Doanh thu dịch vụ cũng giảm 37% so với cùng kỳ, do giá trị các hợp đồng dịch vụ được nghiệm thu giảm. Ngoài ra, công ty không phát sinh tăng doanh thu cổ tức được chia từ công ty con như cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận quý III/2023 giảm mạnh.

Tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh sa sút trong quý III/2023, Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC) báo doanh thu đạt gần 119 tỷ đồng và LNST 49 tỷ đồng, giảm lần lượt 60% và 73% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhờ quý đầu năm lãi lớn nên lũy kế 9 tháng, Thủy điện A Vương vẫn đạt lãi sau thuế 281 tỷ đồng, vượt 164% kế hoạch lợi nhuận cả năm (kế hoạch đạt 106,6 tỷ).

Không còn thua lỗ như quý trước, Công ty CP Thủy điện Hủa Na (HNA) báo lãi sau thuế quý III/2023 đạt 106 tỷ đồng nhưng so với mức đỉnh của cùng kỳ năm ngoái, con số lợi nhuận này vẫn thấp hơn tới 61%. Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế của công ty đạt 152 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ song đã thực hiện hơn 99% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

thuy-dien.png

Ngoài các doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp thủy điện khác cũng ghi nhận LNST giảm hai chữ số so với cùng kỳ như Phát triển Điện lực Việt Nam (VPD), Thủy điện Hương Sơn (GSM), Thủy điện Nước Trong (NTH), Thủy điện Sông Ba (SBA), Idico SPH (ISH), Thủy điện Bắc Minh (SBM), Thủy điện Bắc Hà (BHA), Thủy điện Thác Mơ (TMP).

Công ty CP Đầu tư Điện lực 3 (PIC) thậm chí còn báo lỗ sau thuế 2 tỷ đồng trong quý III/2023. Đây là lần lỗ trở lại sau 2 năm của doanh nghiệp này. Lũy kế 9 tháng công ty đạt LNST hơn 23 tỷ đồng, giảm gần 22% so với cùng kỳ.

Cùng báo lỗ trong quý III/2023 còn có Công ty CP Thủy điện Sông Vàng (SVH) với mức lỗ sau thuế gần 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 1,2 tỷ đồng. Như vậy, Thủy điện Sông Vàng đã trở lại quỹ đạo thua lỗ sau 7 quý có lãi, tính từ quý IV/2021.

Ngược dòng, có một số doanh nghiệp thủy điện vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý III/2023 song mức tăng không quá đột biến. Theo đó, Công ty CP Thủy điện Sử Pán 2 (SP2) báo lãi sau thuế tăng 39% so với cùng kỳ, đạt 31 tỷ đồng, trong khi Công ty CP Thủy điện Sê San 4A (S4A) báo lãi ròng tăng 45%, đạt gần 28 tỷ đồng đều nhờ lượng nước ổn định giúp doanh thu tăng.

Tương tự, Công ty CP Thủy điện - Điện Lực 3 (DRL) ghi nhận lãi sau thuế tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 14 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lãi gộp tốt hơn cùng với doanh thu tài chính tăng.

Nhiệt điện không lỗ nặng cũng giảm sâu

Thua lỗ cũng là tình trạng chung mà nhiều doanh nghiệp nhiệt điện phải đối mặt trong quý III/2023. Trong đó, Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) lỗ sau thuế tới 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi sau thuế 199 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết vào năm 2015.

Theo giải trình, doanh thu sản xuất điện giảm đáng kể do nhà máy của Nhơn Trạch 2 dừng máy tiến hành đại tu từ ngày 7/9. Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2023 của công ty giảm 62% so với cùng kỳ năm trước về mức 816 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp hơn 132 tỷ đồng.

Với khoản lỗ kỷ lục trong quý III/2023, lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế của NT2 giảm còn 256 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 65 và mới thực hiện được 54% mục tiêu LNST cả năm.

nhiet-dien.png

Sau quý II/2023 lãi gần 22 tỷ đồng, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) lỗ trở lại trong quý III với mức lỗ sau thuế 2,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 1,4 tỷ.

Doanh nghiệp cho biết do thực hiện đại tu theo kế hoạch với tổ máy số 4 từ ngày 15/8-30/9, làm giảm doanh số cố định và kéo lùi lợi nhuận sản xuất điện, dẫn đến thua lỗ trong kỳ.

Dù vậy nhờ quý II/2023 lãi lớn, lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế của công ty đạt hơn 14,5 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ nhưng vượt gần 89% kế hoạch thấp cả năm.

Không đến mức thua lỗ, song lợi nhuận ròng của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cũng giảm đến 92% so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 12 tỷ đồng. Trong quý III/2023, công ty đã thực hiện sửa chữa định kỳ tổ máy nên sản lượng điện thương phẩm giảm dẫn tới doanh thu giảm khiến lợi nhuận giảm.

Trong khi đó, kinh doanh dưới giá vốn trong quý III/2023 nhưng Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) vẫn thoát lỗ, chủ yếu nhờ cổ tức, lợi nhuận được chia. Cụ thể, trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.337 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, giá vốn lên tới 1.421 tỷ đồng, tăng 21%, dẫn đến lỗ gộp 84 tỷ đồng.

Dù chịu lỗ gộp, hoạt động tài chính mang vẫn về doanh thu 184 tỷ đồng cho Nhiệt điện Phả Lại nên sau khi trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế đạt 84 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Tổng Công ty CP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, POW) cũng là trường hợp thoát lỗ trong quý III/2023. Dù chưa chính thức công bố báo cáo tài chính quý III/2023 nhưng tại hội thảo gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo PV Power cho biết, 9 tháng năm 2023 công ty đã hoàn thành 74,3% kế hoạch doanh thu cả năm 2023, đạt 22.530 tỷ đồng và thực hiện được 77% kế hoạch lợi nhuận sau thuế, đạt 861 tỷ đồng.

Với kết quả này, ước tính quý III/2023, PV Power lãi 31 tỷ đồng, lạc quan hơn so với mức lỗ ước tính 47 tỷ đồng trước đó được công ty dự báo.

Ngược lại, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) là doanh nghiệp điện than hiếm hoi báo lãi trong quý III. Trong kỳ, doanh thu thuần của công ty giảm 6% so với cùng kỳ, xuống 2.884 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên lãi gộp tăng 138% so với cùng kỳ, đạt 253 tỷ đồng.

Kết quả, công ty báo lãi sau thuế quý III/2023 đạt 192 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng, công ty cho biết, dù sản lượng điện quý III cao hơn cùng kỳ là 100 triệu kWh, nhưng giá than giảm dẫn đến chi phí nhiên liệu đi xuống khiến giá vốn giảm. Ngoài ra, trong kỳ công ty không trích trước chi phí sửa chữa lớn như quý III/2022. Chi phí lãi vay cũng thấp hơn cùng kỳ do số dư nợ vay dài hạn giảm dần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi nhuận doanh nghiệp ngành điện quý III/2023: Bức tranh tối màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO