Doanh nghiệp

Lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, Vinatex dự chi gần 1.000 tỷ đồng thưởng Tết cho người lao động

Hoàng Hà 10/01/2024 - 09:13

Mức tiền lương tháng 13 và thưởng Tết 2024 dự kiến của Vinatex gấp 2,6 lần lợi nhuận mà "anh cả" ngành dệt may ước đạt trong năm 2023.

det-may-3410.jpg
Ảnh minh họa

Tại buổi thông tin kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2023, kế hoạch năm 2024 mới đây của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, theo thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho người lao động của Vinatex đạt 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương.

Như vậy, với lượng lao động lên đến gần 62.000 người, mức chi lương tháng 13 và thưởng Tết của Vinatex sẽ lên đến khoảng 992 tỷ đồng.

Cùng với đó, theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, trong năm 2023, tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên cũng đã nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, số giờ làm giảm xuống 15% (cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước nhận được năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người).

Theo Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2023 ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng vừa trải qua một năm với những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm; nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU… suy giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.

Với tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng. Cùng với đơn giá giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ khoảng 10 - 14 ngày, giảm mạnh so với trước đây đã tạo nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, để duy trì đơn hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thành viên của Vinatex phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh về năng suất và phương thức tổ chức sản xuất so với trước đây khi sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao.

Nhờ vậy, năm 2023, Vinatex vẫn hoàn thành kế hoạch đặt ra với doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch.

Nhìn về năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.

Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023 cũng sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Vinatex, các doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn phải đối mặt những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ ngày 1/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022. Ngoài việc đơn hàng sụt giảm, đơn giá sản xuất cũng giảm bình quân 30%, thậm chí có một số chủng loại giảm đến 50%.

VITAS kỳ vọng năm 2024, thị trường sẽ ấm dần và phục hồi vì nhu cầu mua sắm quay trở lại. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm 2024 có thể đạt mục tiêu 44 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, Vinatex dự chi gần 1.000 tỷ đồng thưởng Tết cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO