Hoạt động ngân hàng

Long An: Dư nợ cho vay “tam nông” chiếm gần 60%

ThS.Trần Trọng Triết 11/03/2024 - 08:39

Với nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Long An luôn tích cực tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2024, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 79.498 tỷ đồng, chiếm 59,72% trên tổng dư nợ cho vay.

chinh-sach-tin-dung-cua-nong-dan.jpg
Long An: Dư nợ cho vay “tam nông” chiếm gần 60%. Hình minh họa

Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và chủ trương, định hướng, nghị quyết, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đưa ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao và luôn giữ vững vai trò chủ lực, chủ đạo tìm kiếm khách hàng để cho vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hướng dòng chảy tín dụng vào những động lực tăng trưởng nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Mỹ Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An, hiện nay mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh. Tổng số các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 63, tăng 3 chi nhánh cấp 1.

Về kết quả hoạt động cho vay: đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ tín dụng đạt 133.107 tỷ đồng, trong đó: dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 79.498 tỷ đồng, chiếm 59,72% trên tổng dư nợ cho vay; dư nợ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.339 tỷ đồng, chiếm 12,28%; còn lại là hỗ trợ cho vay xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay với chi phí phù hợp cho tất cả các khâu (trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An, trong 2 tháng đầu năm 2024, dư nợ cho vay chi phí sản xuất thu mua tiêu thụ, bảo quản chế biến và xuất khẩu lúa gạo đạt 20.380 tỷ đồng. Nhờ đó mà người dân và doanh nghiệp có nguồn lực tài chính thu mua lúa của bà con nông dân.

Từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng cùng với nguồn lực khác của địa phương đã góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Long An năm qua tăng trưởng đạt 5,77%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; quy mô nền kinh tế đứng thứ 13 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt trên 96 triệu đồng (tương đương 4.000 USD); thu ngân sách nhà nước đạt 21.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư trong và ngoài nước đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 65 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký mới hơn 56.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; vốn FDI cấp mới đạt gần 600 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, trong lúc cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, phải vừa giải quyết bài toán đầu vào, đầu ra trong sản xuất, vừa phải cân đối tài chính với rất nhiều chi phí phát sinh. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống, tiêu dùng hợp pháp, chính đáng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Với động lực mới, tầm nhìn mới, hệ thống gân hàng trên địa bàn tỉnh Long An sẵn sàng một tâm thế mới, quyết tâm mới để tăng tốc về đích sớm, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An bà Lê Thị Mỹ Hiền cho biết,

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thúc đẩy nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống, như: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện hoạt động ngân hàng phải chấp hành đúng theo pháp luật, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động, cung cấp dịch vụ gắn với bảo vệ người tiêu dùng; quan tâm phát triển mạng lưới tại các địa phương vùng xa nơi không có điều kiện áp dụng ngân hàng số và các dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Trong năm 2024, khó khăn, thử thách vẫn còn rất lớn, nhưng đây là thời điểm bền gan, vững chí, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Tuy kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin, ý chí và khát vọng luôn được giữ vững. Nguồn lực và sức mạnh từ niềm tin là vô cùng to lớn và là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Long An cam kết nỗ lực để phát huy vai trò cầu nối hữu hiệu. Tạo cơ hội để doanh nghiệp hợp tác đầu tư, tạo môi trường, không gian để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các ngân hàng tỉnh Long An luôn sẵn sàng kết nối với các tổ chức Hiệp hội/Hội ngành nghề tại địa phương để tìm kiếm cơ hội giao thương – đầu tư, kết nối cho doanh nghiệp trong tỉnh, hợp tác cùng phát triển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Dư nợ cho vay “tam nông” chiếm gần 60%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO