Xu hướng giao dịch thận trọng quay lại thị trường sau những nỗ lực vượt cản 1.300 không thành công. Phiên hôm nay, VN-Index tiếp tục "hụt hơi" khi để mất hơn 7 điểm, lùi về mốc 1.270 điểm
Nối tiếp quán tính giảm điểm từ phiên trước, thị trường mở phiên sáng với áp lực chốt lời tiếp tục đến từ nhóm ngành ngân hàng khi các cổ phiếu như TCB, CTG và STB đều đồng loạt bị bán chốt lời kéo chỉ số chung đi xuống. Tuy nhiên đến giữa phiên lực cầu tốt đến từ nhóm ngành dầu khí và thép đã tạo đà cho thị trường hồi phục về quanh mốc tham chiếu.
Bước sang phiên chiều, áp lực chốt lời ở nhóm ngành Ngân hàng có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm ngành thực phẩm như VNM bị bán mạnh. Theo đó, VN30 tiếp tục lình xình tăng giảm với biên độ nhỏ quanh mốc tham chiếu với các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí và thép giữ cho thị trường ở trạng thái cân bằng. Mặc dù vậy, nửa cuối phiên chiều và cho đến hết phiên ATC, thị trường vẫn ghi nhận lực cung cổ phiếu khá lớn trong khi lực cầu yếu ớt, nới rộng đà giảm của thị trường, khiến VN-Index lùi về sát mốc 1.270 điểm.
Tại rổ VN30, FPT, MWG, GAS, POW và PLX giữ được sắc xanh với mức tăng khiêm tốn. Trong khi đó, ngoài VPB, VIB và HPG đứng tham chiếu, thì còn lại đều giảm. VNM, CTG và GVR là 3 gánh nặng lớn nhất của thị trường khi lấy đi của chỉ số chung gần 2,4 điểm. Kết phiên, VNM giảm 2,56%, CTG giảm 1,66% và GVR giảm 1,83%.
Đáng chú ý, dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm ngân hàng, với MBB, TPB, TCB và VPB là những cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn, với 18,6 triệu đến hơn 34,2 triệu đơn vị.
Thanh khoản phiên hôm nay quay đầu suy yếu, với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt hơn 15.410 tỷ đồng.
Sau 3 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại hôm nay hòa chung xu hướng “xả hàng” của khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng hơn 706 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán VHM, SGB và VRE.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 101 mã tăng và 290 mã giảm, VN-Index giảm 7,50 điểm (-0,59%), xuống 1.270,60 điểm điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 610 triệu đơn vị, giá trị đạt 13.735 tỷ đồng, giảm 41,5% về khối lượng và 41% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,2 triệu đơn vị, giá trị 1.040 tỷ đồng.
Sàn HNX có 61 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,76%), xuống 232,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.168 tỷ đồng, giảm 26% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 456 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 127 mã tăng và 157 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,33%), xuống 92,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,7 triệu đơn vị, giá trị 511 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 46% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 27 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2410 giảm 6 điểm, tương đương -0,44% xuống 1.343 điểm, khớp lệnh hơn 205.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 62.000 đơn vị.
VN-Index ghi nhận tuần giao dịch rung lắc trước vùng điểm kháng cực quanh khu vực 1.290 - 1.300. Lực cầu tìm đến nhóm ngân hàng trong những ngày đầu tuần đã giúp cho sắc xanh lan tỏa, cải thiện đáng kể về mắt chỉ số và đã có thời điểm đẩy VN Index lên 1.300. Tuy nhiên, thanh khoản mua chủ động là chưa đủ thuyết phục để giúp cho thị trường vượt đỉnh và áp lực bán đã xuất hiện trong các phiên cuối tuần khiến cho thị trường hụt hơi, đảo chiều về sát mốc 1.270 điểm.
Theo thống kê của CTCK Vietcombank (VCBS), trong tuần vừa qua, hầu hết tất cả các nhóm ngành đều ghi nhận sự giảm điểm, trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản có mức giảm lớn nhất xấp xỉ 3,5%. Bên cạnh đó, thanh khoản trong các phiên giảm điểm cũng ghi nhận mức tăng đáng kể cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước vùng kháng cự tâm lý quan trọng.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ vững tâm lý, chủ động cơ cấu lại danh mục, bán giảm những cổ phiếu có diễn biến yếu hơn thị trường và giảm dưới vùng hỗ trợ, chỉ duy trì tỉ trọng đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền gần đây và mới bước vào xu hướng tăng điểm như ngân hàng, chứng khoán. Diễn biến hiện tại của VN-Index vẫn được đánh giá là chưa quá tiêu cực và hoàn toàn có xác suất phục hồi trở lại trong tuần tới.