Mạng 5G sẽ tác động đến ngân hàng và Fintech như thế nào?

Đạt Trịnh (Tổng hợp)| 05/04/2019 16:43
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các thiết bị công nghệ được áp dụng 5G sẽ có tính kết nối mạnh mẽ hơn, từ đó hình thành nên hệ sinh thái 5G đầy tiềm năng cho sự tăng trưởng Fintech nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Các tổ chức tài chính đang dần chuyển đổi để thích ứng với nhịp phát triển chung toàn cầu. Tối ưu nền tảng hoạt động sẵn có, kết hợp với các công ty Fintech là cách để các ngân hàng đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng nhằm chăm sóc tốt hơn khách hàng cũ và mở rộng thêm tập khách hàng mới. Việc ứng dụng công nghệ 5G vào thực tiễn thành công hứa hẹn sẽ thúc đẩy quá trình cung cấp dịch vụ ngân hàng tài chính một cách nhanh chóng, thông minh và hiệu quả.

Hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn xem xét, đánh giá các vấn đề để đưa ra cách thức triển khai công nghệ di động, đồng thời cân bằng hiệu quả giữa tính bảo mật, xác thực và trải nghiệm khách hàng. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động của các ngân hàng, bao gồm dịch vụ ngân hàng cung cấp và công tác phòng ngừa rủi ro.

AI đáp ứng tốc độ công nghệ số

Công nghệ AI bao trùm các mảng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo như học máy (machine learning), internet vạn vật kết nối (IoT),… nhưng để có thể áp dụng đầy đủ AI vào nền tảng công nghệ trong hoạt động ngân hàng thì vẫn còn nhiều thách thức, và hiện mới có rất ít ngân hàng làm được điều đó. Theo các nhà kinh tế học, khi 5G được thương mại hóa toàn cầu mà các tổ chức tài chính ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ Fintech không tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ này có thể sẽ bị tụt hậu trên thị trường nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Ông Baskaran Subramaniam - đối tác khách hàng toàn cầu mảng dịch vụ tài chính tại Công ty công nghệ HCLC - cho rằng, các ngân hàng đang tỏ ra chậm chạp trong quá trình đáp ứng những yêu cầu về nâng cấp hạ tầng công nghệ, điều này sẽ không thể tiếp tục lâu hơn. Với tốc độ thay đổi về nhân khẩu học diễn ra rất nhanh hiện nay thì áp lực lên các ngân hàng trong việc cung cấp những dịch vụ cao cấp theo các kênh truyền thống ngày càng tăng. Các ngân hàng sẽ phải tiến hành những cải cách lớn về nền tảng công nghệ họ đang sử dụng trong nội bộ cũng như các dịch vụ cung cấp tới khách hàng, một khi công nghệ 5G được thương mại hóa toàn cầu.

“Các hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh toán sẽ được thực hiện trên nhiều hình thức khác nhau với những kênh khác nhau như điện thoại thông minh 5G, thiết bị IoT, thiết bị đeo tay cũng như thiết bị công nghệ thực tế ảo”, ông Subramaniam nhận định. Tốc độ xử lý dữ liệu nhanh hơn đi kèm với hệ thống bảo mật tân tiến hơn là những thứ mà công nghệ 5G sẽ thực hiện được để cách mạng hóa thị trường vốn, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch đáng kể.

Lợi thế về độ trễ

Xét trên nhiều khía cạnh, có thể nói công nghệ 5G có rất nhiều ưu điểm, nhưng nổi bật nhất phải kể đến là độ trễ. Độ trễ trong lĩnh vực kinh tế được hiểu là thời gian mà thiết bị gửi lệnh đến server và nhận lại phản hồi, thông thường hiện nay độ trễ rơi vào khoảng 50 mili giây trên mạng 4G, song ở mạng 5G thì chỉ còn 1 mili giây.

Như vậy khách hàng sẽ trải nghiệm các dịch vụ với tốc độ siêu nhanh và gần như không phải chờ đợi để hoàn thiện tác vụ trên các thiết bị điện tử. Điều này đóng vai trò quan trọng đối với ngành tài chính ngân hàng trong phân tích và xử lý dữ liệu. Các ứng dụng Fintech do bên thứ 3 cung cấp cho các ngân hàng như ví điện tử, apps thanh toán sẽ có khả năng truy xuất dữ liệu của khách hàng từ ngân hàng để trở nên “hiểu” người dùng hơn dựa trên những hành vi và thói quen giao dịch của khách hàng.

Bên cạnh đó, theo các báo cáo từ chuyên gia, nền tảng công nghệ blockchain và cryptocurrency (tiền điện tử mã hóa) sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nhờ vào sự hỗ trợ tuyệt vời từ công nghệ mạng kết nối 5G.

Những nâng cấp đáng giá mà 5G đem lại cho người dùng đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn các giao dịch trên ngân hàng số, thanh toán online, dịch vụ tài chính thông qua smartphones và các thiết bị kết nối mạng khác. Theo đại diện Công ty tư vấn công nghệ Gartner, trong năm 2019, dự kiến khoảng 225 triệu thiết bị sẽ được phát hành toàn cầu, tăng khoảng 26% so với năm 2018.
Thực tế, việc triển khai công nghệ 5G dù đem lại rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như chi phí chưa xác định rõ ràng nên các ngân hàng vẫn ưu tiên sử dụng công nghệ điện toán đám mây bởi chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ số và các sản phẩm liên quan rẻ hơn.

Thương mại hóa toàn cầu công nghệ 5G

Tháng 12/2018, nhà mạng Verizon và Samsung lên kế hoạch triển khai dòng điện thoại 5G trong khoảng 6 tháng đầu năm 2019, từ đó tận dụng lợi thế đi trước để chiếm lĩnh thị phần trên thị trường tốt hơn đối thủ Apple, khi mà Apple dự kiến đến năm 2020 mới đưa 5G vào các thiết bị của mình.

Cho dù nhà mạng Mỹ Verizon đang dẫn đầu trong áp dụng công nghệ mới, dự kiến sẽ tăng tốc độ mạng di động gấp 50 -100 lần so với mạng 4G hiện tại, tuy nhiên các nhà mạng dự báo nhận định rằng công nghệ mới 5G sẽ phải đợi đến năm 2025 mới có thể được phổ cập hóa toàn cầu.

Việc triển khai 5G thực tế có thể vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng chắc chắn công nghệ mạng di động sẽ cung cấp những cách thức mới cho các tổ chức tài chính và Fintech để giành được nhiều khách hàng và thị phần hơn.                           
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạng 5G sẽ tác động đến ngân hàng và Fintech như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO