Nghiên cứu của Mạng lưới Công lý Thuế cho thấy, các quốc gia có thể huy động được hơn 2 nghìn tỷ USD hằng năm bằng cách áp thuế tài sản đối với người siêu giàu.
Các quốc gia có thể huy động 2,1 nghìn tỷ USD mỗi năm bằng cách làm theo ví dụ về áp thuế tài sản thành công của Tây Ban Nha đối với 0,5% hộ gia đình giàu nhất – gấp đôi số tiền cần hằng năm để tài trợ cho các vấn đề khí hậu của các nước đang phát triển, dự kiến sẽ là trọng tâm của các cuộc đàm phán COP29 trong năm nay.
Nghiên cứu mới của Mạng lưới Công lý Thuế công bố ngày 19/8 ước tính mỗi quốc gia có thể tăng bao nhiêu doanh thu bằng cách đánh thuế tài sản của chỉ 0,5% hộ gia đình giàu nhất với tỷ lệ nhẹ nhàng là 1,7 % đến 3,5%. Thuế tài sản sẽ chỉ áp dụng cho phần của cải vượt ngưỡng chứ không phải cho toàn bộ tài sản của họ.
Trong khi nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận thuế tài sản của Tây Ban Nha cho mỗi quốc gia, nghiên cứu này cũng mở rộng hình thức thuế này cho tất cả các loại tài sản, đồng thời loại bỏ một số miễn trừ trong luật Tây Ban Nha, vốn làm suy yếu tác động của nó. Nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi quốc gia có thể tăng khoảng 7% ngân sách chi tiêu của mình khi áp dụng loại thuế này.
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy những cải cách thuế trước đây nhắm vào giới siêu giàu không dẫn đến việc người siêu giàu chuyển sang các nước khác, mặc dù truyền thông khẳng định điều ngược lại. Chỉ 0,01% hộ gia đình giàu nhất đã di cư đi nơi khác sau khi cải cách thuế tài sản nhắm vào các hộ gia đình giàu nhất được thực hiện ở Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Một nghiên cứu của Vương quốc Anh dự đoán, rằng những cải cách về thuế đối với trạng thái cư trú nhưng kê khai địa chỉ cố định ở nước khác sẽ khiến tỷ lệ di cư chỉ từ 0,02% đến tối đa là 3,2%.
Ước tính của nghiên cứu về số lượng thuế mà các quốc gia có thể tăng từ thuế tài sản sử dụng giả định một cách thận trọng rằng tỷ lệ di cư vào khoảng 3,2% sẽ xảy ra.
Cách đối xử “hai tầng” đối với của cải đang khiến nền kinh tế bất an
Những khoản tiền khổng lồ có thể huy động được từ khoản thuế tài sản "siêu nhẹ nhàng" là hoàn toàn có thể, do mức độ giàu có cực lớn của những người giàu nhất. Nghiên cứu cho thấy, trung bình ở mỗi quốc gia, một nửa dân số chỉ sở hữu khoảng 3% tổng tài sản, trong khi 0,5% người giàu nhất sở hữu tới 25,7% tổng tài sản.
Theo tài liệu nghiên cứu, sự giàu có cực độ của những người siêu giàu đang làm cho nền kinh tế trở nên bất an và liên quan trực tiếp đến năng suất kinh tế thấp hơn; đến các hộ gia đình không giàu có phải chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được; và dẫn đến những kết quả xã hội kém hơn như trình độ học vấn kém hơn và tuổi thọ ngắn hơn.
Mạng lưới Công lý Thuế lập luận rằng gốc rễ của vấn đề là cách xử lý “hai tầng” đối với tài sản thu được và tài sản kiếm được. Của cải thu được - tức là cổ tức, thu nhập vốn và tiền thuê thu được từ việc sở hữu (ví dụ như sở hữu trí tuệ) - thường được đánh thuế ở mức thấp hơn nhiều so với của cải kiếm được - tức là tiền lương thu được khi làm việc. Đồng thời, của cải thu được thường tăng nhanh hơn của cải kiếm được. Ngày nay, chỉ một nửa của cải được tạo ra trên khắp thế giới mỗi năm là thuộc về những người kiếm tiền để sinh sống – phần còn lại được thu dưới dạng tiền thuê nhà, tiền lãi, cổ tức và thu nhập vốn.
Trong khi những người siêu giàu có thể làm việc và có việc làm, hầu như tất cả tài sản của họ đều đến từ việc sở hữu các đế chế kinh doanh và bất động sản, chứ không phải từ việc làm việc trong các đế chế đó. Bất kỳ mức lương công việc nào họ có thể kiếm được đều chẳng bõ bèn gì trong mớ tài sản của họ. 3 trong số 5 người giàu nhất trong Danh sách tỷ phú của Forbes năm 2024 là Elon Musk, Mark Zuckerberg và Larry Elison chỉ có mức lương tượng trưng 1 USD. Theo một nghiên cứu năm 2011, trung bình một “CEO 1 USD” từ bỏ 610.000 USD tiền lương nhưng bù lại kiếm được 2 triệu USD dựa trên quyền sở hữu khác.
Cách đối xử hai cấp đã mang lại kết quả cực kỳ tốt cho những cá nhân giàu nhất. Các tỷ phú có xu hướng nộp thuế suất chỉ bằng một nửa mức thuế mà phần còn lại của xã hội phải nộp. Và tài sản của họ tăng với tốc độ gấp đôi so với phần còn lại của xã hội. Điều này đã góp phần làm cho tài sản của những người chiếm 0,0001% dân số tăng gấp bốn lần kể từ năm 1987.
Điều quan trọng là, việc tích lũy của cải quá độ đó không chỉ tạo ra sự mất cân đối mang tính cực đoan, gây ra những hậu quả tai hại mà còn khiến cho của cải tích lũy đó kém hiệu quả về mặt kinh tế - ví dụ bằng cách chuyển hướng của cải một cách không cân đối sang các sản phẩm phái sinh đầu cơ thay vì hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế “thực”. Người phát ngôn của Mạng lưới Công lý Thuế cho rằng, điều này lý giải “tại sao thế giới ngày nay có thể không cảm thấy giàu hơn chút nào mặc dù ngày nay đã có nhiều của cải hơn bao giờ hết”.
Cách đối xử hai tầng về cách làm giàu đã khuếch đại xu hướng này. Bằng cách cho phép của cải thu được tăng nhanh hơn đáng kể so với của cải kiếm được, cách xử lý hai cấp này sẽ đẩy của cải sang những hình thức kém hiệu quả hơn và nằm ngoài tầm với của những người kiếm của cải, đồng thời làm tăng nợ nần ở các hộ gia đình không giàu có.
Mạng lưới Công lý Thuế đang kêu gọi các chính phủ chấm dứt cách đối xử hai cấp đối với tài sản bằng cách đưa ra thuế tài sản. Báo cáo cung cấp cho các quốc gia hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện luật thuế tài sản được mô hình hóa trong nghiên cứu và dựa trên ví dụ của Tây Ban Nha.
Mark Bou Mansour, trưởng bộ phận truyền thông của Mạng lưới Công lý Thuế, cho biết: “Nền kinh tế của chúng ta được thiết kế để cho phép mọi người kiếm được số tiền họ cần để có cuộc sống an toàn và thoải mái, nhưng các quy định về thuế của chúng ta khiến những người siêu giàu dễ dàng thu thập tài sản hơn những người còn lại. Điều này đã cho phép những người siêu giàu thu thập được khối tài sản khổng lồ đến mức khiến nền kinh tế của chúng ta trở nên bất an.
“Có ý kiến cho rằng các tỷ phú cũng kiếm được tài sản như những người khác, chỉ là họ làm việc đó giỏi hơn mà thôi. Điều này là không có thật. Không thể nào có thể kiếm được một tỷ đô la theo một cách bình thường. Một công nhân trung bình ở Mỹ sẽ phải làm việc trong một khoảng thời gian dài gấp 13 lần tuổi thọ của con người để có thể kiếm được số tài sản như người giàu nhất thế giới hiện nay. Tiền lương không tạo nên tỷ phú, cổ tức và tiền thuê nhà mới làm nên điều đó. Nhưng chúng ta đánh thuế cổ tức và tiền cho thuê ít hơn nhiều so với việc chúng ta đánh thuế tiền lương, và điều này đang làm mất ổn định mô hình thu nhập mà các nền kinh tế của chúng ta đang dựa vào."
“Theo định nghĩa, một tỷ phú sở hữu nhiều tài sản hơn mức mà một hộ gia đình trung bình ở Mỹ có thể chi tiêu trong 10.000 năm. Trong khi đó, sự giàu có này đóng góp cho nền kinh tế được coi là chưa tương xứng. Để làm cho nền kinh tế của chúng ta an toàn và bảo vệ những người kiếm tiền đã định hình kỷ nguyên hiện đại, chúng ta cần thuế tài sản để chấm dứt cách đối xử hai tầng đối với tài sản”, đại diện truyền thông Mạng lưới Công lý Thuế nêu quan điểm.
Chính phủ cần hành động dựa trên yêu cầu của công chúng về thuế tài sản
Cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ áp đảo của công chúng đối với thuế tài sản dành cho giới siêu giàu ở một số quốc gia. Phần lớn 68% người trưởng thành tại 17 quốc gia G20 ủng hộ việc người giàu trả thuế cao hơn cho tài sản của họ như một phương tiện tài trợ cho những thay đổi lớn đối với nền kinh tế và lối sống. Gần 3/4 triệu phú được thăm dò ở các quốc gia G20 ủng hộ đánh thuế cao hơn đối với tài sản của mình và hơn một nửa trong số họ cho rằng sự giàu có quá mức là “mối đe dọa đối với nền dân chủ”.
Đề xuất gần đây của G20 về thuế tài sản tối thiểu 2% đối với các tỷ phú đã được các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà vận động đón nhận tích cực. Được thiết kế để nhân rộng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu theo kế hoạch, đề xuất của G20 sẽ yêu cầu hầu hết các quốc gia tham gia hoặc cần có một thỏa thuận quốc tế. Trong lúc đó, các quốc gia có thể tiến hành trong nước mình và làm theo luật thuế tài sản của Tây Ban Nha hiện nay.
Trong khi đề xuất thuế tài sản của G20 nhắm mục tiêu vào các tỷ phú sẽ chủ yếu giải quyết tình trạng tập trung tài sản quá mức ở các nước giàu, thì việc tuân theo luật thuế tài sản của Tây Ban Nha nhắm mục tiêu rộng rãi hơn đến 0,5% dân số sẽ cho phép tất cả các quốc gia giải quyết tình trạng tập trung tài sản quá mức trong nền kinh tế của họ.
Sự thành công của bất kỳ đề xuất thuế tài sản nào cuối cùng đều phụ thuộc vào việc các nước hợp tác trong vấn đề minh bạch thuế. Trong khi những cảnh báo về việc người siêu giàu tái phân bổ của cải để ứng phó với thuế tài sản đã được chứng minh là không có cơ sở, thì khả năng người siêu giàu sử dụng các khu vực pháp lý bí mật và bí mật tài chính để che giấu tài sản trước cơ quan quản lý thuế có thể khiến thuế tài sản hoàn toàn không có hiệu lực. Mạng lưới Công lý Thuế giải thích: Để thuế tài sản thực sự hiệu quả, các quốc gia phải đảm bảo rằng công ước thuế của Liên hợp quốc đang được đàm phán có các tiêu chuẩn minh bạch thuế mạnh mẽ.
Alison Schultz, nhà nghiên cứu tại Mạng lưới Công lý Thuế và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết: “Đại đa số các quốc gia hiện nỗ lực thực hiện một sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử đối với các quy định về thuế toàn cầu, nhằm chấm dứt việc lạm dụng thuế toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia và giới siêu giàu. Nhưng một số ít các nước giàu dường như vẫn chưa ủng hộ một công ước khung mạnh mẽ về thuế - mặc dù đây là cơ hội tốt nhất mà chúng ta từng có và là cơ hội mà người dân của họ yêu cầu hành động khẩn cấp. Một số quốc gia tương tự đang ngăn chặn tiến bộ thực sự về khí hậu tại COP29 - ngăn thế giới thu hàng nghìn tỷ tiền thuế từ các thiên đường thuế trong một cuộc họp, và sau đó tuyên bố trong cuộc họp khác rằng không có tiền để tài trợ cho vấn đề khủng hoảng khí hậu. Điều này cần phải thay đổi ngay bây giờ – khí hậu không thể chờ đợi được nữa, và người dân trên thế giới cũng vậy.”