(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) sơ cấp giao dịch sôi động trở lại sau giai đoạn trầm lắng hồi đầu năm. Tuy nhiên, các dự báo cho thấy xu hướng mặt bằng lợi suất TPCP sẽ vẫn ở mức thấp, phù hợp với mặt bằng lợi suất TPCP quốc tế và chủ trương giữ mặt bằng lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nửa cuối năm 2020.
Thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (trung tâm nghiên cứu) vừa công bố cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) hoàn thành 33% kế hoạch năm và 77% kế hoạch quý II. Lãi suất phát hành TPCP có xu hướng đi ngang trong tháng 6/2020 sau khi đã tăng khá mạnh từ 40 – 50 điểm trong tháng 5/2020.
Chốt phiên cuối tháng 6/2020, lợi suất TPCP lần lượt ở mức: 5 năm là 1,97%/năm; 10 năm là 2,98%/năm; 15 năm là 3,15% - đều thấp hơn khoảng 40 điểm so với cuối năm ngoái.
Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tiếp tục mua ròng khá mạnh trong tháng 6/2020, cụ thể: giá trị mua là 5.289 tỷ đồng, giá trị bán là 3.030 tỷ đồng, giá trị mua ròng là 2.269 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, NĐTNN mua ròng 2.541 tỷ đồng.
Theo đánh giá của trung tâm nghiên cứu, trong nửa cuối 2020, lãi suất TPCP sẽ chịu tác động chủ yếu bởi 2 yếu tố là kế hoạch phát hành của KBNN và nhu cầu đầu tư TPCP của các nhà đầu tư, đặt trong bối cảnh Chính phủ đang thực thi nới lỏng tiền tệ lẫn tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Dự báo, cả nguồn cung và nhu cầu đầu tư đều gia tăng mạnh có thể khiến lãi suất TPCP đi ngang/giảm nhẹ trong quý III. Sang quý IV, nhu cầu đầu tư vẫn duy trì nhưng nguồn cung có thể không còn mạnh, khiến tốc độ giảm của lãi suất nhanh hơn”, trung tâm nghiên cứu dự báo.
Thanh khoản hệ thống dự báo tiếp tục ổn định trong 6 tháng cuối năm khi NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng; nhu cầu sử dụng vốn của các TCTD thấp do các kênh đầu tư bị hạn chế; huy động tăng tốt (một lý do quan trọng là hoạt động giải ngân tiền gửi kho bạc tại NHNN vào nền kinh tế), trong khi tín dụng rất khó bứt phá bởi lo ngại rủi ro.
Trên thị trường ngoại tệ, tâm lý ổn định nhờ triển vọng dòng vốn vào, tạo kỳ vọng về việc NHNN có thể mua vào ngoại tệ và bơm tiền đồng ra hệ thống.
Như vậy, vốn khả dụng hệ thống dồi dào nhưng đầu ra yếu, khiến các TCTD sẽ lại hướng tới kênh đầu tư TPCP, đặc biệt khi thời điểm này đang hội tụ các yếu tố thuận lợi như giá vốn liên ngân hàng thấp kỷ lục, lãi suất phát hành TPCP sơ cấp sau khi tăng liên tục đã bắt đầu đi ngang và giảm nhẹ trong các phiên cuối tháng 6/2020 và dư địa đầu tư TPCP vẫn còn nhiều.
Thông tin từ trung tâm nghiên cứu cho biết, KBNN đang và sẽ tranh thủ các điều kiện thuận lợi của thị trường để tăng tốc huy động vốn TPCP trong quý III/2020, trước khi thanh khoản có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ hoặc các điều kiện thị trường kém thuận lợi hơn trong quý IV/2020.
Với mức bội chi gia tăng so với dự toán từ 75 - 90 nghìn tỷ đồng tương ứng với từng kịch bản GDP, dự báo KBNN sẽ không chịu áp lực phát hành nợ lớn trong năm nay.
Trong trường hợp bội chi gia tăng hơn so với mức 75 - 90 nghìn tỷ đồng được dự báo, KBNN có thể vay thêm từ các nguồn trong nước hoặc nước ngoài khác (chưa kể chỉ tiêu phát hành TPCP còn dư của năm 2019 là 64 nghìn tỷ đồng).
Các chuyên gia của Trung tâm cũng cho rằng, NHNN đang và sẽ tiếp tục phối hợp ăn ý với Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ KBNN phát hành thành công TPCP với mức lãi suất đủ thấp, vừa để tạo mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ nền kinh tế, vừa để giảm gánh nặng phải trả lãi cho NSNN.
“Tổng hợp các yếu tố tác động, có thể thấy rằng, xu hướng mặt bằng lợi suất TPCP sẽ vẫn ở mức thấp, phù hợp với mặt bằng lợi suất TPCP quốc tế và chủ trương giữ mặt bằng lãi suất thấp của NHNN”, các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu nhận định.