Tin hội viên

MB và 3 động lực tăng trưởng năm 2024

Linh Linh 07/03/2024 - 16:47

Ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác mở rộng tệp khách hàng, MB cũng là một trường hợp khá đặc biệt trong hệ thống khi có một hệ sinh thái khá toàn diện theo một mô hình tập đoàn tài chính.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư tổ chức mới đây, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB đánh giá, 2023 là một năm nhiều khó khăn khi mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm xấp xỉ khoảng 1% nhưng tốc độ giảm lãi suất huy động giảm chậm hơn khiến NIM toàn ngành 2023 đi xuống và MB không nằm ngoài dòng chảy trên.

Bên cạnh đó, một số mảng lớn có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh ngân hàng như bảo hiểm, tài chính tiêu dùng cũng gặp khó khăn, do đó, tác động mạnh đến kết quả kinh doanh.

Dù vậy, kết thúc năm 2023, MB đã hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên MB lọt top 3 toàn hệ thống về lợi nhuận (hơn 26,3 nghìn tỷ đồng), không chỉ vượt qua cả hai “ông lớn” nhà nước là VietinBank (25,1 nghìn tỷ đồng) và Agribank (25,4 nghìn tỷ đồng) mà còn bỏ xa các ngân hàng cổ phần lớn khác như Techcombank (gần 22,9 nghìn tỷ), ACB (gần 20,1 nghìn tỷ) hay VPBank (gần 11 nghìn tỷ).

Ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khách hàng bền vững, tổng số lượng khách hàng MB cuối năm 2023 đạt gần 27 triệu khách hàng, tiếp tục tăng trưởng quy mô trên kênh số.

Sang năm nay, ngân hàng này đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng 13%, huy động tăng 12%, tăng trưởng tín dụng khoảng 16% (tùy chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao và có thể điều chỉnh do tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém), còn chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến tăng 10% so với năm 2023, đạt khoảng 28,8 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban Kế hoạch và Marketing MB, động lực tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tới của ngân hàng đến từ 3 động lực lớn.

Thứ nhất là chuyển dịch bán lẻ. Theo Giám đốc Ban Kế hoạch và Marketing MB, ngân hàng đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Hết năm 2023, MB đã có 26,3 triệu khách hàng, dự kiến con số này sẽ tăng lên 30 triệu trong năm 2024. Trong đó, số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm tín dụng đạt 450 nghìn khách hàng và dự kiến còn tiếp tục tăng tốt.

Trong đó, dư nợ bán lẻ, SME chiếm khoảng 51% trong tổng dư nợ của MB. Ông Sơn cho biết, đây là một trong những động lực khiến MB có được tăng trưởng tốt trong 3 - 4 năm vừa qua.

Động lực thứ hai của ngân hàng đến từ chuyển đổi số. Khởi đầu hành trình chuyển đổi số từ năm 2017, MB đã mạnh mẽ chuyển đổi để trở thành một trong những ngân hàng có tỷ lệ số hóa hàng đầu.

Kết thúc năm 2023, App MBBank ghi nhận khoảng hơn 2 triệu người dùng mới, lũy kế đạt 22,4 triệu người dùng. Tỷ lệ giao dịch trên kênh số của MB duy trì ở mức cao, đạt đến 97%. Số lượng thanh toán không tiền mặt đạt 3,6 tỷ giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2022.

Điều này góp phần lý giải vì sao MB tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân về CASA năm thứ 2 liên tiếp với 40,1% cuối năm qua.

Tỷ lệ CASA chiếm gần phân nửa vốn huy động, nguồn vốn giá rẻ lớn giúp MB có lợi thế trong việc đưa ra các khoản cho vay với lãi suất cạnh tranh trong khi vẫn đảm bảo được lãi biên.

Ngoài việc nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng, quá trình số hóa cũng giúp MB giảm đáng kể chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhờ đó, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) toàn tập đoàn được cải thiện đáng kể, tối ưu thêm 1% so với năm 2022; trong đó, CIR riêng ngân hàng giảm xuống còn 29,15%.

Động lực thứ ba đến từ hợp lực tập đoàn. Ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác mở rộng tệp khách hàng, MB cũng là một trường hợp khá đặc biệt trong hệ thống khi có một hệ sinh thái khá toàn diện theo một mô hình tập đoàn tài chính có lõi ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng… với các công ty thành viên có thị phần đáng kể trên thị trường.

Theo đó, bên cạnh chi phí vốn được giảm thiểu và lãi biên có lợi thế bởi CASA lớn, tăng thu phi tín dụng cũng là một động lực quan trọng cho MB. Theo cập nhật mới nhất từ lãnh đạo ngân hàng, số lượng tài khoản của tất cả các thành viên trong hệ sinh thái đã đạt gần 40 triệu, hiện ngân hàng đang tiến hành làm sạch dữ liệu hợp nhất, giúp khách hàng thông qua siêu ứng dụng app MBank có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ của tập đoàn.

Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo MB cũng xác định 2024 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Đánh giá tổng quan thì khó khăn vẫn hiện hữu. Chúng ta đã thấy nợ xấu năm 2023 đã tăng lên, năm nay hy vọng sẽ chỉ đi ngang và dần dần đi xuống. Về khả năng hấp thụ vốn, mặc dù số liệu kinh tế khối FDI khá tốt nhưng nhu cầu tài chính cá nhân vẫn trong trạng thái đi ngang vì có liên quan nhiều đến thị trường bất động sản, ô tô”, ông Lưu Trung Thái nhận định.

Theo đó, năm nay MB lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 10%, phù hợp với dự báo tình hình kinh tế vĩ mô. Dù vậy, Chủ tịch MB cũng nhấn mạnh, nếu điều kiện kinh tế tốt hơn vào giữa năm và cuối năm thì mục tiêu này có thể mở rộng thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
MB và 3 động lực tăng trưởng năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO