Mở cửa du lịch: Đòi hỏi sự nỗ lực, linh hoạt và thích ứng

Thuý Hà| 08/03/2022 11:10
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sự kiện Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 được những người làm du lịch, doanh nghiệp và cả du khách mong chờ đã lâu. Tuy nhiên, sau 2 năm dịch COVID-19 tàn phá, rất nhiều thứ đã thay đổi, việc đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường là không hề đơn giản và đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ cả cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp du lịch.

Những tình huống bất ngờ

Có thể thấy, mặc dù gặp vô vàn khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn đang rất cố gắng để duy trì hoạt động, nhiều người làm du lịch vẫn đang giữ được đam mê và niềm tin về sự trở lại của ngành du lịch. Các địa phương, doanh nghiệp cũng tăng cường kết nối để có những chương trình du lịch hấp dẫn nhất, an toàn nhất, phục vụ khách du lịch. Chương trình famtrip caravan Bình Định - Tây Nguyên huyền thoại 2022 do Sở Du lịch Bình Định chủ trì, Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VND Travel (Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức thực hiện mới đây đã thể hiện những nỗ lực rất lớn để khôi phục hoạt động du lịch. Chương trình có sự tham gia, phối hợp của Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương: Hà Nội, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông cùng các doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan báo chí nhằm kích cầu du lịch nội địa, phục hồi du lịch trên cơ sở liên kết kích cầu du lịch giữa các địa phương…

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: “Chương trình famtrip caravan Bình Định - Tây Nguyên huyền thoại 2022 là một trong những hoạt động nhằm khởi động, đánh dấu sự phục hồi của ngành Du lịch Bình Định nói riêng và các địa phương tham gia nói chung, mang tới nhiều tín hiệu vui cho Du lịch Bình Định và khu vực Tây Nguyên năm 2022. Qua đó tiếp tục duy trì liên kết phát triển du lịch giữa Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua. Đồng thời, hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch giữa các địa phương; tiếp tục gắn kết, tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch…, góp phần thực hiện tốt việc phục hồi du lịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như đã đề ra”.

Chọn hình thức caravan (du lịch bằng xe tự lái) thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay vì khá an toàn, đáp ứng nhu cầu du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè, khám phá những vùng đất mới... khi dịch bệnh COVID-19 vẫn bùng phát mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Chương trình được VND Travel tổ chức khá hoành tráng với sự tham gia của gần 100 thành viên trên 21 xe 4-7 chỗ là các doanh nghiệp, đại diện báo chí và cả khách du lịch đến từ Hà Nội, TP.HCM, Yên Bái, Bình Định...

Du khách giao lưu với bà con ở làng khng chiến Stơr ở xã Tơ Tung, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai

Tuy nhiên, những diễn biến của chuyến đi cho thấy, các địa phương, cơ quan quản lý về du lịch cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hơn, chi tiết hơn để các doanh nghiệp du lịch có thể phục hồi hiệu quả, bền vững. Bởi vì, sau 2 năm COVID-19 hoành hành, doanh nghiệp dù lớn mạnh đến đâu, chủ doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thế nào cũng đã cạn kiệt nguồn vốn, thiếu nhân lực trầm trọng và lúng túng với những diễn biến bất ngờ liên quan đến dịch bệnh.

Ông Trần Văn Quang, Giám đốc VND Travel, đơn vị tổ chức Chương trình đã phải thốt lên: “Chưa bao giờ tôi phải xử lý một đoàn khách mà có tới hàng chục người hủy tour ngay trước ngày khởi hành vì thuộc diện F0, F1 như đoàn này. Cũng vì dịch bệnh, có chương trình tham quan như: Tà Đùng (Đắk Nông) đã ấn định trong tour không thể thực hiện được để đảm bảo an toàn cho du khách và các thành viên”.

Mặc dù việc khách hủy tour sát giờ, chương trình bỏ bớt điểm tham quan là vì lý do bất khả kháng nhưng đơn vị tổ chức cũng cần có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm để xử lý các sự cố khi thực hiện tour, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Có rất nhiều khách du lịch tham gia chương trình đã rất tiếc nuối vì không được đến một số điểm tham quan như dự kiến. Đặc biệt là đoàn không thể đến được Tà Đùng (Đắk Nông), một trong những điểm đến được cho là thú vị và mới của khu vực Tây Nguyên. Có những khách Hà Nội mua tour này đã than phiền rằng họ từ Hà Nội vào đây chỉ vì trong chương trình có tới Tà Đùng nhưng rốt cuộc đã không đi được.

Dịch bệnh COVID-19 phải nói đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới ngành Du lịch. Dự kiến 5h sáng ngày mai xuất phát từ Buôn Ma Thuột đi Tà Đùng, 12h đêm nay đơn vị tổ chức vẫn cố gắng chốt đoàn nhưng chương trình vẫn không thực hiện được. Có nghĩa là, có rất nhiều tình huống có thể xảy ra mà một người với hơn 20 năm kinh nghiệm làm du lịch và điều hành công ty du lịch như giám đốc VND Travel Trần Văn Quang cũng không lường trước được.

Nỗ lực liên kết, phục hồi

Chương trình kéo dài 5 ngày 4 đêm đưa du khách qua rất nhiều điểm đến độc đáo, thú vị và nổi bật nhất khu vực Tây Nguyên như: Làng kháng chiến Stor (Tơ Tung) quê hương anh hùng Núp; tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Thác K50- thác nước hùng vĩ nhất Tây Nguyên (thuộc tỉnh Gia Lai); nghỉ đêm tại Măng Đen - thị trấn thuộc huyện Kon Plong, tượng Đức Mẹ Măng Đen (Kon Tum), nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam, nhà thờ gỗ Kon Tum; Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Đắk Lắk; khám phá Bảo tàng thế giới cafe tại Buôn Ma Thuột; tham quan khu Du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch sinh thái KòTam (Đắk Lắk)...

Trong đoàn có những người là khách hàng của các công ty du lịch của VND Travel đã hàng chục năm, rất thân thiết, gắn bó nhưng với những thay đổi đáng tiếc của chương trình, sự chưa thực sự sẵn sàng ở một số điểm đến cũng thấy có gì đó chưa trọn vẹn, chưa thực sự vui, hạnh phúc và có lẽ chưa phải là một “hành trình cảm xúc” như giám đốc Trần Văn Quang mong muốn.

Ông Quang đã từng tâm sự: “Khách hàng của tôi không quan trọng đi đâu, đi bằng gì, bao nhiêu tiền mà là đi với ai”. Ông Quang nói điều này khi du lịch đang trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất. 2 năm qua, toàn ngành Du lịch đã bị đại dịch Covid-19 làm cho bầm dập. Mọi thứ đã không còn như chúng ta tưởng nữa. Du lịch phát triển như năm 2019 trở về trước đã là quá khứ mà phải rất lâu sau chúng ta mới gặp quá khứ ấy được hoặc làm được những thứ như quá khứ chúng ta đã từng làm.

Tôi đã nghe những khách hàng thân thiết của VND Travel kể, chuyến đi nào trước đây cũng vui, kể cả trong nước và ngoài nước, để lại nhiều kỉ niệm cho khách nhưng chuyến đi này, những lời phàn nàn đã nhiều hơn, nhiều khách đôi lúc tỏ ra không hài lòng. Vì dịch giã, việc thay đổi chương trình có thể là bình thường, dịch vụ có thể không đầy đủ vì nhiều nơi đã nghỉ quá lâu... nhưng phải báo trước với khách, bằng cách nào đó khách du lịch phải được là trung tâm, được bảo vệ quyền lợi.

VND Travel là doanh nghiệp du lịch đã 2 năm liên tiếp gần đây tổ chức 3 famtrip kích cầu du lịch sau mỗi đợt Covid bùng phát và là đơn vị tiên phong tổ chức famtrip caravan Bình Định- Tây Nguyên. Rõ ràng, những doanh nghiệp đến giờ này vẫn cố trụ với ngành Du lịch đã là quá yêu, quá đam mê mà làm. Hơn nữa, Bình Định hay khu vực Tây Nguyên lại không phải là trung tâm du lịch, những nơi mà cứ có tiền, muốn đi du lịch là khách tới như: Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Đà Lạt... nên càng gian nan trên hành trình khôi phục.

Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương doanh nghiệp du lịch tham gia, đồng hành cùng Chương trình như: Sở VHTTDL Kon Tum, Đắk Lắk, huyện K’Bang, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong... cũng rất kỳ vọng vào sự thành công, kết nối điểm đến, dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Nhưng quả thực, việc khảo sát dịch vụ, điểm đến; kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp lữ hành Bắc - Trung - Nam để tạo ra sản phẩm mới phù hợp với khách du lịch trong điều kiện mới và lan tỏa giá trị của các điểm đến... như mục tiêu đặt ra của chuyến đi chưa như mong muốn.

Nói điều này để thấy, những công ty như VND Travel, những CEO điều hành như ông Trần Văn Quang rất đáng được ủng hộ, khích lệ, tuy nhiên, có những điều cũng cần phải thẳng thắn, chân thành với nhau chứ không ru ngủ nhau. Hoàn thiện Chương trình, làm tốt hơn, cẩn thận hơn, chuyên nghiệp hơn, bù lấp khẩn cấp nguồn nhân lực thiếu hụt là cách tốt nhất để doanh nghiệp giữ uy tín, thương hiệu mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể gây dựng được. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở cửa du lịch: Đòi hỏi sự nỗ lực, linh hoạt và thích ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO