Người chấp hành xong án phạt tù được vay 100 triệu đồng để kinh doanh; Điều chỉnh phí đăng ký ôtô, xe máy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; 2 trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi; Bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức... là một số chính sách mới đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 10/2023.
Người chấp hành xong án phạt tù được vay 100 triệu đồng để kinh doanh
Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.
Quyết định quy định đối tượng vay vốn bao gồm: 1- Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; 2- Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Về điều kiện vay vốn, Quyết định nêu rõ, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm;
Điều kiện vay vốn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.
Quyết định nêu rõ, người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn.
Phương thức cho vay: 1- Đối với người chấp hành xong án phạt tù: Thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. 2- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.
Quyết định cũng quy định cụ thể mục đích sử dụng vốn vay. Theo đó, đối với vay vốn để đào tạo nghề: Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: Tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Chi phí để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Về mức vốn cho vay, Quyết định quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Điều chỉnh phí đăng ký ôtô, xe máy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Thông tư 60/2023 của Bộ Tài chính điều chỉnh mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 22/10.
Mức thu được chia thành ba khu vực I, II và III. Khu vực I gồm Hà Nội và TP HCM; khu vực II là thành phố trực thuộc Trung ương khác (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và khu vực III là địa phương còn lại.
Tại khu vực I, ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống có mức phí đăng ký là 20 triệu đồng một xe (mức cũ 2-20 triệu đồng). Xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời 200.000 đồng (mức cũ 100.000-200.000 đồng).
Với môtô trị giá đến 15 triệu đồng, mức phí là một triệu đồng (mức cũ từ 500.000 đến một triệu đồng); môtô trị giá 15-40 triệu đồng mức phí 2 triệu đồng; môtô trị giá trên 40 triệu đồng chịu mức phí là 4 triệu đồng.
Đối với khu vực II, mức phí đăng ký ôtô dưới 9 chỗ giữ nguyên là một triệu đồng; tương tự với môtô giá trị từ dưới 15 đến trên 40 triệu đồng, mức phí lần lượt là 200.000, 400.000 và 800.000 đồng. Khu vực III giữ nguyên như hiện hành.
Văn bản này cũng quy định một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký, trong đó có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự; môtô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật.
2 trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi
Có hiệu lực từ ngày 1/10/2023, Nghị định 60/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong đó, Nghị định quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm:
+ Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất;
+ Ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Nghị định 62/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực từ ngày 05/10/2023
Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng ở nơi có cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng theo quy định của Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không./.
Bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức
Có hiệu lực từ 1/10/2023, Thông tư 12/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ bãi bỏ 10 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó bãi bỏ các Thông tư: Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
Thông tư số 04/2015/TT-BNV ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức...