Tháng 7/2024 một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực đáng chú ý.
Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử
Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử vừa được quy định rõ tại Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ.
Nghị định quy định tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải đảm bảo điều kiện về tổ chức, doanh nghiệp; nhân sự; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, quy trình quản lý cung cấp dịch vụ và phương án bảo đảm an ninh, trật tự.
Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân; người đứng đầu tổ chức, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam…
Nghị định số 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Nghị định quy định rõ việc khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo quy định cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tài khoản cho cơ quan, tổ chức để truy cập, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tài khoản có trách nhiệm tạo lập, quản lý tài khoản riêng trên hệ thống thông tin của mình đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phân quyền sử dụng tài khoản đã tạo lập cho cá nhân thuộc quyền quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như nêu rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán.
Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
1- Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản;
2- Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
3- Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
4- Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7.
Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ ngày 1/7-31/12/2024
Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.
Theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Nghị định 72/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông
Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Nghị định quy định rõ các yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông.
Trong đó, hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông bao gồm khai thác cát sỏi lòng, bãi sông phải tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và các yêu cầu sau:
Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định.
Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định...
Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Quy định mới về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:
1- Khai thác nước mặt để phát điện có mục đích thương mại.
2- Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động sản xuất (bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), kinh doanh, dịch vụ, cấp cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, cấp cho sinh hoạt.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trong đó dành riêng Chương III quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức pháp chế
Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Nghị định này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi là cấp tỉnh), doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý nhà nước về công tác pháp chế.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 2/7/2024.
Quy định mới về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa
Ngày 20/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Theo Nghị định, không thực hiện các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa gây cản trở hoạt động tránh, trú của tàu thuyền vào mùa lũ bão, trong thời gian xảy ra thiên tai...
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 5/7/2024.
Hỗ trợ kinh phí phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm các khu rừng đặc dụng
Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Trong đó nêu rõ: Cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm của khu rừng đặc dụng được hỗ trợ bình quân là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.
Sửa quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 46/2024/NĐ-CP ngày 4/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021.
Trong đó, Nghị định số 46/2024/NĐ-CP bổ sung thêm "Điều 3a. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính".
Cụ thể, Nghị định số 46/2024/NĐ-CP bổ sung biện pháp ngăn chặn là tạm giữ tên miền thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm: Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở
Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở, trong đó nêu rõ: Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.