Trên thế giới và ở Việt Nam, nhà đào tạo/cố vấn khởi nghiệp/khai vấn/tư vấn (người hỗ trợ doanh nghiệp – người cố vấn) có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp. Bài viết nêu một số khuyến nghị để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cố vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sau khi phân tích, tổng hợp dữ liệu qua thu thập cả từ phía doanh nghiệp và nhà cố vấn.
Tóm tắt: Trên thế giới và ở Việt Nam, nhà đào tạo/cố vấn khởi nghiệp/khai vấn/tư vấn (người hỗ trợ doanh nghiệp – người cố vấn) có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, những người hỗ trợ doanh nghiệp cần là những người có kinh nghiệm và luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng với lĩnh vực/ngành hàng họ tư vấn và ở góc nhìn của người ngoài doanh nghiệp sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng luôn gặp được những người hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Bài viết nêu một số khuyến nghị để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cố vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sau khi phân tích, tổng hợp dữ liệu qua thu thập cả từ phía doanh nghiệp và nhà cố vấn.
Từ khóa: người tư vấn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh nghiệm
RECOMMENDATIONS TO PROMOTE THE DEVELOPMENT OF A MENTORING NETWORK FOR SMES IN VIETNAM
Abstract: In Vietnam and worldwide, the role of trainers/mentors/coaches/consultants (business support personnel - advisors) plays a crucial role in effectively supporting the development of businesses. The reality shows that business support professionals are experienced individuals who continuously update their knowledge and skills in the fields/industries they provide consulting for. However, not all businesses always encounter suitable and effective support personnel. This research will present some recommendations to promote the development of advisory human resources for small and medium-sized enterprises (SMEs) in Vietnam, based on the analysis and synthesis of data collected from both businesses and consultants.
Keywords: consultant, SMEs, experience
1. GIỚI THIỆU
Với việc ban hành và áp dụng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, sau đó là Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cùng với Thông tư hướng dẫn số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 22/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để quy định và hướng dẫn cụ thể việc thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và việc thực thi nhiều văn bản liên quan từ các bộ ngành khác, đã đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, đồng thời đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại điều 13 có đề cập tới việc hỗ trợ dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp thông qua mạng lưới tư vấn viên. Nếu mạng lưới này được phát triển cả về số lượng và chất lượng thì chắc chắn sẽ hỗ trợ rất hiệu quả đối với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình đều gặp nhiều vấn đề và cần thuê/hỗ trợ bởi những chuyên gia từ bên ngoài như cố vấn khởi nghiệp (mentor), nhà khai vấn (coach), nhà tư vấn (consultant). Những người này có những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, vai trò khác nhau, và họ có thể đóng nhiều vai khi hỗ trợ doanh nghiệp.
Bài viết giới hạn nghiên cứu việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cố vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam – cũng chính là mạng lưới tư vấn viên cá nhân (consultant) – như đề cập tại điều 13.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phương pháp tổng hợp, phân tích dữ liệu thứ cấp: Từ các báo cáo, dữ liệu đã được công bố chính thức, được đăng tải trên website của các bộ, ngành.
- Phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu sơ cấp:
+ Nghiên cứu định tính: (1) Phỏng vấn sâu 15 người là các nhà cố vấn doanh nghiệp, (2) thảo luận nhóm 2 buổi với đại diện doanh nghiệp, nhà cố vấn, chuyên gia quản lý, (3) thông qua quan sát, trải nghiệm thực tế đối với các nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
+ Nghiên cứu định lượng qua khảo sát bằng bảng hỏi từ: 1) mẫu 86 doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số địa phương (hình thức thu thập qua các group zalo doanh nghiệp thuộc Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Thọ); 2) Mẫu từ 63 chuyên gia tư vấn doanh nghiệp thuộc khu vực Hà Nội. Hình thức thu thập: gửi đường link khảo sát online tới nhóm cố vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp của một số bộ, ngành như kế hoạch và đầu tư, công thương và một số cố vấn doanh nghiệp khác trên thị trường.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Tóm tắt kết quả từ phỏng vấn đại diện lãnh đạo DNNVV và các cố vấn doanh nghiệp
Qua quan sát, phỏng vấn đối với đại diện doanh nghiệp về dịch vụ tư vấn doanh nghiệp mà họ đã trải qua và mong muốn của họ về dịch vụ này, chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi được tóm tắt lại như sau:
- Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp cũng rất cần được tư vấn về các vấn đề về văn hóa doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh thức…. và lúc này chuyên gia hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp không phải ở vai trò cố vấn, mà là vai trò huấn luyện viên, coaching cho các lãnh đạo doanh nghiệp.
- Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện trên thị trường (các group online) có rất nhiều người chào hàng các gói tư vấn coaching - họ có các kỹ năng rất cao để bán sản phẩm coach của mình và doanh thu của họ cao là có thực (hàng trăm triệu đồng/hợp đồng/tháng) trong nhiều mảng, như: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, giáo dục… Một số doanh nghiệp ra quyết định thuê tư vấn theo đám đông, trong đó nhiều trường hợp không có được kết quả tốt về kinh doanh như lời chào hàng trước đó được cam kết.
- Trong quá trình hoạt động, DNNVV có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn, đa số là các tư vấn về tiêu thụ sản phẩm, phát triển kênh, kết nối thị trường.
- Các nhà quản trị doanh nghiệp đi tham khảo nhiều nhà tư vấn để hiểu thêm về các phương án giải quyết, song chưa chắc ký hợp đồng, và có thể tự tổ chức làm sau đó.
- Doanh nghiệp cần những nhà tư vấn có đạo đức trong sáng, không lồng ghép bán hàng các sản phẩm giới thiệu sau đó (chẳng hạn phần mềm, sử dụng các dịch vụ khác do người tư vấn giới thiệu), bán chéo sản phẩm khác.
- Doanh nghiệp cần được các nhà cố vấn có kỹ năng tư vấn gần gũi, bảng biểu dễ hiểu, không chung chung, không quá xa hiểu biết của họ.
- Doanh nghiệp muốn có được kết quả nhanh chóng sau tư vấn, không muốn thời hạn lâu.
- Doanh nghiệp cần được kết nối tới các nhà cố vấn doanh nghiệp đã được kiểm chứng không chỉ qua giới thiệu từ chính các cố vấn họ tiếp xúc mà qua các trung gian như các Trung tâm hỗ trợ của Nhà nước cấp Trung ương hoặc địa phương.
Kết quả của nghiên cứu định tính đối với nhóm cố vấn doanh nghiệp giúp có được một số kết luận ban đầu và giả thuyết cho nghiên cứu định lượng tiếp theo, cụ thể như sau:
- Các nhà cố vấn doanh nghiệp thường tư vấn về các vấn đề chung của doanh nghiệp, hoặc các hoạt động chính trong chuỗi. Họ có kinh nghiệm về quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, có kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp và tư vấn khởi nghiệp nội bộ của doanh nghiệp, họ thường ký hợp đồng với cả danh nghĩa cá nhân và công ty, làm cùng một số người.
- Các nhà cố vấn khẳng định, việc tìm ra vấn đề của doanh nghiệp là quan trọng, và các chuyên gia cần hiểu biết rộng để tư vấn giải pháp về những vấn đề chuyên sâu. Doanh nghiệp cần được tư vấn với các giải pháp mang tính cập nhật, phù hợp với xu hướng thị trường. Vì vậy, các chuyên gia mong muốn được cập nhật những công cụ mới, giải pháp mới mang tính thời đại, tính xã hội, tính thị trường. Các chuyên gia cũng mong muốn có được/tham khảo bộ công cụ biểu mẫu dễ hiểu, dễ áp dụng để tư vấn cho doanh nghiệp một cách khả thi, hiệu quả.
- Một số ý kiến cũng cho rằng, đối với các hoạt động hỗ trợ chuỗi như quản trị, phát triển nhân lực; kế toán, thuế; các vấn đề pháp lý thì thường có các công ty tư vấn hỗ trợ chuyên nghiệp. Các công ty dịch vụ chuyên nghiệp như vậy có triển khai hợp tác với cá nhân các nhà tư vấn, họ cũng phát triển hệ thống tự đào tạo.
3.2. Tóm tắt kết quả nghiên cứu qua khảo sát đối với các cố vấn doanh nghiệp
Bảng câu hỏi được thiết kế để thu thập được các câu trả lời từ các tư vấn viên gồm một số câu hỏi đóng, câu hỏi mở và câu hỏi hỗn hợp. Qua phân tích dữ liệu, kết quả được tóm tắt như sau:
* Mẫu nghiên cứu và hiện trạng các doanh nghiệp đang tham gia cố vấn
Mẫu nghiên cứu bao gồm cả những người đã từng cố vấn cho các doanh nghiệp lớn, nhưng hầu hết là các chuyên gia tham gia cố vấn cho doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa.
Các nhà cố vấn cũng là những người có thể cố vấn độc lập, một mình (53,4% mẫu nghiên cứu, nhưng thường có thể theo nhóm cố vấn (42,9% người trong mẫu) (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1
Hình thức cố vấn doanh nghiệp cũng khá đa dạng, chuyên gia có thể tư vấn với chỉ một mình chịu trách nhiệm, họ cũng có thể cố vấn theo nhóm (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2
Như vậy, có tới hơn 50% những người được hỏi đang là những cố vấn độc lập với doanh nghiệp, điều này chứng tỏ doanh nghiệp cũng đã khá cởi mở với việc thuê chuyên gia tư vấn với tư cách cá nhân, không qua công ty tư vấn.
Cố vấn thường được doanh nghiệp đặt hàng tư vấn để tham gia vào những ngành nghề như thương mại và dịch vụ chiếm tỉ lệ khá cao (66,7%),
Doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo, nông lâm nghiệp, y tế và giáo dục, hoạt động chuyên môn khoa học cũng có nhu cầu cao về tư vấn với 54%, 38%, 36%, 35% tương ứng.
Những doanh nghiệp như khai khoáng, công ty sản xuất, tài chính ngân hàng bảo hiểm… ít thuê tư vấn là cá nhân, và họ thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp cùng những chuyên môn và công nghệ nhất định (Biểu đồ 3).
Biểu đồ 3
Những vấn đề mà doanh nghiệp thường thuê tư vấn bao gồm: Quản lý chung, chiếm tới 70%, liên quan đến quá trình sản xuất chiếm 54%, liên quan đến các chức năng 54%, liên quan đến đầu ra 41%, liên quan đến đầu vào chiếm gần 30% (Biểu đồ 4).
Biểu đồ 4
Các vấn đề như đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, chuyển đổi số… chiếm tỉ lệ nhỏ người tham gia. Có lẽ doanh nghiệp cũng mới bắt đầu quan tâm và đây cũng có thể là tín hiệu tốt cho những nhà tư vấn tiên phong.
Để biết được năng lực của các cố vấn ra sao khi tới doanh nghiệp tư vấn, câu hỏi đã được đưa ra là: ‘‘Những kiến thức, công cụ anh/chị đã dùng để tư vấn doanh nghiệp có được qua đâu?’’. Ý kiến phản hồi được thể hiện ở Biểu đồ 5.
Biểu đồ 5
Như vậy, các chuyên gia hầu như tham gia các lớp đào tạo nâng cao năng lực cá nhân và cũng chính từ những kinh nghiệm họ đã có trước đó. Do đó, cũng khá yên tâm về yếu tố chuyên môn và kỹ năng của tư vấn.
Các chuyên gia cũng thường được học hỏi, nâng cao năng lực qua các khóa học của các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, các hiệp hội…. Chẳng hạn, như Bảng 1 dưới đây là một số câu trả lời:
Bảng 1
* Về khó khăn của các nhà cố vấn:
Các chuyên gia tư vấn cũng cho biết họ gặp khó khăn khi tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn, bao gồm: Ngân sách của doanh nghiệp trong công việc tư vấn còn hạn hẹp (65%), chủ doanh nghiệp chưa hiểu rõ vấn đề (46%), thời gian của doanh nghiệp dành cho tư vấn còn hạn chế (36%) (Biểu đồ 6).
Biểu đồ 6
Kết quả trên cũng phù hợp với nghiên cứu định tính của chúng tôi trước đó, là doanh nghiệp rất cần hoạt động tư vấn, tuy vậy nhiều doanh nghiệp không thật chuyên nghiệp. Họ ít dành thời gian và người có trách nhiệm để làm việc với nhà cố vấn, có lẽ bởi còn ưu tiên các vấn đề ký kết hợp đồng, đàm phán với khách hàng. Tương tự như vậy, thay vì dành ngân sách cho công việc cố vấn để tìm ra những vấn đề mấu chốt, nhiều khi doanh nghiệp lại dành rất nhiều cho việc chạy quảng cáo, làm truyền thông, thương hiệu (dù sản phẩm chưa đủ tốt để thực hiện việc truyền thông hoặc truyền thông chưa đúng tới khách hàng mục tiêu).
* Về mong muốn của các nhà cố vấn:
Khi được hỏi về nhu cầu được hỗ trợ của các cố vấn độc lập, về việc được cung cấp thông tin văn bản chính sách, được đào tạo nâng cao năng lực, được quy chuẩn nghề nghiệp một cách chính thức, được kết nối với doanh nghiệp và mạng lưới các nhà cố vấn để chia sẻ giá trị; qua phân tích dữ liệu từ SPSS, chúng tôi có kết quả trình bày tại Bảng 2.
Bảng 2
Trong đó, thang likert trong câu trả lời như sau: Không đồng ý: 0, Đồng ý một phần: 1, Đồng ý: 2, Rất đồng ý: 3.
Như vậy, nhìn vào mức điểm trong bảng ta thấy, hầu như các chuyên gia đều rất đồng ý về nhu cầu được hỗ trợ, trong đó nhu cầu về được kết nối với các doanh nghiệp phù hợp là cao nhất (2,64/3 điểm, thấp nhất là nhu cầu về được cung cấp cập nhật các thông tin văn bản chính sách, tuy nhiên cũng ở mức 2,32/3 điểm).
Hơn nữa, tổng hợp nhiều câu hỏi mở thu thập được các cố vấn khi được hỏi: “Nếu anh/chị mong muốn được đào tạo nâng cao năng lực, xin anh chị đề xuất những nội dung, chuyên đề cần được hỗ trợ đào tạo?” và “Những đề xuất khác của anh/chị ?”, chúng tôi có được những ý kiến chung như sau:
- Những nhà tư vấn doanh nghiệp có nhu cầu được đào tạo bởi các tổ chức uy tín, được Chính phủ, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp địa phương kết nối. Các lớp học miễn phí hoặc trả phí không quá cao.
- Có thể được đào tạo từ các giảng viên nước ngoài, có thể học trực tiếp hoặc online, các học viên được tương tác.
- Chương trình đào tạo giới thiệu nhiều tình huống và công cụ thực tế, đa dạng.
- Được đào tạo các nội dung trải đều các hoạt động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cụ thể: Phân tích mô hình, chiến lược kinh doanh, kết nối và phát triển thị trường, chuyển đổi số, truyền thông nhận thức cho chủ doanh nghiệp, phát triển kênh kinh doanh, các chiến lược bán hàng đa kênh, marketing 5.0, quản trị sản xuất theo các phương pháp mới…
- Được hướng dẫn cách kết nối với doanh nghiệp.
- Được kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu cố vấn qua những tổ chức trung gian uy tín.
4. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CỐ VẤN DOANH NGHIỆP
Từ những phân tích ở phần trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cố vấn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, dựa trên phân tích và tổng hợp dữ liệu từ cả phía doanh nghiệp và nhà cố vấn:
- Xây dựng mạng lưới cố vấn đa dạng: Để đáp ứng đa dạng hóa nhu cầu của doanh nghiệp, cần xây dựng một mạng lưới cố vấn đa dạng về kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng. Điều này có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ tìm được những người cố vấn phù hợp với mục tiêu và yêu cầu cụ thể của họ.
- Tăng cường đào tạo và phát triển cố vấn: Cung cấp các chương trình đào tạo và phát triển chuyên sâu cho các nhà cố vấn, giúp họ nắm vững kiến thức mới nhất và cập nhật kỹ năng trong lĩnh vực doanh nghiệp mà họ tư vấn. Đồng thời, khuyến khích sự học tập liên tục và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cố vấn để nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ cố vấn.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu cố vấn: Tạo ra một cơ sở dữ liệu chứa thông tin về các nhà cố vấn, bao gồm kinh nghiệm, chuyên môn và dự án đã từng tham gia. Doanh nghiệp có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu này để tìm kiếm và lựa chọn cố vấn phù hợp cho nhu cầu của mình.
- Thiết lập tiêu chuẩn và chứng chỉ cố vấn: Thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn và chứng chỉ cố vấn sẽ giúp đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của các nhà cố vấn. Điều này có thể bao gồm quá trình đánh giá, đào tạo và cấp chứng chỉ cho các nhà cố vấn, đồng thời tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi lựa chọn người cố vấn.
- Xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy: Để tạo niềm tin và sự ổn định trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà cố vấn, cần xây dựng một quan hệ lâu dài và đáng tin cậy. Điều này có thể đạt được thông qua việc thể hiện cam kết lâu dài, sự chia sẻ thông tin và cùng nhau định hình chiến lược phát triển kinh doanh.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa doanh nghiệp và cố vấn: Tạo ra môi trường và chính sách thích hợp để thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cố vấn. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng các chương trình tài trợ, quỹ hỗ trợ và các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cố vấn.
Những khuyến nghị trên đây có thể giúp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cố vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ hiệu quả trong quá trình phát triển kinh doanh của mình.
5. KẾT LUẬN
Hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam muốn phát triển thì ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước, của các bên liên quan, tổ chức, người tham gia hỗ trợ là rất quan trọng. Xây dựng hệ thống chuyên gia tư vấn doanh nghiệp mạnh về năng lực, đa dạng về số lượng và phù hợp với doanh nghiệp có nhu cầu là việc làm thực sự có ý nghĩa và đến lượt họ lại cần được sự hỗ trợ nâng cao năng lực, tạo điều kiện môi trường, chính sách thuận lợi để người tư vấn phát huy được khả năng.
Qua bài viết này, chúng tôi muốn đóng góp quan điểm của mình về việc hỗ trợ người tư vấn và thúc đẩy phát triển hệ thống tư vấn doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang trải qua những biến động không ngừng. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, Nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương sẽ tạo ra thêm mạng lưới chuyên gia tư vấn, với kiến thức chuyên môn và kỹ năng tư vấn tốt, đồng thời tuân thủ các quy chuẩn chuyên nghiệp, nhằm cung cấp hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017
- Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.
- Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 22/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- https://www.forbes.com/sites/d...
- https://mrags.com/7-characteri...
- https://www.udemy.com/course/b...
- Start-up Genome (2018). Global Start-up Ecosystem Report 2018
- Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – tư duy và công cụ, Nxb Phụ nữ. 2017
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2023