Một số khuyến nghị về thực hiện kiểm tra sức chịu đựng trong triển khai Khung đánh giá an toàn vốn nội bộ của các NHTM tại Việt Nam

ThS. Lê Thanh Tùng| 08/05/2022 08:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Một chuẩn mực quốc tế liên quan đến an toàn vốn là quy định Khung đánh giá an toàn vốn nội bộ  (ICAAP) theo Basel II. Trong đó, kiểm tra sức chịu đựng (stress test) là công cụ quan trọng để đo lường sức chịu đựng của tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau, chẳng hạn: sự biến động của lãi suất, tỷ giá, mức xếp hạng tín dụng, các nhân tố tác động đến thanh khoản…

Tóm tắt: Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, công tác quản lý rủi ro nói chung và an toàn vốn nói riêng thu hút được nhiều sự quan tâm của cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đặt ra cho ngành Ngân hàng hiện nay là đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tối đa hóa hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục. Một chuẩn mực quốc tế liên quan đến an toàn vốn là quy định Khung đánh giá an toàn vốn nội bộ  (ICAAP) theo Basel II. Trong đó, kiểm tra sức chịu đựng (stress test) là công cụ quan trọng để đo lường sức chịu đựng của tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau, chẳng hạn: sự biến động của lãi suất, tỷ giá, mức xếp hạng tín dụng, các nhân tố tác động đến thanh khoản… Gần đây nhất, sự ra đời của Thông tư 13/2018/TT-NHNN (Thông tư 13) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) quy định tỷ lệ an toàn vốn và vốn tự có; tài sản tính theo rủi ro tín dụng; vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, thị trường đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã nhìn nhận vai trò của an toàn vốn như một tiêu chuẩn cơ bản nhất trong giám sát hoạt động ngân hàng. Sau một thời gian triển khai, bên cạnh những thành công thì vẫn tồn tại một số vấn đề khó khăn, cần nghiên cứu và đề ra giải pháp phù hợp đối với công tác kiểm tra sức chịu đựng trong quá trình triển khai ICAAP tại NHTM.

Some recommendations about ICAAP stress testing at Vietnam commercial banks

Abstract:  Over the past ten years, capital and risk management have attracted a lot of attention from regulators as well as commercial banks in Vietnam. This is fully in line with the requirements set out for the banking industry to meet international standards, improve competitiveness and increase operational efficiency as well as ensure continuity in operations. Under Pillar 2 of the Basel II accord, a bank must have an Internal Capital Adequacy Assessment Process (ICAAP) in place. Whereby, stress testing is an important tool to measure capital, liquidity endurance in different scenarios such as fluctuations in interest rates, exchange rates, credit ratings, factors affecting liquidity... The issuance of Circular No. 41/2016/TT-NHNN dated December 30th, 2016 of the State Bank of Vietnam stipulating capital adequacy ratios for commercial banks and foreign banks’ branches; Circular No. 13/2018/TT-NHNN dated May 18, 2018 of the State Bank of Vietnam on internal control systems of commercial banks and foreign bank branches has recognized the role of capital security as the most basic standard in banking supervision. After certain time of implementation, several difficulties have arised, needed to find appropriate solutions in the deployment process by Vietnam commercial banks.

1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KIỂM TRA SỨC CHỊU ĐỰNG TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI ICAAP TẠI NHTM

a. Khái niệm, mục đích của ICAAP và kiểm tra sức chịu đựng

Khái niệm ICAAP lần đầu tiên được nhắc đến tại Basel II vào tháng 6/2004, sau đó bản hoàn chỉnh được ban hành vào năm 2006 (BCBS, 2006). Theo đó, BCBS (2004) đã định nghĩa  “ICAAP đưa ra các hướng dẫn cho NHTM về đánh giá mức độ rủi ro, khẩu vị rủi ro, khả năng kiểm tra sức chịu đựng về vốn, mức độ đủ vốn kinh tế và các nội dung khác. Yêu cầu chính của khung ICAAP là đánh giá mức độ đủ vốn với các mức rủi ro thích hợp của NHNN”. Theo đó, khung ICAAP được ban hành dưới dạng văn bản nội bộ, đề cập toàn bộ các rủi ro trọng yếu của ngân hàng bao gồm: các loại rủi ro đã được nêu ở trụ cột 1 của Basel II gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và các loại rủi ro khác tại trụ cột 2 (chưa được đề cập tới trong trụ cột 1) như rủi ro tập trung, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, rủi ro danh tiếng, rủi ro chiến lược và các rủi ro khác. Bằng cách tính toán và chuẩn bị lượng vốn dự phòng đủ bù đắp cho thiệt hại khi những rủi ro trên xảy ra trong đó có thực hiện việc kiểm tra sức chịu đựng, ngân hàng sẽ hình thành nên khung ICAAP.

Kiểm tra sức chịu đựng là công cụ quản lý rủi ro để đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với giá trị danh mục tài sản của một hoặc nhiều sự kiện/cú sốc, được coi là ngoại lệ nhưng vẫn có khả năng xảy ra (BCBS, 2005). Ở một giai đoạn khác, BCBS (2009) cho rằng kiểm tra sức chịu đựng là công cụ quản lý quan trọng mà ngân hàng sử dụng để quản lý rủi ro với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Mục đích của kiểm tra sức chịu đựng là cảnh báo cho ngân hàng những tổn thương tiềm ẩn khi có sự kiện ngoại lệ, bất thường nhưng có thể xảy ra. Đồng thời, kết quả của việc kiểm tra sức chịu đựng cho thấy được sự thay đổi của các chỉ số tài chính về vốn, mức độ tổn thất (solvency stress test), hoặc các tỷ lệ an toàn về thanh khoản (liquidity stress test) mà ngân hàng có thể đối mặt.

Theo Thông tư 13, kiểm tra sức chịu đựng được hiểu là: “việc đánh giá mức độ tác động của biến động, thay đổi bất lợi đối với tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau để xác định khả năng chịu đựng rủi ro của NHTM chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Mục tiêu chính của kiểm tra sức chịu đựng bao gồm: (i) Lượng hóa tác động của các kịch bản trái chiều nghiêm trọng (những cú sốc đặc trưng) tới sự tồn tại của ngân hàng. Kết quả kiểm tra sức chịu đựng chỉ ra liệu ngân hàng có đủ vốn kinh tế hoặc/và đủ thanh khoản để tồn tại trong các cú sốc như vậy hay không; (ii) Xác định rủi ro riêng lẻ và tích hợp ngân hàng gặp phải trong các tình huống cực đoan nhưng có khả năng xảy ra; (iii) Phát triển các kế hoạch giảm thiểu rủi ro hoặc kế hoạch dự phòng tương ứng với từng kịch bản; (iv) Hỗ trợ nội bộ ngân hàng và các tổ chức bên ngoài đưa ra các quyết định về vốn và kế hoạch thanh khoản trong ngân hàng; (v) Đánh giá rủi ro phát sinh từ kế hoạch kinh doanh và tích hợp kiểm tra sức chịu đựng vào kế hoạch kinh doanh.

b. Phương pháp thực hiện kiểm tra sức chịu đựng

Theo yêu cầu của BCBS (2004), NHTM cần chứng minh các mục tiêu về vốn kinh tế mà họ đề ra đã được xây dựng cẩn thận, phù hợp với đặc điểm về rủi ro và môi trường hoạt động hiện thời của ngân hàng. Khi đánh giá mức độ an toàn vốn, ban lãnh đạo NHTM cần phải lưu ý xem xét ngân hàng đang nằm ở giai đoạn nào của chu kỳ kinh doanh. Ngân hàng cần thực hiện các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng chặt chẽ, toàn diện và nghiêm túc, trong đó tính đến những sự kiện và những thay đổi về điều kiện thị trường có thể xảy ra, có thể ảnh hưởng xấu đến ngân hàng. Ban lãnh đạo NHTM có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo ngân hàng có đủ vốn để xử lý các rủi ro và việc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng cần thực hiện định kỳ ở NHTM.

Về phía cơ quan quản lý, yêu cầu được BCBS đề ra là xem xét đến các kết quả của những phân tích độ nhạy và các kiểm tra sức chịu đựng được tiến hành bởi NHTM; xem xét những kết quả đó liên quan thế nào đến các kế hoạch vốn; mức độ mà NHTM đã phòng ngừa trước những sự kiện ngoài dự kiến khi xác lập các mức vốn của ngân hàng. Việc phân tích này cần phải bao hàm tất cả các điều kiện bên ngoài và các tình huống xấu có thể xảy ra, mức độ phức tạp của các kỹ thuật phân tích cũng như các phép thử kiểm tra sức chịu đựng được sử dụng cần phải tương xứng với các hoạt động của ngân hàng.

Hai phương pháp tiếp cận chính kiểm tra sức chịu đựng bao gồm:

- Phân tích độ nhạy (Sensitivity analysis): Phương pháp này chỉ ra cách thức mà danh mục biến đổi trước các dịch chuyển của nhân tố rủi ro, với điều kiện các nhân tố khác không thay đổi. Ưu điểm của phương pháp này là tính đơn giản vì chỉ sử dụng từng nhân tố rủi ro riêng lẻ để phân tích, ví dụ như lãi suất, tỷ giá và tham số chất lượng tín dụng. Đồng thời, phương pháp này chỉ ra mối quan hệ trực quan giữa nhân tố và kết quả của kiểm định, thường được sử dụng để đưa ra cái nhìn cơ bản về tác động của các biến tài chính tới tình hình ngân hàng. Tuy nhiên trong các giai đoạn khủng hoảng, các nhân tố rủi ro thường không dịch chuyển đơn lẻ, thậm chí còn có xu hướng tương quan mạnh hơn.

- Phân tích kịch bản (Scenario analysis): Khác với phân tích độ nhạy, phân tích kịch bản đòi hỏi sự dịch chuyển đồng thời của nhiều nhân tố rủi ro tương ứng với các sự kiện rủi ro đã được xác định. Ưu điểm của phương pháp này là không phân tích từng nhân tố rủi ro một cách riêng lẻ, thay vào đó là xác định quan hệ nhân quả và mối tương quan giữa các nhân tố rủi ro. Theo phương pháp tiếp cận này, ngân hàng sử dụng các kịch bản trái chiều hoặc xấu nhất áp vào trong danh mục hiện tại để ước tính tổn thất và thiếu hụt thanh khoản có thể xảy ra. Phân tích kịch bản có thể sử dụng các giả định kinh tế vĩ mô hoặc các cú shock mang tính hệ thống như đã từng xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, điểm khó khăn lớn nhất khi áp dụng phương pháp tiếp cận này là tính phức tạp, từ việc xây dựng kịch bản, mô hình hóa các tham số rủi ro cũng như diễn giải và đưa ra các hành động quản lý trong tình huống căng thẳng.

c. Quy trình kiểm tra sức chịu đựng

Không có yêu cầu bắt buộc liên quan đến quy trình kiểm tra sức chịu đựng. Tùy vào thực tế hoạt động cụ thể, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như chiến lược phát triển mà ngân hàng tại các quốc gia khác nhau sẽ có quy trình kiểm tra sức chịu đựng khác nhau. Tuy nhiên, BCBS (2009) đã đưa ra một số nguyên tắc đối với kiểm tra sức chịu đựng tại NHTM như sau:

- Kiểm tra sức chịu đựng là một cấu phần của công tác quản lý rủi ro và cần có sự quan tâm, tham gia của Ban lãnh đạo ngân hàng.

- Mỗi ngân hàng nên có một quy trình kiểm tra sức chịu đựng để xác định và có giải pháp kịp thời với rủi ro có thể xảy ra, đảm bảo về vốn và thanh khoản cho hoạt động kinh doanh liên tục của ngân hàng. Trong đó, quy trình cần thực hiện theo hướng đưa việc kiểm tra sức chịu đựng của các rủi ro gắn với mô hình VaR, trên cơ sở đó tính toán vốn kinh tế mà ngân hàng cần có. Việc sử dụng mô hình VaR sẽ làm tăng độ tin cậy thống kê và phân tích.

- Quy trình kiểm tra sức chịu đựng phải phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển, khẩu vị rủi ro và ý chí của ban lãnh đạo ngân hàng. Đồng thời, quy trình kiểm tra sức chịu đựng cần được văn bản hóa và truyền thông đến bộ phận triển khai. Kết quả kiểm tra sức chịu đựng cần được báo cáo và lưu trữ cẩn thận.

Kinh nghiệm triển khai tại 37 NHTM ở châu Âu (2020) cho thấy, họ thường xuyên thực hiện kiểm tra sức chịu đựng với nhiều kịch bản đa dạng. Từ đó, các ngân hàng hiểu rõ hạn chế của mình trong quản lý vốn kinh tế và có giải pháp khắc phục. Theo đó, quy trình kiểm tra sức chịu được thực hiện theo các bước như sau:

(i) Thiết kế kịch bản

Hầu hết các ngân hàng ở châu Âu đều có chương trình kiểm tra sức chịu đựng với mức độ căng thẳng khác nhau. Các quan điểm này được xây dựng dựa trên tiêu chí: Điều kiện kinh tế vĩ mô; Lịch sử hoạt động của ngân hàng và ngành ngân hàng; Hành lang pháp lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý về hoạt động ngân hàng; Hoạt động nội tại của ngân hàng.

Trên cơ sở các tiêu chí cho mức độ căng thẳng đã được xác định, ngân hàng xác định các rủi ro trọng yếu của mình trong từng kịch bản căng thẳng. Hoạt động này được văn bản hóa cụ thể, chi tiết ở một số ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng còn xây dựng thêm kịch bản kiểm tra sức chịu đựng tất cả các rủi ro của ngân hàng. Kịch bản này đưa ra nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngay cả khi tình huống xấu nhất là các rủi ro trọng yếu đồng loạt xảy ra. Việc dự báo các giá trị dựa vào phân tích định lượng trên dữ liệu quá khứ, nguồn dữ liệu tham khảo bên ngoài, quy chuẩn và ý kiến chuyên gia.

Liên quan đến số lượng kịch bản kiểm tra sức chịu đựng toàn diện ngân hàng, hầu hết các ngân hàng đều có tối thiểu từ 2 kịch bản trở lên. Một số ít ngân hàng có 1 kịch bản. Khoảng thời gian kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng thường là 3 năm, tuy nhiên ở một số ngân hàng là 1 năm trong khi có ngân hàng lại trên 3 năm. Tần suất kiểm tra sức chịu đựng thường là 1 năm. Một số ít ngân hàng thực hiện kiểm tra sức chịu đựng với tần suất 6 tháng/lần.

(ii) Đánh giá và lượng hóa xác suất đổ vỡ

Ngân hàng thực hiện liên kết giữa các tình huống đơn lẻ và nguồn gốc tác động để xây dựng các kịch bản tài chính khiến ngân hàng không thể tiếp tục hoạt động bình thường, và tính toán xác suất các kịch bản này có thể xảy ra với từng kịch bản dựa trên tần suất và giá trị tổn thất khi xảy ra của từng rủi ro trọng yếu. Trong trường hợp xác suất xảy ra các kịch bản đổ vỡ lớn hơn mức “phi thực tế”, ngân hàng thực hiện đánh giá lại tính thận trọng của kịch bản kiểm tra sức chịu đựng đang áp dụng.

SREP (Supervisory Review Evaluation Process) là quy trình đánh giá, giám sát tuân thủ của cơ quản quản lý. Theo đó, yêu cầu vốn của SREP là TSCR (Total SREP capital requirement), là tiêu chí được nhiều ngân hàng sử dụng để đánh giá và lượng hóa xác xuất đổ vỡ. Ngoài ra, các ngân hàng đều xây dựng hệ thống theo dõi các loại rủi ro mới đối với hoạt động của ngân hàng, từ đó có kế hoạch xây dựng kịch bản kiểm tra sức chịu đựng phù hợp, bao gồm cả việc đánh giá và lượng hóa xác suất đổ vỡ.

(iii) Đánh giá kết quả kiểm tra sức chịu đựng

Trên cơ sở thiết kế quy trình kiểm tra sức chịu đựng, thực hiện kiểm tra sức chịu đựng, thực hiện đánh giá và lượng hóa xác suất đổ vỡ, ngân hàng sẽ xác định được những thành công cũng như hạn chế của mình trong công tác triển khai ICAAP, xác định vốn kinh tế đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, trong đó kết quả kiểm tra sức chịu đựng phải bao gồm các nội dung sau: tổn thất, tổn thất dự kiến ​​(dựa theo tình hình tài chính và chiến lược kinh doanh dự phòng) và RWA (Risk Weighted Asset – Tài sản có chịu rủi ro). Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ đề ra giải pháp góp phần cải thiện hệ thống quản lý rủi ro; điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch vốn; ứng dụng việc sử dụng vốn theo rủi ro để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng an toàn, hiệu quả và bền vững.

 2. MỘT SỐ YÊU CẦU TRONG TRIỂN KHAI KIỂM TRA SỨC CHỊU ĐỰNG TẠI CÁC NHTM VIỆT NAM

Thông tư 13 được xem là hành lang pháp lý quy định về nội dung kiểm tra sức chịu đựng đối với NHTM hiện nay, góp phần thực hiện việc đo lường và tính toán vốn kinh tế theo trụ cột 2 của Basel II đồng thời giải quyết được những vấn đề khó khăn trong thực tế xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ cho NHTM. Các quy định tại Thông tư 13 cụ thể và rõ ràng, thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý theo các thông lệ quốc tế của Basel II về quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn vốn cùng với các quy định về xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng. Theo Thông tư này, một số yêu cầu mà NHTM Việt Nam phải đáp ứng khi triển khai kiểm tra sức chịu đựng là:

- Lập tối thiểu 2 kịch bản kiểm tra sức chịu đựng bao gồm kịch bản hoạt động bình thường (bussiness as usual scenario) và kịch bản có diễn biến bất lợi (stress scenario) trong kỳ kiểm tra sức chịu đựng tiếp theo.

- Đưa kiểm tra sức chịu đựng thành một nội dung của Quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM.

- Triển khai kiểm tra sức chịu đựng đảm bảo kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản định kỳ tối thiểu 6 tháng một lần và đột xuất; kiểm tra sức chịu đựng về vốn định kỳ hằng năm và đột xuất.

- Quá trình kiểm tra sức chịu đựng phải tính toán tác động của các giả định đối với thanh khoản, tỷ lệ an toàn vốn trong từng kịch bản; lập báo cáo kết quả kiểm tra sức chịu đựng. Đồng thời, căn cứ kết quả kiểm tra sức chịu đựng, ngân hàng cần đánh giá lại các tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, các hạn chế khác để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định nội bộ của NHTM.

- Lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu về thanh khoản; tính toán vốn kinh tế trong kịch bản có diễn biến bất lợi để xác định vốn mục tiêu.

Liên quan đến phương pháp tính toán tác động của các kịch bản đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, NHNN có những yêu cầu như sau:

- Đối với giả định về lãi suất: Tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro lãi suất), rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng theo giả định về lãi suất.

- Đối với giả định về tỷ giá, giá vàng: Tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro ngoại hối) theo giả định về tỷ giá, giá vàng.

- Đối với giả định về chất lượng tín dụng: Tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng theo giả định về chất lượng tín dụng.

Đồng thời, kết quả tính toán phải thể hiện giá trị ΔRWAB (Giá trị chênh lệch dương giữa tổng tài sản tính theo rủi ro trong kịch bản có diễn biến bất lợi trừ đi tổng tài sản tính theo rủi ro trong kịch bản hoạt động bình thường).

Để đảm bảo công tác kiểm tra sức chịu đựng không chỉ đáp ứng được yêu cầu của NHNN mà còn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ triển khai tại các ngân hàng trên thế giới, NHTM cần chuẩn bị cho mình các điều kiện sau:

- Thiết kế kịch bản kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng. Mỗi ngân hàng dựa vào điều kiện khác nhau sẽ có những kịch bản kiểm tra khác nhau, nhưng tối thiểu phải đáp ứng được yêu cầu của NHNN. Để xây dựng kịch bản phù hợp, NHTM không chỉ dựa trên dữ liệu hoạt động kinh doanh của ngân hàng mình mà cần đặt trong bối cảnh tình hình kinh doanh thực tại của hệ thống ngân hàng; mục tiêu định hướng, thực tế và dự báo xu hướng tình hình kinh tế vĩ mô. Điều này là không dễ, thể hiện gần đây nhất là việc bùng phát dịch COVID -19, một tình huống chưa từng xảy ra, đột ngột và không có dấu hiệu cảnh báo sớm. 

- Việc kiểm tra sức chịu đựng phải được thực hiện ở tất cả các rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Thực tế theo Báo cáo thường niên của các NHTM năm 2020 cho thấy hầu như các NHTM hiện nay chưa thực hiện kiểm tra sức chịu đựng cho các loại rủi ro khác tại trụ cột 2 của Basel II như rủi ro tập trung, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng. Trong khi đó, Khung ICAAP của Basel II đòi hỏi việc kiểm tra sức chịu đựng phải được thực hiện một cách toàn diện và đầy đủ ở tất cả các loại rủi ro.

- Liên quan đến mô hình đo lường, NHTM nên gắn mô hình VaR trong việc kiểm tra sức chịu đựng về vốn của ngân hàng. VaR sử dụng để tính toán xác suất giá trị tài sản bị mất đi với một khoảng tin cậy xác định trước khi các sự kiện bất ngờ ở phần đuôi phân phối xác suất xảy ra. Các phương pháp tính VaR gồm: Phương pháp phân tích quá khứ (historical simulation approach), phương pháp phương sai, hiệp phương sai (delta-normal or variance/covariance methodology) và phương pháp mô phỏng (Monte Carlo). Đồng thời, NHTM nên phân tích định lượng trên dữ liệu quá khứ, nguồn dữ liệu tham khảo bên ngoài và quy chuẩn, ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngân hàng.

- Nền tảng dữ liệu có vai trò quan trọng trong triển khai kiểm tra sức chịu đựng. Đây cũng là nội dung được thể hiện rõ trong yêu cầu của NHNN tại Thông tư 13. Để xác định được tác động của các cú sốc trong kịch bản kiểm tra sức chịu đựng, người ta thường sử dụng số liệu quá khứ để đánh giá ảnh hưởng đối với hoạt động của các ngân hàng, sau đó sử dụng các hệ số độ nhạy trong quá khứ để dự đoán tác động của các cú sốc trong tương lai. Bên cạnh đó, để xác định mức độ nghiêm trọng của sự kiện cú sốc, số liệu về thực trạng/tình hình hiện tại của rủi ro đang được kiểm chứng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kiểm tra sức chịu đựng. Thực tế cho thấy các ngân hàng hiện nay sở hữu lượng dữ liệu rất lớn, không chỉ bao gồm dữ liệu cấu trúc thu thập được trong quá trình hoạt động kinh doanh của ngân hàng mà còn các dữ liệu phi cấu trúc như giao dịch trực tuyến của khách hàng trên mạng xã hội, thông qua điện thoại; định danh khách hàng bằng thiết bị camera (eKYC), các cảm biến (mở khóa ứng dụng bằng Touch ID). Bên cạnh đó, thông thường để kiến tạo 1 sự kiện cú sốc hợp lý, ngân hàng cần có dữ liệu tối thiểu của 1-2 chu kỳ kinh tế tương đương với 10 đến 12 năm. Điều này đặt ra cho các NHTM về yêu cầu về hệ thống xử lý dữ liệu, bộ dữ liệu đầy đủ, chất lượng và đảm bảo được độ dài về thời gian thu thập. Trong đó, dữ liệu chuỗi thời gian cần phải được khớp theo nhiều tiêu chí khác nhau như loại dữ liệu, kỳ hạn lưu trữ, dung lượng dữ liệu và tần suất...

- Vấn đề về nhân sự, những yêu cầu của kiểm tra sức chịu đựng đề ra tiêu chuẩn của nhân lực vận hành có sự tổng hòa về kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bao gồm: kiến thức kinh tế vĩ mô, kiến thức về rủi ro, kiểm tra giám sát, kỹ năng tổng hợp, phân tích dữ liệu…

3. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

a. Đối với NHTM

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu của ngân hàng đáp ứng được sự trung thực, đầy đủ và an toàn thông tin. Nguồn dữ liệu không chỉ được thu thập trong nội bộ ngân hàng mà còn bao gồm các dữ liệu vĩ mô liên quan đến ngành ngân hàng, nền kinh tế trong và ngoài nước. Để đảm bảo tính bảo mật, ngân hàng cần có sự phân cấp, phân quyền đối với việc truy cập dữ liệu. Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược, chính sách quản lý dữ liệu phù hợp, có cơ chế chính sách chia sẻ thông tin rõ ràng, trách nhiệm cung cấp dữ liệu chính xác để tạo được luồng di chuyển thông tin hiệu quả cũng là điều cần thiết mà ngân hàng nên triển khai.

Thứ hai, thiết lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý, chiến lược phát triển, khẩu vị rủi ro của ngân hàng và điều kiện kinh tế vĩ mô. Theo đó, kịch bản cần mang tính bao quát cho toàn hệ thống, phản ánh tình trạng khủng hoảng gia tăng. Kịch bản phải gắn với những mục tiêu trọng yếu của ngân hàng và những mục tiêu này nhất quán với danh mục rủi ro chung và môi trường hoạt động hiện tại. Phép kiểm tra sức chịu đựng cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt và có tầm nhìn xa, trong đó xác định những sự kiện hoặc biến đổi có thể xảy ra trong điều kiện thị trường bất lợi. Ban lãnh đạo ngân hàng chịu trách nhiệm chính bảo đảm ngân hàng có đủ vốn để dự phòng cho những rủi ro của mình. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu của Basel II về việc ngân hàng cần thực hiện các thử nghiệm chặt chẽ và toàn diện về kiểm tra sức chịu đựng, trong đó có tính đến những sự kiện và những thay đổi về điều kiện thị trường có thể xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến ngân hàng. Ngoài ra, công tác kiểm tra sức chịu đựng cần được thực hiện đồng bộ giữa các loại rủi ro trọng yếu tại trụ cột 1 của Basel II như rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường cũng như các rủi ro khác tại trụ cột 2 của Basel II như rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro tập trung, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng…

Thứ ba, cần thiết lập nền tảng hệ thống phân tích dữ liệu và báo cáo. Trong đó, mô hình xếp hạng và ước lượng tham số rủi ro cần được kiểm định thường xuyên, đảm bảo áp dụng đầy đủ các chỉ số định lượng cần thiết trong kiểm tra sức chịu đựng như: xác suất vỡ nợ (PD), dư nợ tại thời điểm vỡ nợ (EAD), tỉ trọng tổn thất ước tính tại thời điểm vỡ nợ (LGD), dòng tiền, tài chính, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, vốn, thanh khoản. Đối với công tác báo cáo, cần hoàn thiện cơ chế thông tin báo cáo rủi ro theo hướng hỗ trợ Ban lãnh đạo ngân hàng trong việc ra quyết định và rà soát. Thêm vào đó, báo cáo đột xuất cũng cần được đưa ra trong các trường hợp rủi ro phát sinh đột ngột và không được dự báo. Phân tích báo cáo cần chỉ ra sự dịch chuyển của con số thực tế so với dự kiến trước đó nhằm cải tiến các quy trình kiểm soát trong tương lai.

Thứ tư, triển khai việc định lượng về kiểm tra sức chịu đựng trong ICAAP với mô hình VaR. Phương pháp này cho phép so sánh tính toán vốn kinh tế trong ngân hàng dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Đồng thời, NHTM nên triển khai phương pháp VaR với các biến số đầu vào theo yêu cầu của cơ quan giám sát.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu trong công tác triển khai kiểm tra sức chịu đựng, là lĩnh vực tương đối mới với thị trường tài chính Việt Nam (đặc biệt đối với các loại rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao như lượng hoá rủi ro). Vì vậy nguồn cung về nhân sự thực sự là nhu cầu cấp bách đối với các ngân hàng trong khi số lượng nhân sự có chất lượng, kinh nghiệm có thể đáp ứng ngay yêu cầu còn tương đối khan hiếm. Các ngân hàng cần có thời gian đào tạo, tuyển dụng nhân lực để có thể thực hiện được các yêu cầu của NHNN cũng như thông lệ quốc tế. Đối với đào tạo nhân sự, cần tích cực học hỏi tại các thị trường phát triển hơn như Đức, Nhật, châu Âu. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của toàn ngân hàng về vai trò của kiểm tra sức chịu đựng thông qua công tác truyền thông nội bộ cũng như các quy định về văn hóa rủi ro của ngân hàng.

b. Đối với NHNN

Cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa các nội dung liên quan như xây dựng quy trình kiểm tra sức chịu đựng, thiết lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng, phương pháp kiểm tra sức chịu đựng đối với các rủi ro khác như rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng.

Hướng đến triển khai các phương pháp đo lường tiếp cận nội bộ/nâng cao trong đo lường rủi ro và tính vốn kinh tế, mô hình VaR trong kiểm tra sức chịu đựng.

Tạo môi trường bình đẳng, công bằng giữa các NHTM trong triển khai ICAAP nói chung và kiểm tra sức chịu đựng nói riêng. Theo đó, cần có cơ chế tạo động lực khuyến khích các ngân hàng triển khai kiểm tra sức chịu đựng toàn diện, không chỉ đáp ứng yêu cầu của NHNN mà còn cả các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các ngân hàng cung cấp không đầy đủ, chính xác về số liệu, báo cáo liên quan.

Tài liệu tham khảo:

- Basel Committee on Banking Supervision (2005), Stress Tests at major financial institutions: a survey results and practice, Bank for International Settlement

- Basel Committee on Banking Supervision (March, 2009), Principles for sound stress testing practices and supervision, Bank for International Settlement

- Basel Committee on Banking Supervision (May, 2006), International Convergence of Capital Measurement and Capital Standards, Bank for International Settlement.

- Christian Thun, Sandrine Prioux, María C. Cañamero (2013), Stress Testing Best Practices: A Seven Steps Model, Moody’s analytics Risk Perspectives

- Bafin (2012) Mindestanforderungen an das Risikomanagement MaRisk

- Committee of European Banking Supervisors (2010): “CEBS Guidelines on Stress Tests (GL32)”.

- European central bank (2020), ECB report on banks’ ICAAP practices.

- Quagliariello, M. ed., 2009. Stress-testing the banking system: methodologies and applications. Cambridge University Press.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 19 năm 2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số khuyến nghị về thực hiện kiểm tra sức chịu đựng trong triển khai Khung đánh giá an toàn vốn nội bộ của các NHTM tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO