Vấn đề - Nhận định

Một số vấn đề về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp 23/04/2023 07:30

Thống kê cho thấy đến hết năm 2022, số tiền hỗ trợ lãi suất (HTLS) chỉ mới đạt 134 tỷ đồng, và dự kiến hết năm 2023, gói HTLS này chỉ giải ngân thêm được 2.345 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là còn 37.521 tỷ đồng sẽ không được giải ngân hết.

Trong trong khuôn khổ chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về HTLS từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tổng số tiền được dành để HTLS cho các khoản vay lên đến 40 nghìn tỷ đồng, thời hạn HTLS không vượt quá ngày 31/12/2023.

Theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đối tượng được HTLS là các khoản vay bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại (NHTM) của khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam hoặc để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay HTLS thực tế nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Cũng theo quỵ định tại Nghị định này, việc HTLS phải tuân thủ nguyên tắc khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của NHTM, sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất đúng mục đích, có trách nhiệm trong việc phối hợp với NHTM thực hiện HTLS.

Căn cứ Nghị định nói trên, ngày 20/5/2022, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện HTLS đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, việc HTLS tại các NHTM đạt được kết quả rất thấp. Thống kê cho thấy đến hết năm 2022, số tiền HTLS chỉ mới đạt 134 tỷ đồng, và dự kiến hết năm 2023, gói HTLS này chỉ giải ngân thêm được 2.345 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là còn 37.521 tỷ đồng sẽ không được giải ngân hết. (Ngọc An, 2023)

Lý giải về tình trạng này, NHNN cho rằng nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ việc khách hàng không đáp ứng điều kiện được HTLS hoặc khách hàng đủ điều kiện được HTLS nhưng từ chối nhận HTLS. Báo cáo của NHNN cho thấy, trong số khách hàng thuộc đối tượng và đủ điều kiện được HTLS, 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu HTLS do e ngại các thủ tục thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước. Trong khi đó, khoảng 87% khách hàng thuộc đối tượng nhưng lại không được HTLS do không đáp ứng được điều kiện “có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của NHTM”.

Sửa đổi Nghị định để tạo thuận lợi trong triển khai chính sách

Xuất phát từ các lý do trên, NHNN đã đề xuất Chính phủ sửa đổi nguyên tắc và điều kiện được HTLS quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Theo đó, khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi được quy định là khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành mà không gắn với việc đánh giá nội bộ của NHTM.

Hiện tại, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, với nội dung điều chỉnh như trên, đã được NHNN trình Chính phủ để xem xét, quyết định ban hành. Theo đánh giá của NHNN, nếu Nghị định số 31/2022/NĐ-CP được sửa đổi theo hướng này, thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho NHTM và khách hàng trong triển khai chính sách HTLS do tháo gỡ được vướng mắc về điều kiện được HTLS liên quan đến “khả năng phục hồi” của khách hàng.

Tuy nhiên, trong trường hợp đề xuất nói trên của NHNN được Chính phủ chấp thuận, thì việc thanh tra, kiểm tra đối với gói HTLS 2% vẫn được triển khai, bởi theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì bên cạnh việc thanh tra, giám sát của NHNN, quá trình thực hiện gói HTLS này sẽ được kiểm tra, thanh tra với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán việc thực hiện HTLS theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan, còn Tổ công tác HTLS liên ngành do NHNN thành lập (gồm NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng) kiểm tra hồ sơ của khoản vay được HTLS trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, báo cáo quyết toán HTLS còn phải được Bộ Tài chính thẩm định, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP…

Với những quy định về thanh tra, kiểm tra chặt chẽ như trên, có thể thấy các khách hàng cũng như NHTM khó tránh khỏi tâm lý e ngại khi đề nghị HTLS hoặc quyết định thanh toán tiền HTLS, bởi nếu quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện khoản vay được HTLS không đáp ứng các quy định của pháp luật về đối tượng, điều kiện, mục đích vay vốn hoặc chứng từ sử dụng vốn vay…, thì việc xử lý và thu hồi số tiền đã HTLS sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian quyết toán. Đây cũng chính là điều đã từng xảy ra khi triển khai chương trình HTLS 4% quy mô 17.000 tỷ đồng vào năm 2009. (Trần Giang, 2015)

Chính vì vậy, để gói HTLS 2% theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đạt được kết quả như kỳ vọng và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua những khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thì bên cạnh việc các NHTM bố trí nhân lực có đủ trình độ và kinh nghiệm để hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay vốn và hồ sơ HTLS cũng như giám sát quá trình sử dụng vốn vay, việc NHNN thường xuyên tập hợp các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai để hướng dẫn các NHTM thực hiện đúng quy định, tương tự như công văn số 4593/NHNN-TD ngày 05/7/2022, là một việc làm rất cần thiết.

Còn trong trường hợp quy định về điều kiện được HTLS đã được sửa đổi và NHNN cũng như các NHTM đã hướng dẫn các đối tượng có liên quan trong việc thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định này (sau khi được ban hành) mà vẫn không khắc phục được tâm lý e ngại các thủ tục thanh tra, kiểm tra, thì việc nghiên cứu chuyển gói HTLS 2% sang hình thức, chính sách khác, như Thường trực Chính phủ đã kết luận tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02/2023, cần sớm được thực hiện để phát huy kịp thời hiệu quả của nguồn lực mà ngân sách nhà nước bố trí cho việc hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tài liệu tham khảo:

  1. Công văn số 4593/NHNN-TD ngày 05/7/2022 của NHNN về việc giải đáp, hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN
  2. Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về HTLS từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
  3. Ngọc An (2023), “Nghiên cứu chuyển gói hỗ trợ 2% lãi suất sang cho vay nhà ở xã hội”, Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 13/03/2023, truy cập ngày 20/4/2023 tại https://tuoitre.vn/nghien-cuu-chuyen-goi-ho-tro-2-lai-suat-sang-cho-vay-nha-o-xa-hoi-2023031318002109.htm
  4. Tờ trình số 10/TTr-NHNN ngày 19/01/2023 của NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về HTLS từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
  5. Trần Giang (2015) “Gói hỗ trợ lãi suất 2009 và món nợ của Ngân hàng Nhà nước”, Trang thông tin điện tử CafeF, ngày 02/12/2015, truy cập ngày 20/4/2023 tại https://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/goi-ho-tro-lai-suat-2009-va-mon-no-cua-ngan-hang-nha-nuoc-20151202113841171.chn
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số vấn đề về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO