(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng năm 2021, chỉ số VN Index có thể đạt 1.180-1.230 điểm, tương ứng P/E mục tiêu là 16,0-16,5 lần.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT |
Phóng viên: Xin ông cho biết nhận định, đánh giá về tình hình thị trường chứng khoán trong năm 2021, liệu chỉ số có thể vượt đỉnh 1.200 điểm và tiến về các mốc kỷ lục mới?
Ông Đinh Quang Hinh: Chúng tôi nhận thấy nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực trong năm 2021.
Đầu tiên, chúng tôi kỳ vọng việc tiêm chủng vắc-xin trên quy mô toàn cầu sẽ tạo ra tiền đề cho sự phục hồi mạnh hơn của nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2021. Với môi trường kinh tế thuận lợi hơn, chúng tôi dự báo lợi EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong năm 2021 tăng 23% so với cùng kỳ.
Thứ hai, chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong năm tới và dòng tiền của nhà đầu tư trong nước sẽ tiếp tục đổ vào kênh chứng khoán do đây đang là kênh đầu tư mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt và thanh khoản cao.
Thứ ba, chúng tôi kỳ vọng “Luật chứng khoán sửa đổi” chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2021 và việc triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán chứng khoán mới sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó chúng tôi kỳ vọng dòng tiền của nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam trong năm tới.
Tuy nhiên, trong năm 2021 chúng tôi nhận thấy thị trường cũng phải đối mặt với những thách thức lớn như (1) diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất khó lường và có tác động lớn đến quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, (2) xu thế bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng trên thế giới, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “thao túng tiền tệ” và (3) rủi ro lạm phát có thể quay trở lại do nguồn cung bị thắt chặt trong bối cảnh đại dịch.
Tại ngày 24/2/2021, P/E của chỉ số VN-Index đạt mức 17,9 lần (theo Bloomberg). Mức định giá thị trường hiện tại đã nhỉnh hơn mức P/E bình quân 5 năm của VN-Index là 16,3 lần, tuy nhiên vẫn tương đối hấp dẫn nếu so sánh với mức bình quân của thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á (khoảng 26 lần). Với mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại, chúng tôi cho rằng việc thị trường được trả premium so với mức bình quân 5 năm là hợp lý. Chúng tôi đưa ra 3 kịch bản đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021
Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi cho rằng chỉ số chỉ số VN-Index hoàn toàn có thể chinh phục mức 1.200 điểm ngay trong quý I/2021 và hướng đến thiết lập các đỉnh cao mới. Theo ước tính của VNDIRECT, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 trên sàn HOSE tăng trưởng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ. Chỉ số VN Index có thể đạt 1.180-1.230 điểm trong năm 2021, tương ứng P/E mục tiêu là 16,0-16,5 lần.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu dịch COVID-19 chậm được đẩy lùi trên toàn cầu, nguy cơ nền kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn kỳ vọng sẽ kéo theo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng và làm chậm quá trình phục hồi của ngành chế biến chế tạo. Trong kịch bản này, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE sẽ thấp hơn so với kịch bản cơ sở, chỉ tăng 18% so với năm 2019. Chỉ số VNIndex có thể đóng cửa năm 2021 ở mức 1.100-1.150 điểm, tương ứng mức P/E mục tiêu trong khoảng 15,5-16,0 lần.
Trong kịch bản tích cực, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.280-1.330 điểm, tương mức mức P/E mục tiêu cho năm 2021 là 17,0-17,5 lần. Những yếu tố có thể thúc đẩy TTCK Việt Nam tăng trưởng vượt kỳ vọng (kịch bản cơ sở) trong năm 2021, bao gồm: Thứ nhất, tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 được thực hiện nhanh hơn so với dự kiến. Thứ hai, TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021. Thứ ba, TTCK Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ Thị trường Cận biên sang Thị trường Mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm trong năm 2021.
Phóng viên: Trên thị trường, nhóm ngành nào sẽ có những kết quả tốt và nhà đầu tư nên chú ý?
Ông Đinh Quang Hinh: Các ngành được dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhất trong năm 2021 bao gồm: bán lẻ tiêu dùng, dầu khí, ngân hàng và bất động sản.
Cụ thể, ngành bán lẻ tiêu dùng được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi nhanh hơn của tiêu dùng nội địa trong năm tới khi nền kinh tế tăng tốc, kéo theo việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện. Triển vọng của ngành dầu khí tích cực hơn nhờ xu hướng hồi phục của giá dầu do nhu cầu năng lượng gia tăng trở lại khi các nền kinh tế lớn từng bước mở cửa. Ngành bất động sản được hưởng lợi nhờ mặt bằng lãi suất cho vay bất động sản duy trì ở mức thấp và kỳ vọng “nút thắt pháp lý” đối với việc triển khai các dự án bất động sản tại các thành phố lớn dần được gỡ bỏ, từ đó giúp gia tăng nguồn cung trên thị trường. Trong khi đó, ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng tích cực nhờ được hưởng lợi từ nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân gia tăng khi nền kinh tế phục hồi.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ đánh giá về tình hình dịch bệnh COVID-19 và kinh tế vĩ mô trong năm 2021 sẽ ra sao, sẽ tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào?
Ông Đinh Quang Hinh: Chúng tôi cho rằng tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao trong năm 2021, đặc biệt là nửa đầu năm 2021 khi việc tiêm chủng vắc xin chưa được triển khai rộng khắp. Một tin vui đối với Việt Nam là lô vắc xin COVID-19 đầu tiên đã về Việt Nam vào ngày 24/2/2021 và dự kiến trong năm 2021 Việt Nam sẽ nhận được khoảng 60 triệu liều vắc xin. Việc tiêm chủng vắc xin được kỳ vọng sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng động không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Một số nước tiêm chủng vắc xin COVID-19 sớm cũng đã cho thấy những kết quả tương đối lạc quan khi số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng giảm nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không được chủ quan đối với dịch COVID-19, đặc biệt trong nửa đầu năm 2021 khi số lượng người được tiêm vắc xin chưa cao cũng như xuất hiện những biến chủng COVID-19 mới có tốc độ lây lan rất nhanh.
Đối với kinh tế vĩ mô, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và đẩy lùi nhờ vắc xin. Hiện nay, có rất nhiều loại vắcxin đang được phát triển trên thế giới và dự kiến sản xuất thương mại từ đầu năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng rằng việc tiêm chủng vắc xin sẽ giúp đẩy lùi COVID-19 trên toàn cầu, từ đó tạo tiền đề cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới từ năm tới. Cụ thể, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của COVID-19 cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong hai động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam trong năm 2021, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Chúng tôi cũng kỳ vọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021 do (1) Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp trong năm tới và (2) vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi trong năm 2021 nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 7,1% so với cùng kỳ, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,1% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,8% so với cùng kỳ và ngành dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 2,9% trong năm nay và tỷ giá tiền đồng tiếp tục duy trì ổn định.
Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ là bệ đỡ vững chắc giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và hướng đến thiếp lập những đỉnh cao mới trong năm 2021.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!