Hoạt động ngân hàng

Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt

Ngô Hải 14/06/2024 - 16:13

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”, ngày 14/6, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”.

Thông tin từ NHNN cho biết, dưới sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được NHNN tiếp tục đẩy mạnh phát triển và đạt được những kết quả nhất định. Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, ngành Ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán, giao dịch tức thời của người dân, doanh nghiệp.

toan-canh.jpg
Quang cảnh hội thảo

Số liệu được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cung cấp tại hội thảo cho thấy, đến hết 2023, toàn Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán (TKTT) của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng; nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Ngoài ra, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng. Đến nay đã có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile.

Số liệu tổng hợp 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy, TTKDTM đạt khoảng 4,9 tỷ giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 87 triệu tỷ đồng (tăng 57,11% về số lượng và 33,45% về giá trị); trong đó: giao dịch qua kênh Internet đạt hơn 916,7 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 22,5 triệu tỷ đồng (tăng 47,48% về số lượng và 30,03% về giá trị), qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3,4 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 22,4 triệu tỷ đồng (tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị), đặc biệt thanh toán qua phương thức QR code đạt gần 101,2 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 126,8 nghìn tỷ đồng (tăng 167,2 % về số lượng và hơn 424,5% về giá trị).

Dù đạt được những kết quả tích cực trong phát triển các sản phẩm dịch vụ TTKDTM, nhưng ông Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Theo đó, rủi ro trong hoạt động TTKDTM có thể kể đến như: Giả mạo danh tính thông qua việc lợi dụng các kênh truyền thông liên lạc phổ biến như điện thoại, mạng xã hội, tin nhắn SMS,…; Lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch qua ứng dụng ngân hàng điện tử.

pat.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN

Trước thực trạng gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng, để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động TTKDTM, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 4 nhóm chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; Triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; Tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; Phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.

Đáng chú ý, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng ra đời (ban hành ngày 18/12/2023), kể từ ngày 1/7/2024 tới đây, các TCTD, TGTT phải áp dụng xác thực sinh trắc học (có thể kết hợp thêm với các biện pháp xác thực nâng cao khác) đối với các giao dịch trên 10 triệu VND hoặc tổng giá trị giao dịch vượt quá 20 triệu VND/ngày. Với việc triển khai xác thực sinh trắc học cho các giao dịch này, tin chắc rằng, rủi ro trong thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến sẽ được ngăn chặn.

Bên cạnh đó, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, trong 5 năm qua, NHNN đã có hơn 90 lượt văn bản chỉ đạo, cảnh báo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các đơn vị trong Ngành, trong đó yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho toàn thể nhân viên và khách hàng của ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng. NHNN đã và đang phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện hàng trăm tin, bài, phóng sự truyền hình hoặc tổ chức các chương trình, sự kiện trong đó có nội dung phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến mới xuất hiện liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Về phía các TCTD cũng thường xuyên, liên tục thực hiện công tác truyền thông tới khách hàng về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử qua website, ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking...

dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Để nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị trong ngành ngân hàng triển khai các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực bảo vệ khách hàng, phòng chống lừa đảo, gian lận trong hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng (Quyết định 810/QĐ-NHNN năm 2021); Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06/QĐ-TTg.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong ngành Ngân hàng về vai trò, lợi ích của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, vai trò của người đứng đầu phải có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực phụ trách.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân, doanh nghiệp trước những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến mới xuất hiện liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Thứ năm, tăng cường hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới về lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin.

Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên chính. Trong đó, phiên 1 có chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng". Các tham luận tập trung vào các nội dung: Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - Giải pháp ngăn ngừa; Rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.

Phiên 2 có chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân". Xoay quanh nội dung về ứng dụng AI để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến, giải pháp công nghệ cho bảo mật an toàn giao dịch ngân hàng - Ngân hàng đã triển khai Quyết định 2345 /QĐ-NHN của NHNN như thế nào?

Mỗi phiên bao gồm phần thảo luận về giải pháp để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an ninh, an toàn, liên tục giải pháp để nâng cao khả năng bảo vệ cho giao dịch cá nhân, bảo vệ người dùng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO