(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát triển năng lực tiếp cận tài chính sẽ mở ra nhiều cơ hội thành công tiếp cận nhiều nguồn tài chính, giúp cho doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Đây là chia sẻ được các diễn giả đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Nguồn tài chính ưu đãi hỗ trợ SME phục hồi trong bối cảnh COVID-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (USAID LinkSME) tổ chức ngày 30/9.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Thanh Tâm, đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) nhận định, dịch COVID-19, đặc biệt là đợt tái bùng phát lần thứ tư vào tháng 4 cho tới thời điểm này, cùng việc triển khai các biện pháp giãn cách xã hội để khống chế dịch bệnh ở một số tỉnh, thành phố, đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của DN, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Theo khảo sát của VCCI, quan ngại lớn nhất của khu vực SME hiện nay chính là những khó khăn do bị thu hẹp thị trường, khó tiếp cận tín dụng do chi phí sản xuất tăng cao. Đồng hành cùng DN vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, giúp DN tiếp cận thêm các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Chính phủ và các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều chính sách hỗ trợ giúp DN vượt khó.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có Dự án USAID LinkSME, cũng như với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, đã tạo thêm kênh thông tin để giúp các DN dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Bùi Hoàng Tùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) cho biết, Quỹ SMEDF là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
Đối tượng hỗ trợ của quỹ gồm các SME khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Hiện quỹ đang hợp tác với nhiều chuyên gia giúp SME vừa nâng cao khả năng kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và hướng đến phát triển bền vững.
Ông Bùi Hoàng Tùng cho biết, DN sẽ có một số thuận lợi, ưu đãi khi vay được vốn từ quỹ này, như: Lãi suất thấp hơn vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, lãi suất cố định hoặc có thể giảm trong thời gian vay vốn. Quỹ tư vấn, hỗ trợ DN chuẩn bị thủ tục, thực hiện quy trình vay vốn, hồ sơ vay vốn được công khai, miễn phí trả nợ trước hạn.
"Các SME có nhu cầu vay vốn có thể nộp hồ sơ tại điểm giao dịch của các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ trên toàn quốc. Hiện tại có các ngân hàng như BIDV, MB, SHB, HDBank, Bắc Á Bank, Sacombank tham gia. Dự kiến thời gian tới, quỹ sẽ ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với một số ngân hàng thương mại khác. Sau khi ký kết, quỹ sẽ công bố danh sách ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ trên website", ông Bùi Hoàng Tùng cho biết.
Mức cho vay từ nguồn vốn cho vay gián tiếp của Quỹ SMEDF đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn ) tối đa là 2 năm.
“Quỹ đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4%/năm. Mức lãi suất này sẽ được giữ cố định trong suốt thời gian vay, thậm chí có thể giảm thêm”, ông Bùi Hoàng Tùng cho biết.
Như vậy, với mức lãi suất cho như trên, SMEDF là một trong những kênh hỗ trợ vốn hiệu quả cho các SME trong giai đoạn hậu COVID-19.
Hiện quỹ không có quy định về việc phê duyệt cho vay đối với những DN tăng trưởng âm. Nhưng ông Bùi Hoàng Tùng cho biết, nếu DN chứng minh được tình trạng tăng trưởng âm là do các yếu tố khách quan, như dịch bệnh, đồng thời xây dựng được phương án kinh doanh tốt, được ngân hàng đánh giá là khả thi thì vẫn sẽ nhận được hỗ trợ của quỹ.
Dưới góc độ ngân hàng, đại diện BIDV cho biết, từ năm 2019, khi Quỹ SMEDF chuyển sang hình thức cho vay gián tiếp tại các ngân hàng thương mại, BIDV là ngân hàng đầu tiên được quỹ lựa chọn triển khai chương trình để hỗ trợ SME hiện thực hóa các ý tưởng, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh.
BIDV và Dự án USAID LinkSME cũng đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kết nối tài chính nói chung, đặc biệt thúc đẩy việc tham gia giải ngân dự án theo chương trình quỹ hỗ trợ SME, trên cơ sở hợp tác đa phương.
Để các SME tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đại diện BIDV cho rằng, DN cần minh bạch hóa tài chính, như hoạt động tài chính, kinh doanh của DN cần được công khai, hợp tác với ngân hàng trong việc trao đổi thông tin. Để chuẩn bị vay vốn, DN cần có phương án kinh doanh rõ ràng, khả thi, trong đó, DN phải hiểu rõ về mục đích cho khoản vay đang mong muốn. Tùy nhu cầu của DN, tất cả mục đích vay vốn cần được liệt kê minh bạch, chi tiết.
"DN cần kiểm soát tốt dòng tiền hoạt động kinh doanh, trả nợ ngân hàng và xây dựng lịch sử tín dụng tốt, vì đây là cơ sở để BIDV đánh giá mức độ tín nhiệm DN, am hiểu quy định về sản phẩm, chương trình tín dụng của ngân hàng để có thể tham gia các chương trình tín dụng đúng đối tượng, đúng mục tiêu, tận hưởng chính sách lãi suất ưu đãi", đại diện BIDV chia sẻ thêm.