Nghiên cứu - Trao đổi

Nâng cao năng lực pháp lý giúp doanh nghiệp "vượt bão"

Quỳnh Lê 09/05/2023 08:01

Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm "Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động - Doanh nghiệp cần làm gì?" ngày 8/5, trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023) 

Kinh tế Việt Nam đang đối diện với thời điểm đầy thách thức. Sau gần 3 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp hiện nay đang đối diện với vô vàn khó khăn.

Báo cáo PCI năm 2022 cho thấy, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp tư nhân đều ở mức thấp kể từ đại dịch COVID-19, năm 2022 chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%.

Bình quân 1 tháng trong quý I/2023 có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi bình quân có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

z4327540349302_530f1c8f431528c03abdd96b98e8ef85.jpg
Các diễn giả tham gia toạ đàm

Theo TS. Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh các kết quả đã đạt được như kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm , lạm phát, lãi xuất và tỷ giá được kiểm soát thì quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Dù đã rất nỗ lực cải thiên môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng trong thực thi vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, nhiều lĩnh vực và nội dung kinh tế cần có các giải pháp kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh – động lực chính để phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tụt dốc, thị trường trái phiếu trầm lắng, thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn (cung cầu, trái phiếu, nhà ở xã hội, vay ngân hàng, luật pháp chính sách liên quan,..) đang rất mong chờ các chính sách mới tháo gỡ khó khăn, tạo niền tin cho thị trường;..

Việc thanh tra kiểm tra làm trong sạch môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập; đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa; hệ thống luật pháp chính sách đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội là cơ sở cho việc điều hành thông suốt trong xã hội, vẫn luôn trong quá trình hoàn chỉnh để đồng bộ, cũng là một trong các trở ngại cho phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư - thương mại hiệu quả.

“Sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn rất yếu, còn rất nhiều các việc phải làm cùng lúc để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”, TS. Phan Hữu Thắng nói.

Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao, so với các nước ASEAN thì nước ta chỉ sau Singapore, như Indonesia là một nền kinh tế có thể so sánh nước ta thì họ chỉ có 26% về xuất khẩu còn nước ta thì trên 200%, nền kinh tế lệ thuộc rất cao vào thị trường thế giới. Có thể nói dưới những tác động của kinh tế thế giới, cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đổi mới.

z4327540361076_0e6c5bd7988433b5c094893b3f31a10f.jpg
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trao đổi tại toạ đàm.

Mặt khác, trong thời gian gần đây, khi một loạt những doanh nghiệp lớn, những doanh nhân - đại gia vướng vào vòng lao lý, có thể thấy đó là hậu quả của một giai đoạn phát triển quá nhanh, quá nóng của nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới, doanh nghiệp cần phải hướng đến phát triển bền vững, phát triển xanh, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị thì việc nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp là những điều doanh nghiệp đặc biệt phải lưu tâm và vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng.

Bên cạnh chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh, các hiệp hội cần đẩy mạnh hơn nữa đầu mối để tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, hội viên.

“Chúng ta đang trong một thế giới mới không có bản đồ, như thuyền đi không có hải trình, do đó cần nâng cao nội lực, nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa các tranh chấp. Chưa bao giờ tính an toàn của doanh nghiệp được đặt lên cao như hiện nay”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, tại nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp đưa luôn vụ việc vào tòa án, cố gắng thương lượng, nếu ko được thì mới đưa đưa ra tòa. Các phương thức bằng trọng tài, hòa giải là phương thức được lựa chọn đầu tiên chứ không phải tòa án, tuy nhiên tại Việt Nam, điều này vẫn chưa phổ biến.

"Đây chính là văn minh trong giải quyết tranh chấp, dùng trọng tài chính là tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp, tòa án như là dùng vũ lực còn trọng tài và hòa giải là phương pháp hòa bình", TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Trọng tài và hòa giải là lựa chọn hàng đầu bởi tính thuận tiện, nhanh chóng, thân thiện, chi phí tương đối hợp lý, tôn trọng quyền tự quyết của các bên, điều quan trọng nhất, nỗ lực đầu tiên của trọng tài là đề nghị hai bên hòa giải, điều này sẽ đảm bảo cho các tranh chấp được xử lý…

“Thúc đẩy sử dụng phương thức hòa giải trọng tài giúp cho doanh nghiệp tăng cường đầu tư thương mại”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.

VAW2023 được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Câu lạc bộ luật sư Thương mại Quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 8 đến hết ngày 12/5 với gần 20 sự kiện hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực pháp lý giúp doanh nghiệp "vượt bão"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO