Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất 3,5 điểm phần trăm để ngăn chặn giá cả tăng cao và đồng Rúp suy yếu. Động thái này được đưa ra sau khi đồng Rúp nhanh chóng giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng trong tương quan với đồng USD.
Hôm nay, ngày 15/8, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng mạnh lãi suất, từ 8,5% lên mức 12%, một động thái mạnh mẽ cho thấy mức độ lo ngại về sự ổn định kinh tế của Nga.
Bằng cách công bố một cuộc họp khẩn cấp với thông báo trước một ngày, Ngân hàng trung ương đã báo hiệu sẵn sàng hành động mạnh mẽ để ngăn chặn giá cả tăng cao và đồng tiền nội tệ suy yếu. Động thái tăng 3,5 điểm phần trăm đưa lãi suất chuẩn lên 12% là nỗ lực thứ hai của ngân hàng trung ương Nga trong vòng chưa đầy một tháng nhằm hạ nhiệt nền kinh tế, sau khi tăng 1 điểm phần trăm vào ngày 21/7.
Đồng Rúp đã mất khoảng 1/4 giá trị kể từ đầu năm do chi tiêu quá lớn của chính phủ làm tăng lạm phát giá hàng hóa và dịch vụ.
Đồng Rúp đã nhanh chóng vượt qua ngưỡng quan trọng mang tính biểu tượng là 100 Rúp đổi 1 USD vào ngày 14/8, nhưng đã mạnh lên một cách khiêm tốn so với đồng USD kể từ khi ngân hàng trung ương công bố cuộc họp.
Trong tuyên bố của mình, Ngân hàng trung ương Nga ngụ ý rằng mức tăng chi tiêu khổng lồ của chính phủ kể từ khi bắt đầu xung đột với Ukraine nổ ra đã vượt xa khả năng của nền kinh tế trong việc sản xuất đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, “làm gia tăng áp lực lạm phát cơ bản”. Điều này đã buộc các cá nhân và doanh nghiệp ở Nga phải tìm kiếm mọi thứ ở nước ngoài, từ điện thoại thông minh đến chất bán dẫn tiêu chuẩn quân sự, từ đó thúc đẩy nhập khẩu tăng và làm suy yếu đồng Rúp.
Ngân hàng trung ương Nga cho biết, lạm phát hằng năm đã ở mức hơn 7% trong 3 tháng qua, một sự khác biệt lớn so với mục tiêu 4%.
Việc tăng lãi suất mạnh của Ngân hàng trung ương Nga diễn ra chỉ 1 ngày sau khi trưởng cố vấn kinh tế của Điện Kremlin ngầm đổ lỗi cho cơ quan này" về việc đồng Rúp suy yếu. Trong một chuyên mục trên các phương tiện truyền thông nhà nước Nga TASS, cố vấn Maksim Oreshkin cho biết đồng Rúp đang mất giá vì ngân hàng trung ương cung cấp tín dụng quá rẻ.
Ông Oreshkin viết: “Một đồng Rúp mạnh là vì lợi ích của nền kinh tế Nga.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu nổ ra, Ngân hàng trung ương Nga – vốn dĩ duy trì quan điểm thận trọng đã bị giằng xé giữa nhu cầu duy trì sự ổn định kinh tế và áp lực chính trị nhằm bơm tiền rẻ vào nền kinh tế. Sau khi tăng lãi suất hơn gấp đôi, lên mức 20% khi xung đột bùng nổ, cơ quan này đã dần dần hạ lãi suất vào năm ngoái, dẫn đến sự bùng nổ tín dụng giúp giảm căng thẳng xã hội, tuy nhiên cái giá phải trả là lạm phát tăng.
Việc tăng chi tiêu diễn ra khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm giảm doanh thu của nhà nước Nga. Thu nhập từ xuất khẩu năng lượng giảm đã đẩy ngân sách của nước này vào tình trạng thâm hụt trong năm nay. Tình trạng thiếu lao động, gây ra bởi việc huy động lực lượng cho quân đội và cuộc di cư của công nhân, đã làm suy yếu thêm nền kinh tế.
(Nguồn: NYT)