(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc các ngân hàng giảm phí trong những tháng đầu năm 2020 đã khiến tổng thu nhập từ mảng dịch vụ tăng chậm lại, nhưng tiềm năng tăng trưởng dịch vụ ngân hàng trong dài hạn vẫn khả quan.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh dịch vụ thanh toán và hợp tác phân phối bảo hiểm để bù đắp sự sụt giảm từ nguồn thu tín dụng

Tổng thu nhập giảm

Báo báo nghiên cứu mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, trong nửa đầu năm 2020 tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ của các NHTM niêm yết giảm đi đáng kể, khi mức độ tăng trung bình chỉ đạt 9,9% so với đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 42,1% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Trong toàn hệ thống, ngoài Techcombank và VPBank nhờ cơ cấu phí dịch vụ đa dạng, vẫn giữ được mức tăng trưởng thu nhập phí nửa tháng đầu năm nay là 40%, hầu hết các NHTM niêm yết đều chỉ đạt mức dưới 10%, thậm chí một số ngân hàng như TPBank, ACB, MB… nửa đầu năm mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ còn âm.

Các chuyên gia tại VDSC cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến tổng thu nhập từ dịch vụ trong nửa đầu năm 2020 của hệ thống ngân hàng sụt giảm, đó là cầu tín dụng suy yếu tác động chéo đến các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là phí bảo hiểm, tài trợ thương mại và thu nhập ngoại hối. Bên cạnh đó, trong các tháng đầu năm, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, hệ thống NHTM đã triển khai miễn giảm phí dịch vụ hỗ trợ DN, khiến phí thanh toán ròng giảm tốc, tác động trực tiếp đến tổng thu dịch vụ từ các NHTM.

Mặc dù, ghi nhận tổng thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng có sự tăng trưởng chậm, nhưng báo cáo của VDSC cũng cho biết tỷ trọng đóng góp của nguồn thu dịch vụ vào tổng thu nhập tại các NHTM trong 6 tháng vừa qua không có sự thay đổi. Thu nhập dịch vụ vẫn đóng góp bình quân khoảng 10,6% vào tổng thu của các ngân hàng niêm yết.

Nhóm phân tích dữ liệu của FiinGroup cũng cho biết, đến hết quý 2/2020, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 19 NHTM niêm yết chỉ tăng trưởng khoảng 9,6% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2019. Tính riêng từng quý của năm 2020 thì tỷ trọng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đã tăng đáng kể 14,6% vào cuối quý 2, sau khi xuống mức thấp trong quý 1. Điều này cộng với mức tăng trưởng 25,2% so với cùng kỳ 2019 của các mảng kinh doanh khác, bao gồm: mua bán ngoại tệ, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn mua cổ phần… thì các NHTM vẫn gồng gánh được sự sụt giảm thu nhập thuần từ hoạt động cho vay.

Mảng dịch vụ theo đánh giá của FiinGroup vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng trong quý 2 vừa qua bởi thu nhập lãi thuần của 19 NHTM niêm yết chỉ tăng 0,1% so với quý 2/2019 và đã giảm tới 7,5% so với quý 1/2020.

Ngân hàng “buộc bụng” chờ dịch chuyển

Thực tế, việc co kéo doanh thu từ phí dịch vụ trong những tháng vừa qua cần được ghi nhận như một đóng góp đáng kể của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh từng TCTD phải đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh vừa phải hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng từ dịch Covi-19.

Thống kê của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 8/2020 sau hai lần thực hiện giảm phí dịch vụ (đối với các giao dịch dưới 2 triệu đồng) đã có 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas) được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí các TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng dự tính trong năm nay khoảng 1.004 tỷ đồng.

Để có thể miễn giảm ngàn tỷ đồng phí dịch vụ thanh toán như thế nhưng vẫn đảm bảo cân đối các chỉ tiêu tài chính kinh doanh, rõ ràng các tháng vừa qua hệ thống NHTM đã phải “thắt lưng buộc bụng”.

Theo nhóm nghiên cứu của FiinGroup, tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2020 của các NHTM niêm yết chủ yếu đóng góp từ việc cắt giảm chi phí hoạt động. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) trong quý 2 giảm ở mức 36,7%, mức thấp nhất kể từ cuối quý 1/2017. Trong khi đó chi phí hoạt động liên tiếp giảm 14,2% và 12% trong quý 1 và 2 cho thấy các ngân hàng đều đã tự cắt giảm chi phí hoạt động để bù đắp cho thiếu hụt doanh thu từ lãi thuần tín dụng, đồng thời tạo dư địa kéo hẹp chênh lệch cơ cấu lợi nhuận từng phần, để các mảng dịch vụ và kinh doanh khác có thể co kéo được kết quả kinh doanh chung của từng ngân hàng.

Mặc dù nhìn nhận không quá tích cực về khả năng lợi nhuận từ mảng dịch vụ có thể kéo được những sụt giảm lợi nhuận ở mảng tín dụng và các mảng khác. Tuy nhiên, các thống kê vẫn cho rằng trong những tháng cuối năm 2020, hệ thống ngân hàng vẫn có thể kỳ vọng tăng trưởng mạnh một số lĩnh vực, đặc biệt là thu phí từ phân phối bảo hiểm, thu phí thanh toán qua thẻ và các nền tảng công nghệ số.

Ở lĩnh vực thu nhập từ phân phối bảo hiểm, VDSC nhận định Techcombank, VIB và MB hiện đang là những đơn vị dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Các ngân hàng khác như Sacombank, VPBank, Vietcombank và ACB hiện cũng đang có xu hướng tăng trưởng mảng bancassurance cao và có nhiều kỳ vọng mở rộng thị phần nhờ các thỏa thuận hợp tác bảo hiểm mới được ký kết.

Trong khi đó, ở lĩnh vực thu phí thanh toán qua thẻ và các ứng dụng công nghệ số, hiện các NHTM như Agribank, Techcombank, ACB, VPBank, MSB, TPBank… được đánh giá  những đơn vị đang đẩy mạnh phát hành mới các loại thẻ thanh toán, tận dụng xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, cơ cấu thu phí dịch vụ của các NHTM trong thời gian tới cũng được nhiều tổ chức phân tích nhìn nhận là sẽ được đa dạng hóa vì các đơn vị có thể mở rộng thêm các kênh dịch vụ đang có tốc độ phát triển nhanh như môi giới, bảo lãnh trái phiếu, bảo lãnh đầu tư.

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Cân bằng lợi ích và rủi ro cho người tiêu dùng

Với việc sớm cho phép các ngân hàng triển khai eKYC, đại lý ngân hàng... không chỉ phát triển sản phẩm phẩm dịch vụ ngân hàng, mà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn đó là phát triển tài chính bao trùm, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân.

Tuy nhiên, để người tiêu dùng “mặn mà” hơn sử dụng các sản phẩm dịch vụ mở tài khoản, thanh toán online, không dùng tiền mặt, theo tôi, cần phải đảm bảo 2 vấn đề: Một là sự tin cậy, hai là lợi ích của cả đôi bên. Bởi vì phát triển mở rộng các dịch vụ ngân hàng ngày càng hiện đại thì cũng sẽ đi kèm với rủi ro.

Do đó, phải làm thế nào để cân bằng lợi ích và rủi ro giúp người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng, sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ mà mình sử dụng. Nếu dịch vụ cung cấp không tốt, mất lòng tin của khách hàng thì ngân hàng sẽ chịu thiệt hại lớn, nhất là thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, thì điều này vô cùng quan trọng.

Xu hướng tiêu dùng online, thanh toán trực tuyến sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới khi Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD. Dư địa cho các ngân hàng khai thác các sản phẩm dịch vụ ngân hàng online từ xu hướng này là khá lớn. Nhất là định hướng của các ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ và đầu tư vào chuyển đổi số hứa hẹn mang lại khoản thu phí dịch vụ tiềm năng cho các ngân hàng. Trong đó, thu nhập phí thanh toán và phí thẻ được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng

Tăng tính liên kết cho các sản phẩm ngân hàng

Cho đến bây giờ tất cả người dân muốn mở tài khoản ngân hàng đều phải ra ngân hàng. Nên việc các ngân hàng triển khai eKYC một cách rộng rãi sẽ giúp đại bộ phân dân chúng nhất là người dân vùng sâu, vùng xa vẫn có thể mở tài khoản một cách dễ dàng nhanh chóng mà không cần đến ngân hàng gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại thông qua đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực dạng sinh trắc học thông qua vân tay... Tôi rất ủng hộ chủ trương này.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý với biện pháp này cũng cần phải được bảo mật tốt và kèm thêm giải pháp bổ sung để hạn chế rủi ro có thể phát sinh. Đơn cử, các ngân hàng sẽ ưu tiên mở tài khoản qua eKYC cho khách hàng được khách hàng hiện hữu của ngân hàng giới thiệu bảo lãnh. Với việc giới thiệu như vậy, tôi nghĩ mức độ an toàn cao hơn.

Phải khẳng định rằng, hiện tại khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng của người sử dụng ngày càng tốt mọi lúc mọi nơi, thuận tiện, linh hoạt, nhanh chóng. Từ những dịch vụ đơn giản đến tương đối phức tạp như rút tiền, chuyển tiền trong nước, quốc tế, tư vấn tài chính... Tuy nhiên, doanh thu từ dịch vụ của các ngân hàng vẫn chưa như kỳ vọng do nhu cầu của người dân chưa cao. Nguyên nhân chính là thu nhập bình quân theo đầu người tại Việt Nam còn thấp nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế.

Để giúp các ngân hàng thúc đẩy tăng thu từ dịch vụ tốt hơn, tôi cho rằng, các ngân hàng cố gắng liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ khác như công ty bảo hiểm để có những gói tài chính đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng. Hoặc ngân hàng có thể kết nối nhiều hơn với các nhà trung tâm thương mại, các nhà bán lẻ, bán buôn... Khi liên kết với nhiều nhà cung cấp như vậy, ngân hàng có cơ hội cung cấp sản phẩm dịch vụ của mình nhiều hơn. Từ đó, tăng thu từ hoạt động dịch vụ bù đắp phần nào thu tín dụng đang dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn - Thành viên HĐQT SCB

Thu từ dịch vụ của ngân hàng hứa hẹn ngày càng tăng

Thực hiện eKYC sẽ khuyến khích người dân mở tài khoản nhiều hơn, tiết kiệm chi phí vận hành rất lớn cho ngân hàng mà Nhà nước lại kiểm soát dòng tiền tốt hơn, không lo rủi ro về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mở tài khoản cũng giúp cho ngân hàng duy trì lượng tiền thanh toán nhàn rỗi với chi phí thấp hơn giúp cho giá vốn bình quân huy động của ngân hàng có thể giảm. Từ đó ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Điểm rất tích cực đối với ngân hàng, thu từ dịch vụ trong giai đoạn vừa qua vẫn khá tốt. Nhất là mảng thẻ tín dụng, thanh toán, chuyển tiền, đặc biệt là phí bảo hiểm qua kênh bancassurance tăng rất mạnh.

Tôi cho rằng, thời gian tới, phí bảo hiểm qua kênh bancassurance dự kiến sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng nhờ xu hướng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm gia tăng. Hiện tại tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người dân Việt Nam vẫn còn khá thấp chỉ bằng 1/3-1/4 so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... nên dư địa của thị trường này còn rất lớn.

Ngoài ra, cơ cấu thu phí dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ được cải thiện hơn nữa khi thời gian qua các ngân hàng đa dạng hóa các dịch vụ tài chính và đạt hiệu quả khá cao như môi giới trái phiếu…

Tất nhiên, tiềm năng là khá lớn, nhưng mức độ hiệu quả như thế nào còn phụ thuộc vào khả năng khai thác của ngân hàng đó. Chẳng hạn, như bán chéo sản phẩm bảo hiểm, muốn khách hàng mua bảo hiểm, ngân hàng phải có đội ngũ tư vấn tốt, nắm bắt được nhu cầu tài chính của khách hàng...

Tôi tin rằng, với việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ cùng với hỗ trợ từ cơ chế chính sách của Nhà nước, thu dịch vụ của ngân hàng sẽ ngày càng tốt hơn.

Hà Thành thực hiện

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng chờ động lực dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO