Ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi

Ngô Hải| 05/02/2023 08:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao thường có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, điển hình như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB… sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi.

Trong báo cáo “Nhìn lại 2022 và Triển vọng Thị trường Vốn 2023” vừa công bố, FiinRatings cho biết, sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN kết thúc (ngày 30/6/2022), các ngân hàng bắt đầu đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh (nợ xấu nội bảng và trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành) tại thời điểm ngày 30/9/2022 của toàn ngành là khoảng 2,6%, tăng nhẹ so với mức 2,5% hồi đầu năm. Chất lượng các khoản lãi và phí phải thu đáng báo động ở nhóm ngân hàng có chất lượng tín dụng thấp.

FiinRatings cho rằng, trung bình, các ngân hàng có vòng quay khoản lãi và phí phải thu khoảng 30 đến 60 ngày. Tuy nhiên, một số ngân hàng có các khoản lãi và phí phải thu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng tài sản, trong khi vòng quay lại rất dài (lên tới hơn 250 ngày) trong suốt nhiều năm liền. Đây là dấu hiệu cho thấy các khoản phải thu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nợ khó đòi và các số liệu kế toán chưa phản ánh chính xác chất lượng tài sản của ngân hàng.

 

Trước kịch bản nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao thường có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, điển hình như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB…

“Chúng tôi cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi như nợ xấu tăng từ tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hay biên lãi thuần bị ảnh hưởng”, FiinRatings nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, thị trường có nhiều biến động tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, FiinRatings cũng chỉ ra rằng, mức đệm vốn và các tỷ suất sinh lời phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận của các ngân hàng có mức điểm xệp hạng tín nhiệm sơ bộ thấp bị ăn mòn gần như toàn bộ bởi các chi phí dự phòng, trong khi tỷ lệ đòn bẩy lại cao hơn hẳn so với các ngân hàng khác. Các ngân hàng này cũng ít có lợi thế về chi phí vốn do không thu hút được tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng mà phải phát hành trái phiếu và huy động tiền gửi với lãi suất cao so với các ngân hàng lớn, dẫn đến việc biên lãi thuần chỉ ở mức khoảng 2%.

 

Dự kiến trong năm 2023, biên lãi thuần của các ngân hàng có khả năng bị thu hẹp khi lãi suất huy động tăng mạnh hơn lãi suất cho vay. Từ cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế và đề xuất xử lý các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất.

Điều này có thể gây khó khăn trong việc huy động vốn cho các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ do không còn lợi thế cạnh tranh về lãi suất đối với các ngân hàng lớn.

Trong khi đó, việc giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ gây áp lực huy động các nguồn vốn dài hạn hơn (trái phiếu, vốn chủ sở hữu,…) tại các ngân hàng.

Với việc dịch bệnh COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát, lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN và Thông tư 08/2020/TT- NHNN vẫn được áp dụng cho đến thời điểm này (giới hạn 34% kể từ ngày 1/10/2022), FiinRatings cho rằng, ít có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện lùi thời gian áp dụng các quy định trên sau khi đã lùi thời hạn một năm nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong dịch COVID-19.

Trong bối cảnh nguy cơ nợ xấu tăng cao, FiinRatings khuyến cáo các ngân hàng cần theo dõi chặt chẽ chất lượng tài sản, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao cần thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý nợ xấu để cải thiện năng lực tài chính, tránh gây ảnh hưởng đến cả hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Nhận định về những thách thức của ngành Ngân hàng trong năm 2023, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đưa ra dự báo, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và trong nước. Hơn nữa, ngành Ngân hàng đối diện với những khoản nợ tái cơ cấu khi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nợ xấu có thể tăng cao, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Trước những khó khăn thách thức được dự báo, đảm bảo được an toàn hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường huy động vốn, tập trung đầu tư vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế phát sinh nợ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO