Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15: Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 49 nghìn tỷ đồng

ThS. Trần Trọng Triết 24/03/2025 - 11:10

Xác định nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa là một động lực quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng Khu vực 15 đã tăng cường mở rộng cho vay vốn tín dụng, giúp các doanh nghiệp này đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế địa bàn khu vực.

z6436230112614_d08eac1cba50ac05a34467b74ff7c091.jpg
Ảnh minh họa

Theo thống kế, cùng với kinh tế tập thể và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50,4% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lao động. Không những vậy, khu vực kinh tế tư nhân còn góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn.

Chính vì vậy, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15 đã quán triệt và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, cắt bỏ thủ tục không cần thiết để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng thuận lợi.

Đáng chú ý đến cuối tháng 2/2025 dư nợ tín dụng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15 đạt 49.586 tỷ đồng, chiếm 89% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn khu vực. Trong đó, địa bàn tỉnh Kiên Giang có dư nợ tín dụng cho vay doanh nghiệp cao nhất đạt 19.044 tỷ đồng.

Về mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh (lãi suất cho vay bình quân năm 2024 giảm 1,24%, năm 2025 tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm 2024), góp phần hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, người dân.

untitled-1(1).jpg

Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15 chia sẻ, qua kết quả dư nợ tín dụng cho vay của ngân hàng cho thấy nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân; đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhưng các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhóm khách hàng này, ông Phước cho rằng, hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng cần thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp tư nhân và các ngân hàng, các sở, ngành, địa phương. Xây dựng cơ chế phản hồi nhanh để giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; Thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ công như khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án lớn như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, môi trường...

Ưu tiên doanh nghiệp tư nhân nội địa trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như các dự án đầu tư công, chương trình chuyển đổi số quốc gia, chương trình đổi mới công nghệ... Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các quỹ hỗ trợ phát triển quốc gia (Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng...).

Để tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi hơn, ông Trần Văn Phước khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính và minh bạch thông tin của doanh nghiệp. Xây dựng, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ và AI trong kế toán và quản lý tài chính, các lĩnh vực tác nghiệp khác. Xây dựng báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập để tạo niềm tin với ngân hàng. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh đồng bộ với các kế hoạch tác nghiệp khác và phương án sử dụng vốn hiệu quả để thuyết phục ngân hàng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15: Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 49 nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO