(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), dù đang gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực sau đại dịch COVID-19 nhưng ngành Ngân hàng nói chung, Vietbank nói riêng vẫn đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) |
Phóng viên: Thời gian gần đây, các ngân hàng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút dòng tiền nhàn rỗi dịp cuối năm. Vậy, Vietbank đã có những giải pháp nào để thu hút dòng tiền này?
Ông Nguyễn Hữu Trung: Hiện tại, lượng tiền gửi tại Vietbank có sự tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước. Để thu hút các khách hàng đến Vietbank gửi tiền, chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn cũng như các chính sách, chương trình thu hút khách hàng gửi.
Cụ thể, chương trình khuyến mãi “Xuân như ý, Lộc tỷ đồng” đang được Vietbank triển khai đến ngày 31/12/2022 dành cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm, mở tài khoản với tổng giải thưởng, quà tặng lên đến 6,5 tỷ đồng. Khi tham gia chương trình này, bên cạnh những quà tặng nhận ngay, tham gia vòng quay may mắn, khách hàng còn được quay số trúng thưởng vào cuối chương trình với giải đặc biệt lên đến 1 tỷ đồng.
Từ ngày 1/8/2022, Vietbank cũng đã áp dụng tính năng “Rút trước hạn một phần gốc” tiền gửi theo quy định tại Thông tư 04 của Ngân hàng Nhà nước đối với sản phẩm Tiết kiệm Phát Lộc dành cho khách hàng cá nhân và Tiền gửi linh hoạt của tổ chức dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Phần vốn rút trước hạn sẽ được áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn do Vietbank công bố tại thời điểm rút. Phần vốn gốc còn lại, khách hàng sẽ tiếp tục được hưởng mức lãi suất như đã cam kết ban đầu cho đến ngày đáo hạn.
Việc bổ sung tính năng “Rút trước hạn một phần gốc” của Vietbank sẽ giúp khách hàng chủ động nguồn tiền, yên tâm hoạch định và lựa chọn các sản phẩm tiền gửi phù hợp để từ đó tối ưu hóa lợi nhuận một cách cao nhất.
Bên cạnh đó, Vietbank cũng triển khai các chương trình ưu đãi khác liên quan đến kiều hối, thẻ, gửi tiết kiệm online trên app Vietbank Digital… nhằm đa dạng hoá kênh phục vụ khách hàng và tập trung nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút các khách hàng đến giao dịch cũng như an tâm gửi tiền tại Vietbank.
Phóng viên: Dịch COVID-19 đã và đang để lại những tác động tiêu cực cho nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Vietbank đã triển khai những giải pháp nào đề vượt qua khó khăn, đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hồi phục và phát triển, thưa ông?.
Ông Nguyễn Hữu Trung: Sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cầu tiêu thụ thấp, thị trường bất động sản đóng băng, giá cả hàng hoá tăng cao, tình trạng khan hiếm xăng dầu, tỷ giá và lãi suất biến động tăng cao… như hiện nay đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, nợ quá hạn và nợ xấu có xu hướng tăng nhanh trong nền kinh tế.
Trước tình hình đó, thời gian qua, Vietbank đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế nợ xấu như: tăng trưởng tín dụng thận trọng có chọn lọc; đẩy mạnh cho vay các khách hàng nhỏ, lẻ, các doanh nghiệp SMEs vừa nhằm hỗ trợ khách hàng, vừa giảm thiểu rủi ro; tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay; tăng cường quản lý danh mục nợ cũng như chủ động xử lý nợ quá hạn tại từng đơn vị nhằm bám sát, theo dõi mọi diễn biến nợ để kịp thời đề ra các biện pháp khả thi….
Bên cạnh việc chủ động quản lý danh mục nợ, xử lý nợ quá hạn, nợ xấu, Vietbank vẫn tiếp tục tham gia cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành. Cụ thể, chúng tôi đang triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19.
Sau khi chính sách được ban hành, Vietbank đã thông báo tới từng chi nhánh về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất để thông tin tới người thụ hưởng chính sách về chủ trương này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động rà soát để tìm kiếm các khách hàng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.
Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương để tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu. Trong khuôn khổ Hội nghị kết nối giữa các NHTM với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Vietbank đã cùng các ngân hàng khác ký cam kết hỗ trợ vốn lãi suất 2% với đại diện các doanh nghiệp du lịch để giúp họ phục hồi kinh doanh, tạo đà bứt phá ở giai đoạn thích ứng an toàn sau dịch COVID-19.
Có thể nói, chúng tôi không chỉ chủ động rà soát trong hệ thống khách hàng hiện tại của ngân hàng, mà còn phối hợp với chính quyền địa phương để thông qua kênh đó hỗ trợ đúng các đối tượng khách hàng trong nền kinh tế.
Phóng viên: Thời gian qua, các doanh nghiệp luôn phản ánh về việc ngân hàng tăng lãi suất và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, Vietbank có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hữu Trung: Tôi cho rằng ý kiến này có cả phần đúng và chưa đúng. Đúng là hoạt động cho vay của ngân hàng phải tuân thủ các điều kiện, quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn, nên không phải đối tượng nào cũng có thể tiếp cận vốn ngân hàng.
Ngân hàng huy động tiền gửi của người dân, thì phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển đồng vốn đó sinh sôi hiệu quả. Khi đã tiếp cận và trở thành khách hàng của ngân hàng, thì doanh nghiệp sẽ được cung cấp trọn gói các dịch vụ cần thiết để phục vụ cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Khi đó doanh nghiệp sẽ thấy việc hợp tác với ngân hàng mang lại nhiều cái lợi và thủ tục sau này không còn phức tạp, khắt khe nữa.
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các chính sách tiền tệ như tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát… các yếu tố đầu vào tăng cao bao gồm lãi suất các khoản huy động của người dân và các tổ chức kinh tế cũng tăng theo tương ứng, kéo theo lãi suất cho vay đầu cũng phải đảm bảo tăng tương ứng.
Về phía khách hàng, chúng tôi thấy rằng nhiều người có tâm lý sợ thanh, kiểm tra sau khi giải ngân. Đặc biệt, đối với những đối tượng khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh thường khó đáp ứng các quy định như chứng từ, hoá đơn, giấy phép kinh doanh… nên họ cũng ngại tiếp cận chính sách nguồn vốn ưu đãi.
Về phía ngân hàng, chúng tôi gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất đối với một số trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành. Việc tách ra hoạt động kinh doanh nào thuộc lĩnh vực được hỗ trợ, lĩnh vực nào không được hỗ trợ là bài toán không dễ. Bên cạnh đó, việc xác định mục đích sử dụng vốn để được hỗ trợ lãi suất cũng khá khó khăn trong một số trường hợp nhất định.
Phóng viên: Có thể nói, tăng lãi suất là một cuộc sàng lọc. Vậy, Vietbank ưu tiên những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào? Làm sao mới đủ tiêu chí để vay vốn tại ngân hàng?.
Ông Nguyễn Hữu Trung: Lãi suất trên thị trường đang tăng phản ánh rất rõ cuộc đua lãi suất của các ngân hàng để huy động vốn. Tuy nhiên tại Vietbank, chúng tôi cũng cân đối các nguồn vốn với giá hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp SMEs thuộc những lĩnh vực cần ưu tiên của nền kinh tế như: dược - y tế, nhựa, du lịch, công nghiệp thực phẩm, nhà thầu xây lắp, xây dựng…
Thời gian qua, Vietbank đã phát triển được tệp khách hàng doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm mang tính quy trình lõi cơ bản như vay bổ sung vốn lưu động, vay vốn trung - dài hạn, tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế... Từ các sản phẩm lõi, chúng tôi tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đó là sản phẩm VB Super-SMEs, sản phẩm tái cấp nhanh, gia tăng hạn mức tín dụng dành cho các doanh nghiệp SMEs…
Có thể nói, mọi hoạt động nghiệp vụ tài chính mà doanh nghiệp cần, Vietbank đều có thể cung cấp đầy đủ. Đến nay, Vietbank đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong rất nhiều nhóm ngành. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng gói tín dụng đặc thù cho các ngành nghề khác.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!