(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 1/7/2021, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), công tác đầu tư xây dựng năm 2020 và quán triệt Chương trình THTK, CLP, công tác đầu tư xây dựng năm 2021 trong ngành Ngân hàng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, THTK, CLP là hoạt động thường xuyên và luôn được NHNN quán triệt chặt chẽ tới từng đơn vị thuộc NHNN, các TCTD và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có đóng góp quan trọng vào các chương trình lớn của Chính phủ, nhất là chương trình hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, mua vắc xin… Trong thời gian tới, toàn ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa công tác THTK, CLP theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, để có thể phát huy hiệu quả các nguồn lực, đóng góp nhiều hơn cho nhu cầu của đất nước.
Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị liên quan cần xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch cụ thể để có thể tiết kiệm tối đa cho ngành, cho đất nước, qua đó, tập trung nguồn lực cho các mục tiêu, nhiệm vụ lớn; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…
Quang cảnh cuộc họp |
Công tác THTK, CLP góp phần tích lũy nguồn lực, thực hiện nhiệm vụ chính trị
Nhằm triển khai kịp thời, nghiêm túc Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2020, Thống đốc đã ký Quyết định số 259/QĐ-NHNN ngày 20/2/2020 ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP năm 2020, trong đó cụ thể hoá mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm về THTK, CLP và một số chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trong các lĩnh vực của ngành Ngân hàng. NHNN và các đơn vị trực thuộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức pháp luật về THTK, CLP cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng.
Năm 2020, NHNN và các đơn vị đã đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, định mức, tiêu chuẩn về quản lý tài chính, tài sản, quản lý vốn nhà nước doanh nghiệp, quản lý lao động để làm cơ sở triển khai THTK, CLP. Trong đó, NHNN đã ban hành 11 văn bản, quy định quan trọng hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức về tài chính, tài sản áp dụng cho hệ thống NHNN, các văn bản về quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng. Các đơn vị NHNN ban hành mới 43 văn bản và sửa đổi, bổ sung 22 văn bản về quản lý tài chính, tài sản áp dụng trong nội bộ đơn vị.
Theo báo cáo của TCTD, TCTC và doanh nghiệp có vốn nhà nước, các đơn vị đã tăng cường ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản, định mức về quản lý tài chính, tài sản áp dụng trong từng đơn vị để đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý trong việc quản lý, điều hành cũng như THTK, CLP.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất- kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các chỉ đạo về tiết kiệm chi phí để dành nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, NHNN đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị trong Ngành chủ động rà soát, triệt để tiết kiệm chi hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, tiết kiệm chi phí đoàn ra, đoàn vào... theo chỉ đạo của Chính phủ.
Việc thực hiện kế hoạch khoán kinh phí của NHNN nhìn chung đạt kết quả tốt với 100% đơn vị NHNN thực hiện chi tiêu trong mức được giao khoán. Một số khoản chi phí quản lý tiết giảm nhiều so với năm 2019 như: chi công tác phí tiết giảm 51,7%; chi xăng dầu tiết giảm 38,1%; chi nghiên cứu khoa học tiết giảm 22,5%...
NHNN đã thực hiện nghiêm các chủ trương của Chính phủ và quy định của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng và mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc. Trong công tác lập kế hoạch, NHNN đã rà soát chặt chẽ đề xuất của đơn vị và hiện trạng tài sản của NHNN, chỉ đưa vào kế hoạch đối với các tài sản cần thiết, cấp bách phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo an toàn trụ sở, kho tiền...; Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các đơn vị rà soát, dừng triển khai mua sắm đối với các gói thầu chưa cần thiết, cấp bách để dành nguồn phòng chống COVID-19.
Trong quản lý đầu tư xây dựng công trình của NHNN năm 2020, NHNN đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện dự án từ khâu lập kế hoạch đến quyết toán công trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2020 của các đơn vị. Do vậy, tại thông báo kết quả kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại NHNN, Đoàn kiểm toán đã đánh giá tốt về công tác quản lý đầu tư xây dựng tại NHNN.
NHNN cũng đẩy mạnh cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt đã hoàn thiện cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định hiện hành; Triển khai THTK, CLP trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong hệ thống NHNN; Thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các TCTD, TCTC và doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN quản lý.
Trong năm 2020, các NHTM Nhà nước đã chủ động giảm doanh thu/lợi nhuận để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng khó khăn do COVID-19 theo chỉ đạo của NHNN. Các doanh nghiệp đã tiết giảm các khoản chi phí, đặc biệt là chi dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, chi cho hoạt động quản lý, công vụ, chi về tài sản, chi về tiền lương so với năm 2019.
Các đơn vị NHNN thường xuyên tổ chức thực hiện công tác tự kiểm tra về THTK, CLP. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo ngành Ngân hàng về THTK, CLP kiểm tra trực tiếp chuyên đề THTK, CLP tại các chi nhánh NHNN. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Vụ Kiểm toán nội bộ đã lồng ghép nội dung THTK, CLP vào nội dung thanh tra, kiểm toán của đơn vị. Nhìn chung, các đơn vị NHNN được thanh tra, kiểm toán thực hiện tốt công tác THTK, CLP các nội dung THTK…
Hội nghị cũng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 như sau: (i) Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2021, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu quy định tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 08/01/2021 của NHNN; (ii) Tổ chức triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP ban hành theo Quyết định số 107/QĐ-NHNN ngày 29/01/2021 của NHNN và Chương trình hành động của từng đơn vị; (iii) Chấp hành nghiêm các chỉ tiêu tiết kiệm nêu tại Chương trình hành động và quy định, tiêu chí chấm điểm tiết kiệm trong sử dụng kinh phí theo quy định tại Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 22/01/2020 của Thống đốc NHNN; (iv) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với người đại diện tại các TCTD, TCTD và doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN quản lý.
Coi công tác THTK, CLP là nhiệm vụ quan trọng
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước vẫn có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Qua đó càng thấy việc quán triệt THTP, CLP lúc này là thực sự cần thiết.
Điểm lại kết quả đạt được trong công tác THTK, CLP năm 2020, Phó Thống đốc đánh giá, NHNN đã triển khai cơ chế, chính sách, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng tương đối kịp thời đầy đủ đến từng đơn vị trong Ngành…; các ngân hàng cũng triển khai đến các đơn vị trong toàn hệ thống tương đối tốt. Công tác THTK, CLP ngày càng được chú trọng hơn trong hoạt động quản lý của hệ thống NHNN, hoạt động kinh doanh của các TCTD, các NHTM có vốn nhà nước,...
“Mặc dù tiết kiệm chi phí nhưng chúng ta vẫn đảm bảo đầy đủ chi phí cho hoạt động quản lý, cho việc xây dựng cơ chế chính sách, điều hành của NHNN, hoạt động nghiệp vụ của NHTW. Vì thế, mọi hoạt động của NHTW trong chỉ đạo, điều hành, quản lý vẫn thông suốt cho dù điều kiện dịch bệnh diến biến phức tạp. Bên cạnh đó, các NHTM vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh theo đúng chủ trương, kế hoạch, vẫn đảm bảo lợi nhuận cũng như hiệu quả trong hoạt động kinh doanh”. Việc cắt giảm, tiết kiệm chi phí nhưng hầu hết không cắt giảm quyền lợi chính đáng của người lao động; đảm bảo việc đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, công nghệ…, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc biểu dương các đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp triệt để tiết kiệm chi phí thường xuyên theo Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 22/01/2020 của Thống đốc NHNN. Các TCTD, TCTC và doanh nghiệp có vốn nhà nước đã tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm tập trung cắt giảm chi phí, điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu/lợi nhuận để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn bởi tác động của COVID-19.
Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và nâng cao hiệu quả hơn nữa trong năm 2021, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành coi việc triển khai công tác THTK, CLP là nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vấn đề tiết kiệm để hỗ trợ cho nến kinh tế, cho đất nước và bản thân ngành Ngân hàng càng trở nên cần thiết hơn, cần quán triệt mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, người đứng đầu các đơn vị cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình hành động tại đơn vị mình.
Các đơn vị tham mưu cơ chế chính sách sớm hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính, quản lý đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, định mức trong quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công, các quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện cũng như đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, góp phần THTK, CLP.
Các đơn vị thực hiện triệt để THTK, CLP ngay từ khâu lập kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư xây dựng, kế hoạch mua sắm tài sản, kế hoạch lao động, tiền lương... Chủ động rà soát các nhiệm vụ trùng lặp, kém hiệu quả, sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm 2021 để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các đơn vị có trách nhiệm lập kế hoạch cho từng nội dung chi theo các tiêu chí để đánh giá kết quả THTK trong chi thường xuyên; Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2021 của hệ thống NHNN và các đơn vị trong ngành, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến THTK, CLP.
Phó Thống đốc đề nghị các TCTD, TCTC và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành Ngân hàng tiếp tục coi trọng quản lý và sử dụng chi phí hiệu quả, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ kinh doanh, hạn chế tối đa những chi phí không tạo ra lợi ích, không trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; tiết giảm chi phí hoạt động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn và khôi phục sản xuất - kinh doanh sau dịch COVID-19; tiến hành rà soát, đảm bảo tính hợp lý trong các chi phí quản lý hoạt động kinh doanh như: mua sắm các dự án công nghệ tin học; mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản; tiêu chuẩn sử dụng các phương tiện, công cụ lao động của cán bộ…