Ngành Ngân hàng nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng

24/04/2020 12:20
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngành Ngân hàng chủ động vào cuộc rất sớm, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một trong những chính sách quan trọng đó là Thông tư 01 của NHNN, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ kể cả khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ. Sau hơn một tháng đi vào cuộc sống, các ngân hàng đã triển khai chính sách này ra sao, có những khó khăn vướng mắc gì cần sớm được tháo gỡ để chính sách này phát huy hiệu quả như kỳ vọng?

Các ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí, quản lý cán bộ để có nguồn hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh chụp trước ngày 1/4/2020

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Cần phương án “hậu dịch” để đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

 

Mong muốn của DN là các gói hỗ trợ của ngân hàng được triển khai nhanh chóng, đúng lúc DN gặp khó khăn. Về phía Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị NHNN xem xét, kịp thời điều chỉnh, hoặc có những văn bản hướng dẫn thêm để các TCTD triển khai thực hiện Thông tư 01 được thuận lợi hơn, hỗ trợ DN tốt hơn.

Về phía các TCTD, cần chỉ đạo sát sao hơn nữa cán bộ tín dụng, cán bộ theo dõi DN nắm sát tình hình DN, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ. Khi nắm rõ thực chất hoạt động DN, TCTD có thể báo cáo với các cấp có thẩm quyền, thông tin cho dư luận các trường hợp không cho vay được vì lý do gì, tránh để dư luận hiểu sai về ngân hàng. Các TCTD cũng cần giải thích cho DN hiểu ngân hàng không phải là nguồn hỗ trợ duy nhất cho DN trong lúc khó khăn này, đặc biệt nội lực của bản thân DN mới là yếu tố quyết định.

Bên cạnh đó, các TCTD cần đặc biệt quan tâm tới giai đoạn “hậu dịch”. Giai đoạn này môi trường hoạt động thay đổi, điều kiện kinh doanh thay đổi, từ đó các TCTD cũng phải thích ứng vì cơ cấu thị trường, phương thức sản xuất của DN, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị… thay đổi sẽ tác động tới sự thay đổi luân chuyển của dòng tiền. Đặc biệt, các TCTD cần đề phòng nợ xấu dềnh lên và có phương án khống chế, dự phòng để đảm bảo an toàn, ổn định cho hệ thống.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Xem xét nới thời hạn cơ cấu lại nợ

Việc triển khai chủ trương, chính sách của Chính phủ cũng như NHNN ở mỗi TCTD cách thức có khác nhau, nhưng cảm nhận chung là

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

 

tinh thần rất quyết liệt của các TCTD. Với Vietcombank, bên cạnh việc cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng đã giảm đồng loạt lãi suất trên hệ thống cho đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những giải pháp đã triển khai để hỗ trợ các DN, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hoá phục vụ khách hàng nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng được, bởi sẽ để lại những hệ lụy về sau này.

Vietcombank cũng cho rằng đối với quy định cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng nên kéo dài thời gian hơn, bởi chúng ta cũng chưa xác định được khi nào thì Thủ tướng sẽ công bố hết dịch. Một điểm nữa là trên thực tế có những khách hàng có hai món nợ ở các TCTD khác nhau, nếu hết thời gian được cơ cấu lại nợ mà DN không trả được một trong hai món nợ thì có được cơ cấu lần tiếp không? Do đó tôi cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank: Cho phép áp dụng quy trình rút gọn

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank

VPBank đã tham gia tích cực cấu trúc nợ cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN. Tính đến ngày 21/4 ngân hàng đã cấu trúc nợ, giãn nợ khoảng hơn 6.000 khách hàng, cho vay mới hơn 3.000 khách hàng với dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện số lượng hồ sơ đề nghị cấu trúc nợ đang nằm chờ và trong giai đoạn hoàn thiện khoảng trên 10.000 khách hàng. Do số lượng hồ sơ nhiều, các khoản giãn nợ từ vài chục tới vài trăm triệu đồng rất nhiều, trong khi nếu chiểu theo các quy định hiện nay tại Thông tư 01 việc hoàn thiện hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Để đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đề nghị cho phép áp dụng quy trình rút gọn, đặc biệt với các khoản vay nhỏ.

Do 70% các khoản cho vay trước đây của ngân hàng cho vay tín chấp nhỏ đều thực hiện online, nếu cấu trúc lại nợ theo mô hình truyền thống thì khó chạy kịp. Trong khi VPBank đã phát triển được hệ thống cho phép cấu trúc nợ online. Nếu NHNN cho phép thực hiện như vậy, ngân hàng có thể đẩy nhanh việc cơ cấu nợ đối với các khoản vay có giá trị thấp. Ngoài ra, VPBank đề nghị NHNN mở rộng áp dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu do hiện tại có một số khách hàng thuộc đối tượng trên là khách hàng tốt song hoạt động kinh doanh của họ bị đình trệ, nếu không hỗ trợ họ cũng rất khó khăn.

Ngoài ra, các TCTD mong muốn thêm hỗ trợ từ chính sách của NHNN để giảm chi phí vốn. Đến thời điểm hiện tại các TCTD đã phải tiết kiệm tối đa chi phí, giảm lương... để có nguồn lực hỗ trợ cho khách hàng. Như VPBank trong kế hoạch năm nay sẽ cắt khoảng 1.000 tỷ đồng chi phí, riêng quý I/2020 đã cắt giảm hơn 200 tỷ đồng chi phí góp phần hỗ trợ khách hàng. Nhưng chi phí không thể cắt mãi được, trong khi chi phí sẽ đội lên do nợ xấu tăng là điều chắc chắn. Từ cuối tháng 3, đặc biệt đầu tháng 4, tỷ lệ nợ chuyển nhóm tăng lên. Tôi cho rằng, bắt đầu từ quý II, III, ngành Ngân hàng sẽ là đối tượng tiếp theo chịu trận của ảnh hưởng này, nợ xấu tăng là điều chắc chắn.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank: Linh hoạt hơn trong trích lập dự phòng rủi ro

Ngay khi NHNN ban hành Thông tư 01, VietinBank đã ban hành ngay văn bản, tổ chức các cuộc họp trực tuyến trong toàn hệ thống để chỉ 

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank

 

đạo thực hiện việc này tới tất cả các chi nhánh, đơn vị trong hệ thống VietinBank. Tới thời điểm này ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ khoảng trên 700 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng.

VietinBank ghi nhận tất cả trường hợp phải miễn giảm lãi, phí trong toàn hệ thống được trừ ngay vào kế hoạch lợi nhuận mà VietinBank đã giao, không điều chỉnh trên sổ sách để các chi nhánh hoàn toàn yên tâm thực hiện.

Để triển khai Thông tư 01 hiệu quả hơn, VietinBank có một số đề xuất như xem xét việc trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản nợ mà cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, NHNN xem xét thời hạn tái cơ cấu các khoản nợ kéo dài đến khi WHO công bố hết dịch. Bởi trên thực tế nhiều DN Việt Nam tham gia chuỗi toàn cầu. Dù Việt Nam có kiểm soát được dịch tốt nhưng đầu ra thị trường quốc tế của DN đó vẫn chưa hết dịch nên cũng sẽ ảnh hưởng rất nặng nề. NHNN cũng xem xét giãn tiến độ giảm tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (LDR) xuống 85% để ngân hàng có dư địa sử dụng vốn cho vay.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB: Nghiên cứu điều chỉnh thời gian xét duyệt hồ sơ

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB

 

Trước khi NHNN ban hành Thông tư 01, VIB đã chủ động triển khai các giải pháp trong đó có chiến dịch giảm lãi suất đối với các khoản cho vay mới từ 0,5 – 1%/năm. Do theo sát từ khi còn là dự thảo nên khi NHNN ban hành Thông tư 01 trong vòng 2 ngày, VIB đã đưa ra văn bản hướng dẫn để triển khai trên toàn hệ thống. Đến thời điểm này, VIB đã cập nhật 3 phiên bản hướng dẫn để phù hợp hoàn cảnh thực tế, nhu cầu khách hàng, đồng thời kiểm soát tốt rủi ro phát sinh.

Bên cạnh tích cực triển khai Thông tư 01, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho khoản vay mới, trong đó VIB có chương trình giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm cho các khoản vay trung dài hạn của DN. Cho đến nay đã có 2.800 khách hàng với dư nợ 2.400 tỷ đồng được giảm lãi. Theo tính toán của chúng tôi, sẽ có khoảng 8.300 khách hàng với tổng dư nợ là 5.500 tỷ đồng được giảm lãi. Còn số khách hàng được ngân hàng cơ cấu nợ khoảng 700 khách hàng, tổng dư nợ là 600 tỷ đồng. Hiện, VIB đang nhận được rất nhiều các kiến nghị và sẽ tiếp tục xử lý cho 4.700 khách hàng với dư nợ 6.600 tỷ đồng trong 4 tuần tới đây.

Việc cơ cấu lại mất thời gian nhiều vì đòi hỏi quy định pháp luật cơ cấu lại phải đảm bảo đúng đối tượng khách hàng và phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Thời gian xét duyệt hồ sơ theo quy định tại Thông tư 01 chỉ kéo dài 10 ngày nên các ngân hàng khó thực hiện được. Do vậy, VIB kiến nghị NHNN xem xét lại thời gian xét duyệt hồ sơ.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank: Cần có quy định về cơ cấu nợ cho vay qua thẻ

Về thực hiện Thông tư 01, Sacombank cũng đã tính toán và giải quyết lượng hồ sơ cơ cấu cho khách hàng cũng như tổng dư nợ hiện nay 

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank

 

đến hết tháng 3/2020 khoảng 20 nghìn tỷ đồng, còn tới tháng 4/2020 lên tới 32 nghìn tỷ đồng. Số lượng hồ sơ cũng như cách thức Sacombank làm cũng rất quyết liệt. Hiện ngân hàng tập trung vào những khách hàng đến hạn thì sẽ giải quyết trước, tránh tình trạng nhảy quá hạn. Đặc biệt ngân hàng đang chạy đua thời gian giải quyết hồ sơ trong vòng 10 ngày. Dù cũng rất khó khăn, nhưng Sacombank vẫn đang nỗ lực đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng.

Với hoạt động cho vay, ngay đầu tháng 2/2020, Sacombank cho ra gói 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng và giảm lãi suất tới 2%/năm. Gói tín dụng này đã giải ngân được 6 nghìn tỷ đồng, chuẩn bị ra thêm gói 10 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho những DN khó khăn với mức lãi suất ưu đãi. Sacombank cũng đã ban hành một khung lãi suất giảm đến 1%/năm cho tất cả khách hàng và đưa ra một cơ chế rất rõ phân ra ba loại ảnh hưởng cao, trung bình và thấp. Ngoài ra ngân hàng đưa ra nhiều gói về phí, chuyển tiền cũng như giao dịch gần như về 0… Cùng với việc giảm lãi suất, phí, Sacombank dự kiến lợi nhuận giảm khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có một thực tế đang gây khó cho ngân hàng khi triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng, đó là ngân hàng đang rất loay hoay và gần như làm việc trên cơ sở đề nghị của khách hàng. Đặc biệt với khoản vay trung hạn phải cơ cấu, khách hàng đề nghị chuyển đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng. Trong khi có thể 12 tháng sau thì dịch bệnh hết, lúc đó chúng ta phải đánh giá lại làm sao cho phù hợp.

Đối với cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng, một khách hàng có thể mở thẻ tại nhiều ngân hàng. Nếu khoản vay qua thẻ ở một ngân hàng mà nhảy quá hạn thì cho dù khách hàng được cơ cấu nợ ở một ngân hàng cũng có thể sẽ bị chuyển nhóm nợ ở ngân hàng khác. Trong một tháng, số nợ cần cơ cấu từ thẻ tín dụng của Sacombank có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng, khiến ngân hàng phải gọi lòng vòng cho các ngân hàng khác để cùng phối hợp xử lý. Nhưng, tại Thông tư 01 chưa đề cập tới cho vay qua thẻ tín dụng, khiến các TCTD đang gặp khó khi triển khai hỗ trợ khách hàng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank: Thúc đẩy triển khai eKYC

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank

 

TPBank đã đưa ra một chương trình cho vay mới, dự kiến 12.000 tỷ đồng và đã giải ngân được khoảng 4.500 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đang xem xét để điều chỉnh thì gói này lên đến 19.000 tỷ đồng. Với riêng đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là DNNVV, TPBank có gói hỗ trợ 58.000 tỷ đồng với lãi suất giảm từ 5-7% so với trước đây. TPBank cũng có gói 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng lớn. Với khách hàng cũ, TPBank cũng giảm lãi suất cho vay khiến ngân hàng giảm thu gần 100 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, do khối lượng hồ sơ phải xử lý trong việc cơ cấu lại nợ này rất lớn, đặc biệt những ngân hàng có dư nợ bán lẻ và khách hàng cá nhân nhiều. Trong khi đó, miễn giảm lãi thì ngân hàng có thể chủ động giảm trên hệ thống, bởi không ảnh hưởng gì tới các quy định. Nhưng nếu cơ cấu lại nợ bắt buộc phải theo các quy định hiện hành, thủ tục đầy đủ. Nếu như NHNN cho phép ngân hàng sử dụng thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn, đồng thời được sử dụng các chứng từ điện tử, các kênh online hay các đề nghị của khách hàng thông qua email, thông qua các dữ liệu điện tử khác cho thủ tục đó cũng sẽ giúp cho ngân hàng thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ DN.

Tôi cũng cho rằng việc đẩy mạnh eKYC ngày càng trở nên cấp thiết hơn, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Trong giai đoạn vừa qua, nếu như ngân hàng nào chưa sẵn sàng nền tảng để triển khai eKYC và hoạt động trên kênh online thì mức độ ảnh hưởng càng lớn. TPBank là ngân hàng ứng dụng công nghệ khá nhiều, trên kênh ngân hàng tự động chúng tôi hiện có khoảng hơn 200 trạm LiveBank, và thực tế là thời gian vừa rồi vẫn duy trì được hoạt động bình thường cho khách hàng trên các kênh này. Để sớm thúc đẩy triển khai eKYC trong ngân hàng theo tôi rất cần sự hỗ trợ và phối hợp nhanh chóng, hiệu quả từ phía các bộ, ngành liên quan trong cung cấp và chia sẻ thông tin về dữ liệu dân cư.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH: Tăng cường giám sát việc triển khai

Mặc dù NHCSXH chưa được giao tăng trưởng tín dụng, nhưng trên cơ sở nhận vốn cấp, vốn ủy thác của các địa phương, chúng tôi đã chủ 

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH

 

động từ đầu năm triển khai giải ngân vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Kết thúc quý I/2020, NHCSXH cho vay được 516.668 hộ, doanh số 18.825 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/3 là 211.052 tỷ đồng với 6.516.442 hộ đang vay vốn, tỷ lệ tăng trưởng quý I/2020 là 1,9%...

NHCSXH cũng đã thực hiện gia hạn, giãn nợ cho 102.903 hộ với số tiền 2.815 tỷ đồng; đồng thời đã xây dựng phương án miễn, giảm lãi suất cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, lấy ý kiến của các thành viên HĐQT và sẽ trình Thủ tướng xem xét miễn, giảm lãi.

NHCSXH được giao nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ là thực hiện cho vay với người sử dụng lao động khó khăn về tài chính để trả lương tối thiểu vùng cho người lao động bị dừng việc. Khó khăn nhất ở đây là nhận diện đối tượng chính xác để ngân hàng thực hiện giải ngân, làm rõ trách nhiệm của NHCSXH là ngân hàng của Chính phủ, cho vay theo chỉ định. Chúng tôi dự kiến sẽ làm việc với 4 tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường vai trò giám sát trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng đã làm việc với cổng dịch vụ công của Chính phủ để thực hiện việc tiếp nhận xử lý hồ sơ qua cổng này.

Ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc Công ty tài chính FE Credit: Bỏ thời gian thử thách với khách hàng tài chính tiêu dùng

Ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc Công ty tài chính FE Credit

 

Ngay sau khi Thông tư 01 của NHNN có hiệu lực, FE Credit đã xây dựng kế hoạch và cơ cấu lại nợ cho một nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. FE Credit cũng nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ khách hàng. Để tiếp tục triển khai hiệu quả những giải pháp tháo gỡ, khó khăn cho khách hàng, tôi cũng cho rằng nên xem xét kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

FE Credit cũng kiến nghị điều chỉnh một số chính sách liên quan. Chẳng hạn như thời gian thử thách hiện nay áp dụng là 3 tháng với khoản vay trung dài hạn; 1 tháng với khoản vay ngắn hạn. Trong khi đó khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng thường là những khách hàng nhỏ lẻ, người lao động, thu nhập của họ bị ảnh hưởng do dịch bệnh, có thể nhận lương chậm khoảng 2-3 tuần. Vì vậy để khuyến khích và giúp khách hàng có thiện chí thanh toán nợ, chúng tôi kiến nghị loại bỏ thời gian thử thách này với nhóm khách hàng tài chính tiêu dùng. Điều này cũng giúp cho việc vận hành của công ty tài chính tốt hơn khi phục vụ khách hàng.

Ngoài ra trong quá trình thực hiện tái cấu trúc nợ cho khách hàng, TCTD phải có đầy đủ thông tin thu nhập của khách hàng. Tuy nhiên hiện nay có cản trở là chúng tôi không thể thu thập đủ tất cả thông tin về thu nhập khách hàng, nên mong muốn NHNN có thể hỗ trợ xây dựng cơ chế, trong đó có cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giữa các TCTD trong kiểm tra nguồn thu nhập của khách hàng, tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, từ đó chúng tôi có đủ cơ sở về việc sụt giảm thu nhập của khách hàng để giúp cho việc tái cấu trúc nợ được thực hiện tốt hơn.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO