Ngành Ngân hàng quyết liệt trong hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng thiên tai tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

P.V| 04/12/2020 16:31
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 4/12/2020 tại Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị: “Giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên“. Hội nghị do Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú và ông Nguyễn Hồng Quang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì.

Ngân hàng khoanh, miễn giảm nợ sau bão, lũ

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với các địa phương trong thực hiện việc khoanh, giãn, hoãn nợ, đây là việc làm rất ý nghĩa của hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân trên địa bàn.

“NHNN tổ chức Hội nghị này rất kịp thời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đây NHNN lắng nghe tiếng nói trên cơ sở, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, có những giải pháp để báo cáo với chính phủ“, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Theo thống kê sơ bộ của chi nhánh các TCTD tại miền Trung và Tây Nguyên, đến ngày 30/11/2020, tổng dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ khoảng 34 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng dư nợ trên địa bàn, đối với 79.610 khách hàng.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, ngành Ngân hàng đã và đang quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về tín dụng, lãi suất ngân hàng.

Theo đó, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực và vào cuộc tích cực để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. Cụ thể, NHNN đã ban hành các Công văn 7751/NHNN-TD ngày 23/10/2020 và 8247/NHNN-TD ngày 12/11/2020 chỉ đạo các TCTD khẩn trương áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt áp lực về tài chính, tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất sau bão lũ;

Ngành Ngân hàng cũng đã hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo kịp thời các TCTD tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, thực hiện công tác an sinh xã hội đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn về con người và tài sản, kho quỹ trong quá trình mưa lũ, thường xuyên cập nhật các thông tin để có giải pháp xử lý kịp thời.

Tại Hội nghị, lãnh đạo NHNN chi nhánh Quảng Nam, Quảng Bình, Kon Tum, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... là những tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng đã báo cáo về công tác hỗ trợ khắc phục thiệt hại trên địa bàn. Đại diện các TCTD thảo luận về giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão lũ...

Công tác hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại đã được các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tích cực triển khai. Đến ngày 30/11/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ 262 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay cho dư nợ 31.958 tỷ đồng, cho vay mới 8.375 tỷ đồng; Riêng NHCSXH đang thực hiện thủ tục khoanh nợ 86 tỷ đồng, xóa nợ 470 triệu đồng.

Tập trung quyết liệt hỗ trợ vốn và nguồn lực

Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết: Chính sách của NHNN trong thời gian tới sẽ tập trung quyết liệt trong vấn đề hỗ trợ vốn, hỗ trợ điều kiện về nguồn lực để tập trung, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất bằng việc khoanh lại, hoãn, giãn những khoản nợ cũ mà bà con chưa có điều kiện trả nợ được, cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi, lãi suất thấp để tạo điều kiện cho bà con có thể khôi phục lại khu vực sản xuất, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản đã bị thiệt hại do bão lũ.

Toàn cảnh hội nghị

Bên cạnh đó, tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để bà con có nguồn và tiền để xây dựng lại nhà cửa, đổ vỡ, hỏng do bão lũ vừa qua. Cho vay tiêu dùng để mua sắm những trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình... Đây là những biện pháp tích cực để ngăn chặn tín dụng đen, lợi dụng những lúc khó khăn của bà con để tiếp cận với bà con.

“NHNN mong muốn các TCTD chia sẻ những khó khăn cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những hộ kinh doanh thủy hải sản, đánh bắt cá... và người dân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn bằng cách giảm lãi suất một cách tích cực, cùng đồng hành và tư vấn cho doanh nghiệp và bà con để sớm ổn định lại cuộc sống, khôi phục sản xuất trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ.

Dù trong thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội (ASXH) nhưng Phó Thống đốc cho biết, NHNN cũng tiếp tục kêu gọi các NHTM trách nhiệm và tích cực hơn trong đóng góp ASXH không chỉ bằng nguồn kinh phí được phép mà kể cả nguồn tiền lương, tiền thưởng của cán bộ để dành ủng hộ cho bà con nhất là với những vùng bị thiệt hại lớn về người và tài sản trong thời gian vừa qua.

Để hoạt động tín dụng ngân hàng ngày càng hỗ trợ tốt hơn việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng và để thực hiện hiệu quả, thiết thực công tác hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp của các Bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng miền Trung và Tây Nguyên trong việc: xác định, xác nhận thiệt hại của đợt bão lũ trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định; hỗ trợ TCTD trên địa bàn trong công tác huy động vốn và phối hợp triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực thế mạnh của vùng; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đẩy mạnh việc ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh; đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn, cân đối nguồn hỗ trợ ngân sách cho các địa phương miền Trung và Tây Nguyên để thực hiện khoanh nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP và Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi chính sách cho vay xây nhà phòng tránh bão, lũ....

Với quyết tâm triển khai đồng bộ những giải pháp về tiền tệ, tín dụng của ngành Ngân hàng, cùng với sự phối hợp của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố vùng miền Trung và Tây Nguyên trong việc hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng quyết liệt trong hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng thiên tai tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO