Ngành Ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

H.G| 20/02/2021 09:11
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để tiếp tục ứng phó với tác động của dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế, xã hội, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cho vay các dự án có khả năng phục hồi sau dịch; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất.

Trong văn bản gửi tới Kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV các cử tri tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn, làm tăng nợ xấu trên địa bàn tỉnh.

Do đó, đề góp phần giúp đỡ doanh nghiệp và người dân tỉnh Gia Lai vượt qua khó khăn, các cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay".

Trước các kiến nghị trên, trong văn bản trả lời vừa gửi tới các cử tri Gia Lai, NHNN cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch tới khách hàng vay vốn, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất và thanh toán.

 Hình minh họa - Nguồn: Internet

Về tín dụng

Ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020, tạo hành lang pháp lý cho phép cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm trước dịch và được tiếp tục được vay vốn để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

NHNN cũng Ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tính đến ngày 23/11/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 271.366 khách hàng với dư nợ 350.372 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 570.020 khách hàng với dư nợ 944.811 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 2.091.326 tỷ đồng cho 370.073 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) (không thuộc đối tượng triển khai theo Thông tư 01) đã thực hiện gia hạn nợ cho 167.059 khách hàng với dư nợ 4.170 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.891.895 khách hàng với số tiền 68.656 tỷ đồng.

Riêng tại tỉnh Gia Lai, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ 1.143 tỷ đồng cho 540 khách hàng, miễn giảm lãi cho dư nợ 3.581 tỷ đồng với 8.383 khách hàng, (số tiền lãi được miễn giảm là 12,6 tỷ đồng), cho vay mới 5.702 tỷ đồng cho 2.016 khách hàng.

NHNN cũng thực hiện cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, số tiền khoảng 16.000 tỷ đồng cho NHCSXH để cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động ngừng việc theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 1/12/2020, NHCSXH đã thực hiện giải ngân với tổng dư nợ là 15,066 tỷ đồng cho 95 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 4.247 người.

Về lãi suất

Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế, trong năm 2020, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn vay, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, NHNN cũng điều chỉnh giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn của TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên, với tổng mức giảm 1,5%/năm; chỉ đạo TCTD cân đối nguồn vốn, tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Kết quả là mặt bằng lãi suất cho vay thị trường trong năm 2020 giảm nhanh (từ 0,5-2,5% so với trước khi có dịch); trong đó lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm, từ đó giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ hiện đại để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội

Để duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân trong giai đoạn có dịch COVID-19, toàn ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (áp dụng từ ngày 1/4-31/12/2020). Ước tính nếu số lượng giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng như năm 2019 thì đến hết năm 2020, tổng số phí thanh toán mà NHNN giảm sẽ khoảng 285 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo: (i) Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), các tổ chức tín dụng thực hiện giảm, miễn phí giao dịch thanh toán cho khách hàng (2 lần); (ii) Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), các tổ chức tín dụng thực hiện giảm, miễn phí chuyển mạch; (iii) Chỉ đạo các TCTD khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng.

NHNN cũng trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và hoàn tất thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) về Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và đang xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về vấn đề này; Ban hành hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp cho khách hàng cá nhân thông qua phương thức điện tử.

Như vậy, các giải pháp NHNN và ngành Ngân hàng triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đã đạt được kết quả cụ thể, tích cực, giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Để tiếp tục ứng phó với tác động của dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế, xã hội, NHNN cho biết: "Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cho vay các dự án có khả năng phục hồi sau dịch; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tính dụng, lãi suất; góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO