Ngành thép: Tăng trưởng lợi nhuận có giảm tốc?

Bùi Trang| 24/07/2021 10:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Báo cáo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Công ty chứng khoán Bản Việt BVSC cho rằng đà tăng giá thép có thể chững lại trong 6 tháng cuổi năm 2021, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh nửa cuối năm của nhóm doanh nghiệp thép.

Xuất khẩu đang dẫn dắt doanh số thép của Việt Nam phục hồi trong năm 2021. Kích thích tài khóa trên toàn cầu nhằm đối mặt với các tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 là động lực chính giúp nhu cầu các sản phẩm thép tăng mạnh trên toàn cầu. Doanh số xuất khẩu thép xây dựng của Việt Nam tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước tính theo sản lượng trong 5 tháng đầu năm 2021 trong khi doanh số trong nước tăng 12% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tổng doanh số xuất khẩu tôn mạ và ống thép tăng 118% so với cùng kỳ, trong khi doanh số trong nước chỉ tăng 9% so với cùng kỳ.

Chi tiêu của Chính phủ sẽ hỗ trợ hoạt động xây dựng trong nước từng bước phục hồi. Tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đến kinh tế thúc đẩy Chính phủ Việt Nam tăng cường giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng. Hoạt động xây dựng - đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng - gia tăng từ cuối năm 2020, chúng tôi dự kiến hiệu quả của các biện pháp kích thích này sẽ được thể hiện nhiều hơn trong năm 2021. Báo cáo dự báo tăng trưởng sản lượng vật liệu xây dựng sẽ phục hồi để đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 10% cùng kỳ năm ngoái trong năm 2021.

Trong nước, HPG và Formosa gia tăng công suất HRC (thép tấm cuộn cán nóng). HPG củng cố vị thế dẫn đầu thông qua việc giành 6% thị phần thép xây dựng vào năm 2020. Động lực này kéo dài đến năm 2021 và được thúc đẩy bởi việc HPG đưa vào công suất mới từ dự án Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất 1. Trong tương lai, dự án mở rộng sắp tới của HPG - Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất 2 - sẽ chủ yếu tập trung vào thép cuộn cán nóng. Ngoài HPG, Formosa Hà Tĩnh là công ty duy nhất tại ở Việt Nam có khả năng sản xuất HRC. Nhu cầu HRC trong nước ước tính đạt khoảng 12 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, đà tăng của giá thép trong 6 tháng đầu năm 2021 có thể hạ nhiệt và duy trì ổn định ở mức hiện tại, dẫn đến biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021. Bên cạnh lợi nhuận tuyệt đối từ giá bán thép cao hơn, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép niêm yết tại Việt Nam như HPG, HSG và NKG cũng có thể gia tăng nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng của cả nguyên liệu đầu vào (quặng sắt và thép cuộn cán nóng) và giá thép thành phẩm thông qua tích lũy nguyên liệu đầu vào với giá thấp hơn.

Trong xu hướng tăng của giá hàng hóa, miễn là cả hàng hóa thượng nguồn (quặng sắt đối với HPG và thép cuộn cán nóng đối với HSG và NKG) và hàng hóa hạ nguồn (thép thành phẩm) duy trì đà tăng, lợi nhuận của các nhà sản xuất thép sẽ có xu hướng gia tăng. VCSC cho rằng nếu đà tăng của giá thép sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2021, HPG, HSG và NKG sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp cao hơn so với quý trước trong quý 2/2021 sau đó điều chỉnh trong quý 3 đến quý 4/2021.

Giá cổ phiếu phần lớn đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận cao của các công ty thép. Kết quả kinh doanh khả quan trong nửa cuối năm 2020 và quý I/2021 trong bối cảnh giá thép tăng cùng với kỳ vọng cao của thị trường đối với đà tăng của giá thép là những động lực chính thúc đẩy giá cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2021 của các công ty thép. Nếu giá thép và biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép sẽ điều chỉnh vào cuối năm 2021, giá cổ phiếu của các công ty thép sẽ chịu áp lực chốt lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành thép: Tăng trưởng lợi nhuận có giảm tốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO