Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần tạo nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế

L.C| 30/07/2022 15:41
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 28/7/2022 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu kết luận phiên họp

Tham dự buổi họp gồm có: Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà; Quyền Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng; Chánh Văn Phòng NHNN; Vụ Trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối; Vụ Trưởng Vụ Truyền thông; Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Giám đốc Sở Giao dịch; Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ; các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh vàng…

Công ty SJC không hưởng lợi

Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết, từ năm 2012 thương hiệu SJC được Chính phủ và NHNN lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của NHNN. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 VND cho một lượng.

Vấn đề chênh lệch giá vàng thì công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Công ty hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của NHNN. Trong 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ đồng - gần 400 tỷ đồng/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ đồng lãi ròng. Như vậy Công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của thành phố, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao để có quỹ lương cho người lao động.

Về giá vàng trên thị trường, SJC không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.

Thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện. Tất cả những khuyến mại, hậu mãi của miếng vàng miếng SJC đều thực hiện đúng quy định.

Bà Lê Thúy Hằng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Theo bà Lê Thúy Hằng, vàng miếng SJC vẫn thể hiện được chất lượng, uy tín của mình và được khách hàng lựa chọn. Nếu thời gian tới cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng thì cũng là một điều tốt. Công ty nào uy tín, chất lượng thì được thị trường và người dân lựa chọn.

Đánh giá về Nghị định 24, Công ty SJC cho rằng hiện nay vẫn có hiệu lực, có tác dụng làm cho thị trường ổn định và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong 10 năm qua, SJC cũng đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong việc hậu mãi vàng và bảo vệ uy tín của thương hiệu quốc gia. Cùng với đó, Nghị định 24 ban hành cũng làm cho các hoạt động về nữ trang đi vào tính ổn định, không còn chuyện làm, kinh doanh những nữ trang thấp tuổi. Nghị định 24 đã giúp ổn định thị trường vàng của Việt Nam.

Bà Lê Thúy Hằng cam kết, Công ty SJC luôn tuân thủ hoạt động của mình trong việc quản lý của Chính phủ, Nhà nước và mong muốn có sự cạnh tranh công bằng.

Nghị định 24 chưa hết vai trò lịch sử

Ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, liên quan tới quy định về hoạt động kinh doanh có điều kiện, tổng thể Luật Đầu tư và Nghị định 24 đều có thể thống nhất. Hoạt động kinh doanh vàng là tên ngành nghề nằm trong Luật Đầu tư, còn cụ thể ngành nghề gì thì có nhiều mảng, từ câu chuyện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, vàng miếng, độc quyền của Nhà nước...

Ông Tạ Quang Đôn cho biết thêm, với sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ thì cần có đủ điều kiện, thực hiện kinh doanh, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ thì cần tuân thủ Nghị định 24, các giấy phép, sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu Luật cũng đã quy định là lĩnh vực độc quyền nhà nước. Không chỉ đặt vấn đề về Nghị định 24 mà còn phải mở rộng ra Luật Đầu tư. Luật Đầu tư nêu rõ ngành nghề kinh doanh có điều kiện như vậy, cũng nên đặt vấn đề chỉnh sửa Nghị định 24 về mặt kỹ thuật, chứ không chỉnh sửa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Muốn sửa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải liên quan đến Luật, quy trình làm Luật lại không do NHNN quyết.

Tóm tắt về tình hình hoạt động của thị trường vàng, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Công ty Doji, đại diện cho TPBank cho rằng Nghị định 24 sau 10 năm triển khai thực hiện, đến thời điểm này có thể đánh giá là sự thành công rất lớn.

Trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Quyết định của NHNN về sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nếu NHNN không thực hiện Nghị định 24 đối với vàng miếng như trên thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, thị trường vàng không chỉ tác động đối với người dân mà còn gây phản ứng dây chuyền cho nền kinh tế.

Ông Đỗ Minh Phú cho rằng, Nghị định 24 đến giờ vẫn chưa hết vai trò lịch sử. Tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng; mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức. Sau khi Nghị định 24 ra đời, NHNN và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ban hành các Thông tư yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng, nhờ đó không có tình trạng vàng thấp tuổi, ăn gian tuổi... Đây cũng là một thành công rất lớn của Nghị định 24.

Về vàng miếng SJC, đứng về phương diện kinh doanh, không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại. Các doanh nghiệp, các ngân hàng đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra trên thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được.

Ông Đỗ Minh Phú cho rằng, trong 10 năm, Nghị định 24 phát huy hiệu quả vô cùng tốt, đến giờ thị trường vàng thật sự trật tự nên mong muốn NHNN xem xét thật kĩ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24.

Quang cảnh cuộc họp

Nghị định 24 phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia

Phát biểu tại buổi họp, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ Trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thấu hiểu những khó khăn của các đơn vị trong nhập khẩu vàng nguyên liệu để kinh doanh vàng trang sức và tái xuất vàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và định hướng phát triển lâu dài về thương hiệu vàng và ngành kinh doanh vàng của Việt Nam.

Ông Phạm Chí Quang cho rằng, một trong những quy định rất quan trọng của ngành Ngân hàng là Luật NHNN. Theo quy định của Luật NHNN, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững giá trị của đồng tiền Việt Nam. Vì vậy Nghị định 24 đã nhằm chính xác định hướng của Luật NHNN. Cụ thể, từ 10 năm trước đây (khi chưa có Nghị định 24), tất cả các giá trị thanh toán lớn trong nền kinh tế hầu hết không được niêm yết giá, không được định giá bằng VND mà được định giá bằng vàng, được giao dịch bằng vàng. Điều này có nghĩa là Luật NHNN không được thực thi, đồng tiền Việt Nam không được tôn trọng.

Với sự ra đời của Nghị định 24 đã tháo gỡ được tình trạng trên. Đến nay, các giao dịch trong nền kinh tế (kể cả giao dịch giá trị lớn) đều được thực hiện bằng Đồng Việt Nam, không còn được thực hiện bằng vàng, nền kinh tế không bị vàng hóa, không bị đô la hóa. Đây là thành tựu quan trọng nhất mà NHNN đã triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định 24 và cần được duy trì, bảo vệ thành quả đã đạt được.

Trước đây, việc găm giữ vàng, USD trong nền kinh tế là rất lớn, hầu hết các hộ gia đình đều có vàng trong danh mục tài sản. Với việc triển khai thực hiện theo Nghị định 24, một lượng lớn vàng vật chất đã được chuyển hóa thành nguồn lực để đầu tư vào nền kinh tế.

Có thể thấy rằng Nghị định 24 phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị Đồng Việt Nam thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VND và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông cho biết, Vụ truyền thông đã tổng hợp dư luận về chính sách với vàng trên nguyên tắc khách quan từ nhiều nguồn khác nhau như báo chí, các buổi làm việc với các chuyên gia… Có ý kiến đặt câu hỏi vì sao lại có hiện tượng chênh lệch giá vàng với SJC và vàng quốc tế từ 15-20 triệu đồng/1 lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng…Chính sách vàng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay để kéo giá vàng SJC về gần giá vàng thế giới?.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến lại cho rằng kết quả đạt được trong công tác quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 hiện nay đang phát huy tác dụng, đặc biệt là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, chống vàng hóa, và làm cho người dân “ chán vàng” và thay đổi thói quen dùng vàng làm phương tiện thanh toán và đo giá trị với tài sản khác, loại vàng ra khỏi phương tiện thanh toán. Đây là nỗ lực rất lớn của chính sách vàng và thực hiện theo thông lệ quốc tế chuyển hóa vàng thành nguồn lực phát triển kinh tế.

Bà Lê Thị Thúy Sen nhấn mạnh, nhiều ý kiến đưa ra việc xem xét điều chỉnh được chính sách quản lý thị trường vàng thì cần cân nhắc những lợi ích mang lại như: Lợi ích đối với nền kinh tế, lợi ích của người dân, lợi ích đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng. Khi xác định được những vấn đề này một cách rõ ràng thì mới xem xét tới việc có điều chỉnh chính sách hay không.

Về chênh lệch giá vàng, nhiều ý kiến cho rằng chênh cao là so với giá SJC còn so với vàng vật chất 9999 thì chỉ chênh 2 triệu đồng/1 lượng. Do vậy khẳng định giá vàng chênh quá cao so với thế giới là thông tin chưa toàn diện. Và người dân có thể thay vì mua vàng thương hiệu SJC thì có thể mua vàng thương hiệu khác. Tuy nhiên thói quen nhiều người vẫn mua SJC vì thực tế mua cao thì lại bán cao. Và dư luận cũng phản ánh trong thời gian gần đây giá vàng SJC đã giảm khoảng 5-7 triệu đồng/ 1 lượng. Và hiện nay mặc dù diễn biến giá vàng trên thế giới phức tạp nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước kia. Thực tế, vàng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô thời kỳ trước đây.

Các chuyên gia nói rằng điều chỉnh Nghị định 24 phải làm rõ và trả lời được các câu hỏi, trong đó có cả luật sư và các nhà kinh tế như làm rõ lợi ích đối với nền kinh tế; đối với người dân, doanh nghiệp là gì? Và đặc biệt phải lưu tâm tới sự tác động chính sách, nhất là mục tiêu quản lý chính sách vàng và vĩ mô.

"Dưới góc độ truyền thông, chúng ta nên tổ chức các hội thảo về chính sách đối với vàng với sự tham gia của các đối tượng chịu sự điều chỉnh chính sách, các chuyên gia kinh tế, pháp luật trong và ngoài nước… để có sự tổng hợp, phân tích, đánh giá thấu đáo kể cả về mặt khoa học, tác động chính sách, mục tiêu quản lý để tạo được sự đồng thuận về dư luận", bà Sen nêu đề xuất.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, qua các thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan, ý kiến của các đơn vị kinh doanh vàng, TCTD tham gia kinh doanh vàng, ý kiến của Hiệp hội kinh doanh vàng tựu chung vào 4 vấn đề chính.

Thứ nhất, liên quan Nghị định 24, các ý kiến cho rằng Nghị định ra đời đúng lúc, kịp thời, đã phát huy tác dụng, cụ thể là ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, tỷ giá, tuy nhiên các ý kiến cũng đề xuất việc cần xem xét, đánh giá tổng kết hiệu quả Nghị định 24 thời gian qua và có thể xem xét, nghiên cứu đề xuất sửa đổi phù hợp trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, liên quan chênh lệch giá vàng, các ý kiến khẳng định đây không phải mong muốn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; chênh lệch càng lớn hay giá trong nước càng cao càng rủi ro càng cao cho chính các đơn vị kinh doanh; cũng không có lợi ích nào của các doanh nghiệp trong câu chuyện chênh lệch giá vàng, đặc biệt khi giá vàng trong nước chênh lệch khá cao so với giá vàng thế giới. Cũng không có ai thao túng được thị trường vàng trong nước.

Thứ ba, các doanh nghiệp đề cập đến việc khan hiếm vàng miếng lẫn vàng nguyên liệu là do cung thiếu, nguyên nhân do chuyển hóa, do xuất khẩu, hoặc cầu lớn hơn cung, mất cân đối cung cầu;

Thứ tư, liên quan đến độc quyền, các ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc độc quyền của NHNN trong kinh doanh vàng miếng, nhưng có cho tự do cạnh tranh hay không thì các ý kiến cũng còn do dự. Do đó, đây cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo để đánh giá mặt được, không được trong nội dung độc quyền thuộc Nghị định 24.

Sửa đổi Nghị định 24 phải trên cơ sở có sự đánh giá kỹ lưỡng

Phát biểu kết luận buổi họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao các ý kiến phân tích, đánh giá về quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã đi thẳng vào vấn đề và làm rõ một số nội dung sau:

Thứ nhất, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Sự chênh lệch là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế. Từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.

Thứ hai, đối với câu hỏi chênh lệch giá SJC và ngoài SJC vào túi ai? Có thể khẳng định là không có vào doanh nghiệp nào vì doanh nghiệp chỉ ăn chênh lệch mua vào bán ra. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn. Ngoài ra, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu đồng như vậy. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông.

Vấn đề cốt lõi về Nghị định 24, các ý kiến đều đánh giá Nghị định 24 rất thành công, đem lại sự ổn định thị trường vàng, và góp phần hỗ trợ NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, chúng ta không phải lo ngại về sự biến động thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của Nghị định 24 là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trước đây chúng ta cho các TCTD huy động, bán vàng huy động, cho vay nên rất rủi ro. Nghị định 24 đã loại bỏ vấn đề này.

Ngoài ra, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng. Điều đó là tốt cho người dân, chất lượng được đảm bảo hơn, có khuôn khổ để kiểm soát chất lượng. Qua các ý kiến có một số nội dung của Nghị định 24 cần cân nhắc. Theo một số đơn vị kinh doanh vàng, đối với vàng trang sức mỹ nghệ cũng là hàng hóa, có tiềm năng phát triển, đem lại nguồn thu cho đất nước, nhưng vấn đề khó khăn là vàng nguyên liệu. Nghị định 24 đã có khuôn khổ pháp lý cho nhập vàng nguyên liệu, nhưng vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, NHNN quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng. Việc này NHNN sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô để tham mưu đề xuất làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vừa hạn chế rủi ro.

Một vấn đề cần quan tâm đó là, nếu nhập khẩu vàng miếng để sản xuất vàng mỹ nghệ đem lại giá trị gia tăng lớn hơn vàng miếng. Vàng trang sức, mỹ nghệ càng tinh xảo thì giá trị càng cao. Nếu nhập vàng nguyên liệu về để phát triển vàng thị trường trang sức mỹ nghệ lành mạnh thì đóng góp cho kinh tế và tăng trưởng, giúp người dân có thể sử dụng vàng trang sức mỹ nghệ giá rẻ hơn. Nhưng tránh trường hợp nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất trang sức mỹ nghệ nhưng nếu sử dụng dưới hình thức vàng miếng thì nó sẽ tác động như thế nào đến kinh tế vĩ mô?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thực hiện Nghị định 24, NHNN phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng. Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng này.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần tạo nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO