(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã thực sự tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là việc triển khai ở các địa phương.
Qua Nghị quyết 28/NQ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp đã thấy rõ trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp thấy rõ trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đánh giá điểm tháo gỡ lớn nhất của Nghị quyết 128 với doanh nghiệp là giúp doanh nghiệp xác định trạng thái hoạt động rõ ràng hơn trong bối cảnh mới.
Trước đó, thời điểm cuối tháng 9, ông Trần Việt Anh cho biết đã phải đưa ra quyết định táo bạo là chuyển một phần đơn hàng xuất khẩu cho “đối thủ” để giữ cam kết với đối tác. Nhưng cũng thời điểm ấy, cái khó là các doanh nghiệp không biết kế hoạch phòng, chống dịch dài hạn của chính quyền như thế nào để xây dựng kế hoạch sản xuất của mình.
“Không dự báo được thời điểm nào khởi động sản xuất trở lại, như vậy mình khiến cho khách hàng nước ngoài cũng bị động theo, họ có thể chấm dứt làm ăn với mình và tìm nhà cung cấp khác. Bây giờ Nghị quyết 128 đã quy định rõ ràng hơn, có thể thấy các kịch bản dài hạn hơn”, ông Việt Anh nói.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho rằng việc phân loại cấp độ dịch (4 cấp) là điểm tích cực nhất của Nghị quyết 128. Các nhà mua hàng quốc tế nhìn vào đó có thể dự báo được các kịch bản ứng phó của Việt Nam với diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra. Thậm chí ngay cả trong tình huống nguy cơ cao, doanh nghiệp cũng biết rằng không phải dừng sản xuất toàn bộ.
Chủ động thích ứng an toàn
Với kinh nghiệm trong 4 tháng qua, từ việc chuẩn bị các điều kiện về y tế tại chỗ đến các kịch bản xử lý khi có F0, tâm thế của doanh nghiệp đã khác. Khác ở đây không phải là sự chủ quan mà là chủ động.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM dẫn trường hợp của Công ty Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 1-2) cho thấy sự sẵn sàng của các doanh nghiệp khi chuyển trạng thái “sống chung với COVID”.
Theo đó, tháng 7 vừa qua, khi phát hiện vài chục công nhân F0, hơn 30.000 công nhân của Công ty phải nghỉ việc và đóng cửa nhà máy. Đến đầu tháng 10, Công ty Freetrend hoạt động trở lại và qua sàng lọc 4.800 công nhân đợt đầu thì phát hiện 20 F0 để đưa đi điều trị. Trong khi đó nhà máy vẫn hoạt động và tiếp tục sàng lọc để tăng dần quy mô lao động. Như vậy có thể thấy doanh nghiệp không còn lúng túng ngay cả trong tình huống có F0 trong nhà máy.
Về phòng, chống dịch để sản xuất an toàn, theo ông Nguyễn Chánh Phương, đây là nhu cầu của các doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp phải chủ động phòng ngừa. “Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng chính mình phải giữ gìn môi trường sản xuất an toàn thì mới có thể duy trì hoạt động”. Rất nhiều doanh nghiệp thành viên của Hawa đã trang bị xe cứu thương, kết nối chặt chẽ hơn với y tế địa phương để phối hợp xử lý khi có tình huống phát sinh.
Tại Khu chế xuất Linh Trung 2, ông Nguyễn Văn Bé cho biết một cơ sở thu dung bệnh nhân COVID đang trong giai đoạn hoàn thiện, có khả năng điều trị tầng 1 với quy mô 250 giường. Khi cơ sở này đi vào vận hành sẽ có sự phối hợp của Bệnh viện TP. Thủ Đức về chuyên môn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại khu công nghệ cao cũng liên kết đầu tư xây dựng một cơ sở thu dung chăm sóc bệnh nhân COVID. Đây là một mô hình nhằm chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp khi có phát sinh dịch bệnh.
Đồng bộ chính sách, bảo đảm lưu thông thông suốt
Theo ông Nguyễn Văn Bé, khi đã xác định bước vào khôi phục sản xuất thì điều doanh nghiệp mong chờ nhất là cần giải quyết vấn đề thông suốt lưu thông hàng hóa. Do vậy sự ra đời của Nghị quyết 128 rất kịp thời, tạo cơ chế chung cho các địa phương, giúp doanh nghiệp nhanh chóng đi vào sản xuất, hoàn thành kế hoạch cuối năm.
Ông Bé cũng bày tỏ sự đồng tình khi Nghị quyết 128 đưa ra khái niệm “vùng” ở quy mô cấp xã, phường, thị trấn và cho rằng sự ách tắc trong thời gian qua là do các địa phương đang ban hành các quy định ở quy mô cấp tỉnh.
Còn ông Trần Việt Anh thì cho rằng Nghị quyết 128 đã hướng dẫn rất chi tiết, còn lại là việc thực thi ở các địa phương có khẩn trương hay không. Đồng thời, từng doanh nghiệp cũng phải hiểu rõ tinh thần của Nghị quyết, truyền thông cho người lao động để biết mình đang ở vùng nào và cần khắc phục những điểm nào để đạt chuẩn ở vùng cấp độ an toàn.
Ông Việt Anh kiến nghị Bộ Y tế ưu tiên triển khai hướng dẫn Nghị quyết 128 cho TPHCM và miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Đây là các khu vực liên thông chặt chẽ, cần có sự đồng bộ trong triển khai chính sách giữa các địa phương.
Còn ông Nguyễn Chánh Phương dự đoán vẫn sẽ có độ “vênh” từ Nghị quyết của Chính phủ đến việc triển khai ở các địa phương, phải cần một đến hai tuần để các địa phương thích ứng với văn bản mới này.
Ông Phương cho biết hiện có đến 40% người lao động của các nhà máy đi lại trong vùng giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh lân cận. Địa phương phải bỏ tư duy khoanh vùng theo ranh giới cả tỉnh. Nơi nào nguy cơ cao thì áp dụng biện pháp riêng cho nơi đó. Nghị quyết 128 đã xác định rõ khái niệm vùng là quy mô cấp xã, phường, thị trấn.
Đại diện một doanh nghiệp FDI trong khu công nghệ cao TPHCM cho rằng Nghị quyết 128 thể hiện rõ tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, thống nhất một quan điểm chỉ đạo. Tuy nhiên, vấn đề sắp tới đây các địa phương triển khai như thế nào. Doanh nghiệp này có hơn 100 nhân công lưu trú tại Đồng Nai và Bình Dương. Do các điều kiện kiểm soát dịch của hai địa phương này nên hiện nay doanh nghiệp vẫn phải duy trì “3 tại chỗ” với nhóm lao động trên.
Do vậy, khi giải quyết được vấn đề lưu thông liên vùng thì các trường hợp như doanh nghiệp trên sẽ khôi phục lực lượng lao động để tập trung cho các đơn hàng xuất khẩu giai đoạn cao điểm cuối năm.
Để tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu Nghị quyết, trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương vào sáng 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhấn mạnh, trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên.