Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay tỉ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng). Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội...
Tại hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Ngân hàng phát triển châu Á tổ chức ngày hôm nay, những vấn đề như vướng mắc trong triển khai các dự án PPP tại Việt Nam, quan điểm và kinh nghiệm quốc tế về đầu tư PPP đã được bàn thảo.
Phát triển PPP tại Việt Nam còn quá nhiều vướng mắc
Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay ở nước ta, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỉ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng). Như vậy vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cũng theo ông An, tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Canada, Pháp... và những quốc gia đang phát triển như Indonesia, Philippines, Brazil... việc huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư đã được áp dụng từ lâu và đóng góp đáng kể cho việc phát triển hạ tầng xã hội của mỗi quốc gia.
Liên hệ với thực tiễn Việt Nam, ông An nhận xét, trong những năm qua, việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước. Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư truyền thống bao gồm ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước thông qua cơ chế PPP đã góp phần thay đổi hình ảnh của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng.
Hàng nghìn tỷ đồng vốn từ nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án góp khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông An, việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng xã hội theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án mới. Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật Đối tác công tư vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác.
"Nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm “vốn mồi” để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó, cần phải có thêm những thay đổi từ cả phía Nhà nước và tư nhân để hoạt động đầu tư PPP trở nên hiệu quả hơn", ông An nói.
Sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế sẽ giúp nâng cao công nghệ
Nhận xét về vấn đề này, ông Donald Lambert, chuyên gia về kinh tế tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra nếu nhìn vào những con số thống kê liên quan đến tình trạng xử lý và giải quyết chi phí hạ tầng, xây dựng giao thông, đường cao tốc hay ách tắc tại nhà ga sân bay, có thể khẳng định hạ tầng ở Việt Nam chưa thực sự phù hợp với tốc độ phát triển GDP đến 6 hoặc 7% thuộc nhóm top đầu thế giới của Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng năm, tuy nhiên cần phải quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng để có thể duy trì được cả về số lượng và chất lượng tăng trưởng GDP.
Hiện tại, các số liệu thống kê cho thấy chi đầu tư phát triển chiếm từ 6 đến 7% GDP, Việt Nam chi cho đầu tư hạ tầng rất cao, tuy nhiên 90% sử dụng nguồn vốn của ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, nếu nhìn rộng hơn trong khu vực như Philippines hay Ấn Độ, ở cùng giai đoạn phát triển thì 50% đến từ vốn tư nhân.
"PPP chính là công cụ bền vững, tất nhiên đây không phải câu trả lời duy nhất, đây là câu trả lời hiệu quả cho việc thu hút vốn đầu tư hạ tầng vào Việt Nam, khi có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân và cần phải làm sao có sự hiệu quả trong hợp tác giữa hai bên”, ông Lambert nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế, sẽ có thể có thêm công nghệ hiện đại mà chưa từng được sử dụng, nhờ vậy Việt Nam tiệm cận hơn công nghệ của thế giới, đầu tư hạ tầng cũng sẽ hiệu quả hơn.