Chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân đã chi gần 1.000 tỷ đồng mua thỏa thuận VIC từ khối ngoại

Mai Hương 31/07/2024 - 21:26

Dữ liệu từ Fiintrade sau phiên giao dịch ngày 31/7 cho thấy, các nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên đã mua đối ứng lại cổ phiếu VIC từ khối ngoại.

vin_669a0abc28bf8.jpg

Nhà đầu tư nước ngoài trong phiên giao dịch 31/7 đã bán ròng 673 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, khối ngoại đã bán ròng đột biến cổ phiếu VIC với giá trị ròng 968 tỷ đồng, qua đó đưa giá trị rút ròng VIC từ đầu năm 2023 lên trên 3.000 tỷ đồng.

Nếu như loại đi trường hợp VIC do chủ yếu thực hiện qua giao dịch thỏa thuận, khối ngoại thực tế đã trở lại mua ròng trên thị trường khi nhiều cổ phiếu Bluechips nhận được tiền ngoại như VNM (+369 tỷ đồng), MWG (+100,57 tỷ đồng), FPT (+86 tỷ đồng), VPB (+50,37 tỷ đồng), HDB (+36,3 tỷ đồng).

Giao dịch thỏa thuận tại VIC không gây ra ảnh hưởng tới vận động giá cổ phiếu này khi chốt phiên vẫn tăng 0,24% lên 42.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn là nhà đầu tư cá nhân trong nước lại là bên đã mua đối ứng lại hết lệnh bán từ nhà đầu tư nước ngoài.

d72ab014-4472-4fce-85f2-c490ea48ec2d.jpg
Nhà đầu tư cá nhân đã chi gần 1.000 tỷ đồng mua thỏa thuận VIC từ khối ngoại

Cụ thể, theo thống kê của Fiintrade, cá nhân trong nước đã mua vào 981,6 tỷ đồng và bán ra 5 tỷ đồng, qua đó mua ròng 967,7 tỷ đồng.

screenshot-2024-07-31-185806.png
Nhà đầu tư cá nhân miệt mài cân lệnh của nước ngoài trong liên tiếp nhiều tháng. (Nguồn Fiintrade)

Nếu nhìn theo khung thời gian tháng, các nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng là bên đã miệt mài mua ròng VIC trong nhiều tháng qua. Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, lực đỡ của nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thể giúp cho VIC trở lại với xu hướng tích cực.

vicchart.png
VIC đã đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn trong 10 tháng liên tiếp từ sau đợt tăng bùng nổ giá nhờ sự kiện VinFast lên sàn NASDAQ.

Tính từ đầu năm, VIC đã giảm 5,16% và đang ở năm giảm thứ 5 liên tiếp. Quy mô vốn hóa của VIC trên thị trường hiện đạt 161,74 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 trên HOSE xếp sau các cổ phiếu CTG (171,84 nghìn tỷ đồng), TCB (163,79 nghìn tỷ đồng).

Được biết trong 6 tháng đầu năm 2024, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 65.043 tỷ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận sau thuế 2.069 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.

Năm 2024, Vingroup đặt kế hoạch đạt doanh thu kỷ lục 200.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 32,5% kế hoạch doanh thu và 46% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư cá nhân đã chi gần 1.000 tỷ đồng mua thỏa thuận VIC từ khối ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO