(thitruongtaichinhtiente.vn) - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh mô hình nhà nước kiến tạo sẽ là mô hình phù hợp nhất với Việt Nam.
Ông Dũng khẳng định mô hình nhà nước kiến tạo không chỉ phù hợp với văn hóa Việt Nam mà còn là bệ đỡ vững chắc giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, để doanh nghiệp, doanh nhân có thêm động lực sáng tạo, đổi mới và phát triển.
Lựa chọn cho tương lai
- Lý do nào khiến ông tin rằng nhà nước kiến tạo mới là sự lựa chọn tốt nhất của Việt Nam trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Cho đến thời điểm hiện tại sự lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đã đưa lại sự phát triển và thịnh vượng cho rất nhiều quốc gia. Đây là điều không thể chối cãi.
Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam thuộc về nhóm các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, chúng ta lại thuộc về các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…). Một trong những đặc điểm nổi bật của các nước này là truyền thống khoa bảng, học hành, thi cử để làm quan là con đường phấn đấu được coi trọng nhất. Đây cũng là nền tảng văn hóa để nhà nước có thể tuyển dụng được những người tài giỏi nhất cho nền quản trị công.
Trong sự phát triển thần kỳ của mình, Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... đều được xem là những nhà nước kiến tạo phát triển.
Do đó, tôi kiến nghị hãy theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Văn hóa Đông Bắc Á sẽ là nền tảng để mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thành công bởi chúng ta có nền tảng văn hóa tương đồng với vùng Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là tối ưu đối với Việt Nam.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
- Theo ông, đâu sẽ là điểm khác biệt của nhà nước kiến tạo so với các mô hình nhà nước khác?
Điểm khác biệt nhất nằm ở vai trò của nhà nước. Về bản chất, mô hình nhà nước nằm ở giữa nhà nước điều chỉnh Anh - Mỹ (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Trong một số trường hợp nhất định, Nhà nước kiến tạo phát triển chủ động can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra.
Đây là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Như tôi đã nói do có nền tảng văn hóa của Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là tối ưu đối với Việt Nam.
Thật ra, từ Đại hội VI (1986), Việt Nam đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung để đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.
Biểu hiện rõ rệt của chuyển biến này là nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của nhà nước.
Như vậy tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các đại diện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như CMC; VNG Cloud, VCCorp... thực hiện nghi lễ phát động chiến dịch chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây tháng 5/2020. |
Để hoá giải những rủi ro hiện hữu
- Nhưng rõ ràng là cho tới nay Việt Nam vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thưa ông?
Nguyên nhân cơ bản nhất là do nhà nước đã không thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà lại thông qua các doanh nghiệp nhà nước.
Một nguyên cơ bản khác nữa là nhà nước đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa.
Cùng với đó, một khuôn khổ khái niệm sáng rõ và mạch lạc về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển chưa thật sự hình thành ở nước ta.
Sự lựa chọn của chúng ta trong quá trình đổi mới chủ yếu là đi theo sự đòi hỏi khách quan của tình hình hơn là trên một nền tảng lý thuyết vững chắc.
- Nhưng, bên cạnh những mặt tích cực như đã nói thì việc lựa chọn bất kỳ một mô hình nhà nước nào cũng sẽ có những hạn chế nhất định, thưa ông?
Qủa đúng là như vậy. Lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho đất nước ta, tuy nhiên rủi ro của lựa chọn này là hoàn toàn không nhỏ. Ta thử xem xét vấn đề này trong lĩnh vực đang được quan tâm hiện là phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Trước hết, là rủi ro về năng lực. Việt Nam có khả năng hoạch định chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn hay không? Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam phải là gì?
Đây đều là những câu hỏi rất khó trả lời. Và việc thiếu một đội ngũ lãnh đạo tinh hoa sẽ khiến hoạch định chính sách phát triển khó mà đúng đắn được.
Để có được một đội ngũ lãnh đạo như vậy, thu hút người tài vào trong Đảng là rất quan trọng. Đây phải được coi là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Đảng trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, tận dụng tri thức của giới Việt kiều tinh hoa để hoạch định chính sách phát triển công nghiệp cũng rất quan trọng.
Rủi ro thứ hai, là do đã hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia rất nhiều các hiệp định về tự do thương mại song phương và đa phương nên không gian chính sách còn lại của Việt Nam cho việc hoạch định và triển khai chương trình công nghiệp hóa một cách độc lập và tự chủ là rất nhỏ hẹp.
Bị ràng buộc bởi vô vàn những cam kết quốc tế, nhà nước sẽ rất khó can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp đã lựa chọn.
Để vượt qua rủi ro này, điều quan trọng là phải nâng cao năng lực thiết kế các hàng rào kỹ thuật, các hàng rào về thủ tục.
Muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam thì hàng rào kỹ thuật là rất cần thiết để ngành công nghiệp này không bị cạnh tranh quốc tế bóp chết. (Dây chuyền lắp ráp xe Mazda của Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam - Ảnh: Danh Lam) |
Điều này có vẻ như đang đi ngược với những cố gắng cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, thì hàng rào kỹ thuật là rất cần thiết để ngành công nghiệp non trẻ này của đất nước không bị cạnh tranh quốc tế bóp chết từ trong trứng nước. Tận dụng các khoảng trống chính sách cũng rất quan trọng ở đây. Các hiệp định tự do thương mại không hạn chế nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực (ví dụ như an ninh, quốc phòng chẳng hạn). Tại sao chúng ta không đầu tư vào đây, khi cần thiết thì vẫn có thể chuyển giao các thành tựu nghiên cứu cho các lĩnh vực dân sự?.
Rủi ro thứ ba là bộ máy hành chính và đội ngũ công chức của Việt Nam khá yếu kém. Nhiều quan chức hành chính chỉ giỏi... “nói nghị quyết”, nhưng lại không tài giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, không giỏi điều hành.
Không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa, không thể vận hành hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Chủ trương cắt giảm bộ máy hiện nay là cơ hội để chúng ta loại bỏ bớt những công chức năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy hành chính.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn cho được những người tài giỏi nhất vào bộ máy hành chính.
Truyền thống khoa bảng là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta tuyển chọn người tài ở đây. Ngoài ra, tâm lý thích học để làm quan cũng là động lực quan trọng để thu hút người tài vào bộ máy Nhà nước. Vấn đề là phải học thật và thi thật. Phải kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước.
Rủi ro thứ 4 là quỹ thời gian để xây dựng thành công mô hình nhà nước kiến tạo phát triển còn lại không nhiều.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Huế |
- Vậy, làm thế nào để có thể khắc phục được những rủi ro như ông nói, thưa ông?
Điều quan trọng nhất để thực hiện thành công mô hình nhà nước kiến tạo là Việt Nam xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức tinh hoa. Đây là yếu tố quan trọng nhất.
Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả mô hình Nhà nước kiến tạo, chúng ta cần kiến tạo nền quản trị quốc gia hiện đại gồm: Nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh; có cơ chế để chọn được người tài, xây dựng đội ngũ quan chức hành chính chuyên nghiệp, tài giỏi và liêm chính, xây dựng hệ thống tòa án độc lập và hiệu năng; thực hiện hòa giải dân tộc, dân chủ hóa theo sự phát triển của kinh tế, củng cố pháp quyền.
- Xin cảm ơn ông!