Vấn đề - Nhận định

Nhiều ngân hàng tăng trích lập dự phòng nhằm nâng cao chất lượng tài sản, củng cố bộ đệm dự phòng

Q.L 26/01/2024 06:15

Một số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 cho thấy kết quả kinh doanh ổn định, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát nhờ các biện pháp quản trị rủi ro chặt chẽ.

Bộ đệm dự phòng tăng, lợi nhuận giảm mạnh

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.482 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức gần 18.200 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động 7,8% so với cùng kỳ, kéo tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) xuống 33,1%.

Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank tăng từ 0,71% lên 1,14%, chi phí dự phòng rủi ro trong quý IV/2023 tăng 136,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 102%.

Báo cáo tài chính vừa công bố của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của ngân hàng ở mức 630 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 67%, còn 494 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt từ mức 115 tỷ đồng trong quý IV/2022 lên tới 1.970 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023.

Tính chung cả năm 2023, tổng thu nhập hoạt động TPBank đạt 16.233 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng 12,7% lên 6.698 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 114% lên 3.946 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 5.588 tỷ đồng, giảm 28,6% so với năm 2022.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng chứng kiến sự sụt giảm trong lợi nhuận quý cuối năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của VIB trong quý IV/2023 đạt 1.902 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ VIB tăng cường trích lập dự phòng với mức trích lập gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc.

Lũy kế cả năm 2023, VIB ghi nhận lãi ròng đạt 8.562 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2022.

Đáng chú ý, nhờ các biện pháp quản trị rủi ro chặt chẽ cùng khẩu vị rủi ro thận trọng, tỷ lệ nợ xấu của VIB đã giảm mạnh, chỉ ở mức 2,2% so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý I/2023 và đang có xu hướng tiếp tục giảm trong bối cảnh thị trường có nhiều tín hiệu tích cực cùng mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp trong vòng 20 năm trở lại đây.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ghi nhận 607 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 5.830 tỷ đồng, xấp xỉ năm năm 2022

Nguyên nhân lợi nhuận của MSB giảm là do ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng năm 2023 của MSB ở mức 1.647 tỷ đồng, tăng 244% so với năm 2022. Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 của MSB ghi nhận 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm.

Có thể thấy, chi phí trích lập dự phòng của ngành gia tăng trong quý IV và cả năm 2023 không nằm ngoài dự báo, do áp lực nợ xấu tăng - hệ quả của tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ bảo đảm xử lý các khoản nợ xấu tốt hơn. Điều này cho thấy các ngân hàng đã chủ động sử dụng nguồn lực nhằm bao phủ nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động của nợ xấu trong tương lai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm trong năm 2023.

Xử lý nợ xấu sẽ khó khăn hơn?

Dù các ngân hàng đã chủ động sử dụng nguồn lực nhằm bao phủ nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu, tuy nhiên, với việc Nghị quyết 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, trong khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đến ngày 1/7/2024 mới có hiệu lực, công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của ngân hàng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm 2024 và những năm tiếp theo là vấn đề xử lý nợ xấu.

"Điều tôi lo lắng khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực là vấn đề về ý thức trả nợ, tâm lý chây ì không trả nợ, bởi không có giải pháp, quy định pháp luật nào để thu hồi và xử lý nợ xấu", ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ lo ngại và cho biết: "Sẽ lại xuất hiện tình trạng “con nợ” cố tình không trả nợ, không tự nguyện bàn giao tài sản, tạo ra những trường hợp tranh chấp giả tạo dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các TCTD".

Đây là vấn đề không chỉ riêng Hiệp hội Ngân hàng mà các TCTD cũng rất lo lắng, bởi trước đây còn có các tổ chức chính quyền cùng vào cuộc trong việc xử lý, thu hồi nợ, nhưng bây giờ chỉ còn ngân hàng “đơn thương độc mã” trong xử lý nợ xấu. Nếu người dân chây ì không trả nợ, các TCTD không thể xử lý được và phải đưa ra tòa thì một vụ việc khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài tới 5-7 năm vẫn chưa thu hồi được nợ. Tình trạng này tái diễn thì công cuộc xử lý nợ xấu của ngân hàng sẽ vẫn còn gian nan.

Luật Các TCTD (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cho phép các TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ. Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), quy định này sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.

Tuy nhiên, đến ngày 1/1/2025 quy định này mới có hiệu lực. Như vậy, trước khi quy định có hiệu lực, các TCTD sẽ khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có TSBĐ.

Để tăng cường hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các TCTD cần xác định việc thu nợ là nhiệm vụ của mình, trước khi cho vay cần hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục và điều kiện cho vay. TSBĐ cần được thẩm định, xác minh, đánh giá giá trị, nguồn gốc tài sản và theo sát từng thời điểm để có thể nắm bắt diễn biến của TSBĐ. Cần chặt chẽ hơn trong việc xác định TSBĐ theo đúng quy định pháp luật, không có kẽ hở nào để người vay có thể lợi dụng. Đồng thời, các TCTD cần nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, xác định giá trị và hiện trạng của TSBĐ, kể cả tài sản của bên thứ 3 và các thành viên liên quan đến tài sản đó cũng cần hết sức chặt chẽ, không thể buông lỏng. "Làm tốt các bước này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu tại các TCTD", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngân hàng tăng trích lập dự phòng nhằm nâng cao chất lượng tài sản, củng cố bộ đệm dự phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO