Hoạt động ngân hàng

Nhiều ngân hàng tiến hành chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức

Quỳnh Lê 14/07/2023 - 15:40

Nhiều ngân hàng công bố ngày chốt danh sách cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ tương đối cao để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính.

Theo thông báo công bố ngày 11/7 vừa qua, MB (HOSE: MBB) cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế của năm 2022 vào ngày 17/7.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành khoảng 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/7/2023.

Sau khi thực hiện xong đợt phát hành cổ phiếu này, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 6.800 tỷ đồng.

Sau MB, HDBank (HOSE: HDB) sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu vào ngày 20/7, với tỷ lệ chi trả 15%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7.

Theo phương án phát hành, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 theo báo cáo tài chính được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ.

Sau khi hoàn thành việc trả cổ tức, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên trên 29.076 tỷ đồng.

Ngày 25/7, SHB (HOSE: SHB) sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 18 cổ phiếu mới. Theo đó, ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 18 cổ phiếu mới.

Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.

Chốt sổ tháng 7/2023, Vietcombank (HOSE: VCB) chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 vào ngày 26/7.

Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận thêm 181 cổ phiếu mới.

Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến là 55.891 tỷ đồng, Vietcombank sẽ vượt VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau VPBank.

Bước sang tháng 8/2023, LPBank (HOSE: LPB) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8/2023 để phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 19 cổ phiếu). Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.285 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua và đã được Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Vốn điều lệ dự kiến của LPBank sau khi hoàn thành việc phát hành trên sẽ tăng từ 17.291 tỷ đồng lên 25.576 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của LPBank nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của ngân hàng.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép OCB (HOSE: OCB) phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 50%. Đây là một trong những bước cuối cùng để ngân hàng này tiến hành trả thưởng cổ phiếu cho cổ đông.

Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Theo CTCK VNDIRECT, hệ số CAR của các ngân hàng Việt đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây khi từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai.

Tuy nhiên, bộ đệm vốn của ngành Ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ CAR trung bình của Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực. Thêm vào đó, tỷ lệ CAR của các ngân hàng quốc doanh chỉ cao hơn mức tối thiểu một chút và thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân.

VNDIRECT cho biết, tỷ lệ CAR của các nước trong khu vực ASEAN  vào thời điểm cuối năm 2022 đều cao hơn khá nhiều so với Việt Nam. Chẳng hạn, CAR bình quân của Indonesia là 22,6%, của Philippines là 17,2%, của Singapore là 17,1%, Thái Lan 19,6%, Malaysia 18,5%... còn tỷ lệ CAR bình quân của hệ thống ngân hàng Việt Nam là 11,68% (theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN).

Do đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngân hàng tiến hành chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO