NHNN Việt Nam tăng cường năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành chính sách tiền tệ

TTTCTT| 04/02/2020 20:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo Cao cấp lần thứ II: Dự án “Tăng cường năng lực cho NHNN thực thi chính sách tiền tệ, dự báo thống kê” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức vào ngày 4/2/2020. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự buổi Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Chính sách tiền tệ (CSTT), Vụ Dự báo Thống kê (DBTK) thuộc NHNN. Về phía JICA có sự tham dự của ông Kitamura Shu - Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam; các chuyên gia Dự án: giáo sư Masahiko Takeda, giáo sư Tomoyuki Shimoda, giáo sư Ippei Fujiwara và các cán bộ Văn phòng JICA tại Việt Nam.

Theo thiết kế của Dự án, với sự nhất trí của NHNN và JICA tại Cuộc họp Ban điều phối chung lần thứ 02 Dự án vào tháng 5/2019, Hội thảo Cấp cao lần thứ hai được tổ chức với mục tiêu trình bày các kết quả nghiên cứu của Dự án để các bên thảo luận, trao đổi, hoàn thiện các kết quả nghiên cứu trước khi tổ chức Cuộc họp Ban điều phối chung lần cuối dự kiến vào tháng 03/2020 để đánh giá và tổng kết Dự án.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo bao gồm 3 phần trình bày và thảo luận theo 3 cấu phần của Dự án: (i) Đại diện Vụ CSTT trình bày Báo cáo kết quả khảo sát tại Séc và Thái Lan về “Thiết lập mục tiêu lạm phát phù hợp đối với Việt Nam”; (ii) Chuyên gia JICA trình bày Báo cáo khuyến nghị về cải thiện khuôn khổ nghiên cứu và phân tích kinh tế tại NHNN; (iii) Đại diện Vụ DBTK trình bày kết quả xây dựng mô hình trong thời gian triển khai dự án và đề xuất các hoạt động tiếp theo sau khi Dự án kết thúc nhằm đảm bảo tính bền vững của cấu phần này sau khi Dự án kết thúc.

Sau Hội thảo Cao cấp lần thứ nhất của Dự án hồi tháng 7/2019, các chuyên gia Dự án và nhóm cán bộ thực hiện của Vụ Chính sách tiền tệ đã đồng hành cùng các chuyên gia JICA trực tiếp tham gia chương trình khảo sát tại Séc và Thái Lan. Kết quả tìm hiểu của đoàn khảo sát đã giúp bổ sung cho các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã được nhóm thực hiện và trình bày tại Hội thảo cấp cao lần trước, qua đó đã đưa ra cơ sở và một số đề xuất chính sách mà NHNN có thể tham khảo, cân nhắc, áp dụng trong việc xác định mức mục tiêu lạm phát, trong đó có một số điểm đáng lưu ý như: (i) Lựa chọn loại chỉ số làm mục tiêu (CPI); (ii) Mức mục tiêu; và (iii) Khoảng thời gian mục tiêu phù hợp. Ngoài ra, các kết quả khảo sát cũng thể hiện nhiều yếu tố có thể ứng dụng tại Việt Nam để cải thiện các điều kiện nhằm đạt được mục tiêu lạm phát tại Việt Nam. Đặc biệt là công tác truyền thông trong việc truyền tải thông điệp và giải thích về mức lạm phát mục tiêu do NHNN đề ra, từ đó nâng cao niềm tin và uy tín của NHNN đối với người dân.

Về cấu phần Phân tích và dự báo kinh tế, thay mặt nhóm nghiên cứu chuyên gia của JICA, giáo sư Tomoyuki Shimoda đã trình bày báo cáo đánh giá sơ bộ về công tác phân tích kinh tế tại NHNN trên cơ sở phỏng vấn thực tế các cán bộ thực hiện hoạt động phân tích và nghiên cứu kinh tế tại NHNN và so sánh với một số NHTW các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, ông đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động phân tích và tư vấn chính sách tại NHNN; cụ thể là: (i) Ban hành báo cáo điều hành chính sách tiền tệ định kỳ hàng quý; (ii) Phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là Tổng cục Thống kê để thực hiện các khảo sát tâm lý kinh doanh và kỳ vọng lạm phát; (iii) Từng bước thu thập thông tin vi mô và thông tin về thị trường lao động (bao gồm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)); và (iv) Xây dựng chương trình đào tạo dành cho các cán bộ hoạch định chính sách vĩ mô của NHNN thông qua việc luân chuyển các cán bộ có năng lực giữa các đơn vị hoạch định chính sách của NHNN.

Tại Hội thảo Cao cấp lần II này, các chuyên gia JICA đã cùng với các cán bộ chuyên trách của NHNN đã hoàn thiện hơn mô hình cân bằng động tổng quát ngẫu nhiên (DSGE) cho nền kinh tế nhỏ và mở, phù hợp với Việt Nam nhằm hỗ trợ cho công tác phân tích, dự báo và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Đây là mô hình tiên tiến nhất đến thời điểm hiện tại đang được áp dụng phổ biến tại ngân hàng trung ương các nước. Kết quả phân tích định lượng từ mô hình sẽ cung cấp thêm thông tin cho các cấp lãnh đạo của NHNN trong việc hoạch định chính sách tiền tệ một cách khoa học và nhất quán. Mặt khác, các rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế cũng có thể được nhận diện từ mô hình và là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp chính sách phù hợp trong từng thời kỳ. Với việc ứng dụng mô hình DSGE, NHNN Việt Nam đã tăng cường hơn năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành chính sách tiền tệ để hướng tới mô hình ngân hàng trung ương theo chuẩn mực khu vực và thế giới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao sự nỗ lực của Nhóm nghiên cứu của NHNN và chuyên gia JICA, biểu dương những kết quả sơ bộ mà Dự án đã đạt được, đặc biệt khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, các chuyên gia đã rất thẳng thắn, kịp thời thảo luận, phản biện để tìm hướng triển khai phù hợp với mục tiêu đề ra ban đầu của Dự án. Các kết quả được trình bày tại Hội thảo về cơ bản đã trả lời được các câu hỏi đã được đặt ra cho Dự án, đã đưa ra các đề xuất cụ thể để lãnh đạo NHNN cân nhắc, tham khảo. “Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khi muốn thiết lập mục tiêu lạm phát phù hợp đối với Việt Nam thì phải làm nổi bật mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng; bởi đây chính là sự khác biệt lớn khi nói tới lạm phát tại Việt Nam” - Phó Thống đốc nhấn mạnh, “các nội dung của khảo sát cần được phản ánh đầy đủ tại Báo cáo kết thúc Dự án, làm cơ sở để Ban lãnh đạo NHNN xem xét, quyết định các nội dung liên quan đến việc xác định mức mục tiêu lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.”

Đồng quan điểm với các khuyến nghị của Giáo sư Shimoda, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết với những mô hình này, quan trọng nhất là số liệu. Bởi vậy, các nhóm nghiên cứu không nên chỉ sử dụng số liệu của hệ thống ngân hàng mà còn phải tích hợp tất cả số liệu của nền kinh tế như đầu tư, tiêu dùng, thương mại, xuất-nhập khẩu... Phó Thống đốc yêu cầu các Vụ, Cục NHNN căn cứ vào các mô hình triển khai thu thập số liệu nghiên cứu phù hợp; trong trường hợp không thể tự thu thập, có thể đề xuất sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan. “Trên cơ sở các khuyến nghị của chuyên gia JICA tại Báo cáo, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích kinh tế tại NHNN, qua đó có thể xác định, đào tạo và phát triển được các cán bộ/chuyên gia kinh tế có năng lực, trình độ chuyên môn cao.”

Đối với cấu phần Mô hình kinh tế vĩ mô, NHNN đánh giá rất cao sự hỗ trợ trực tiếp, phương pháp cầm tay chỉ việc (on the job training) của các chuyên gia JICA đối với nhóm nghiên cứu của NHNN. Việc xây dựng mô hình DSGE này không chỉ giúp tăng cường năng lực mô hình cho cán bộ của NHNN mà còn tạo điều kiện để NHNN có thể sở hữu, sử dụng và tự hiệu chỉnh mô hình kinh tế vĩ mô trong đó thể hiện các điều kiện riêng biệt của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, là một trong những cơ sở vững chắc cho các quyết định điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Sau khi kết thúc Dự án, Phó Thống đốc đề nghị các cán bộ NHNN tiếp tục giữ liên lạc, tham khảo ý kiến các chuyên gia để phát triển kết quả nghiên cứu và triển khai các hoạt động hỗ trợ NHNN hoàn thiện, điều chỉnh mô hình DSGE do Dự án xây dựng, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững của Dự án.

Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình, thiết thực, kịp thời của JICA cho NHNN trong suốt những năm qua, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện Dự án "Tăng cường năng lực cho NHNN trong lĩnh vực Chính sách tiền tệ, phân tích và dự báo kinh tế“ được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu tăng cường kiến thức, kỹ năng phân tích kinh tế, dự báo, hoạch định chính sách của nhóm cán bộ nòng cốt của NHNN. Từ đó, Dự án giúp NHNN nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành chính sách tiền tệ, tăng cường năng lực thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NHNN Việt Nam tăng cường năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành chính sách tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO