Nhớ Bác Hồ Tết kháng chiến đầu tiên

TS. Nguyễn Thị Tình| 17/02/2021 11:09
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hình ảnh gian buồng nhỏ với chiếc giường tre lót ổ rơm và một chiếc bàn nhỏ trong ngôi nhà của đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch xã ở xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, vẫn in sâu trong tâm khảm chúng tôi khi được về thăm nơi đây. Cần Kiệm, nơi chứng kiến những ngày Tết kháng chiến đầu tiên của Bác - Tết Đinh Hợi 1947 vẫn đọng mãi nghĩa tình lớn lao của Bác với non sông.

Tôi thuộc lớp cán bộ đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh nên rất may mắn được theo các đồng chí giúp việc Bác Hồ về thăm nhiều nơi Người đã từng dừng chân trên đường từ Hà Nội trở lại Việt Bắc trong những năm 1946-1947, Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội) - Xuyên Dương (huyện Quốc Oai) - Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) - Chùa Một Mái trên núi Thầy (huyện Quốc Oai… thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Trong các địa điểm đó, Cần Kiệm ghi đậm dấu ấn bởi nơi đây Bác đã có nhiều hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán với nhiều câu chuyện còn sống mãi với thời gian.

Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh ghi rõ, ngày 13/1/1947 Người viết thư gửi các lãnh tụ và nhân dân các nước nói về ảnh hưởng của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đối với “đại gia đình châu Á”, với hòa bình thế giới… Cuối thư Bác kêu gọi các vị lãnh đạo và nhân dân thế giới giúp đỡ nhân dân Việt Nam về mọi phương diện, đồng thời nêu rõ quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam: Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng, vì nhân đạo, chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi ích chung. Đêm ngày 13/1 đó, Bác rời Xuyên Dương đến xã Cần Kiệm và ở lại đây đến tối ngày 2/2/1947.

Với lòng tưởng nhớ và biết ơn vô hạn đối với lãnh tụ, Thư ký của Bác, người đã được theo Bác suốt trong chặng đường trường kỳ kháng chiến, nhiều lần kể lại với các cán bộ trẻ không chỉ một lần, sau còn ghi lại trong Hồi ký của mình về cái Tết lịch sử của Bác Hồ ở Cần Kiệm. Đó là cái Tết Bác đã có bài thơ Xuân kháng chiến đầu tiên: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sỹ, tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập nhất định thành công.” Lời thơ thật hào hùng và sảng khoái, nhưng ít ai biết được lời hịch vang dậy núi sông đó đến với toàn dân ra đời trong hoàn cảnh nào?.

Câu chuyện Bác đi từ Cần kiệm đến chùa Trầm, nơi đặt Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam để đọc Thơ chúc Tết được Thư ký của Bác kể lại: Chiều thứ 3 ngày 21/1/1947 (30 Tết), từ Cần Kiệm Bác đi dự phiên họp tất niên của Hội đồng Chính phủ tại thôn Sài Sơn, phủ Quốc Oai. Vì trời mưa, đường trơn, ô tô bị sa một bánh xuống ruộng, phải nhờ dân trong xóm gần đấy khênh giúp. 21 giờ Bác mới tới được nơi họp. Trước các thành viên của Hội đồng Chính phủ, Bác mở đầu phiên họp bằng câu chuyện xe sa lầy phải nhờ nhân dân khênh giúp, Bác nói vui: Chỉ một việc đi xe thôi, không có nhân dân thì Chủ tịch nước cũng đành chịu. Huống hồ việc kháng chiến kiến quốc, một công việc to lớn, vĩ đại, nhất định phải dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân mới ắt thành công.

Ngôi nhà, nơi Bác Hồ đã ở dịp Tết Đinh Hợi 1947- Tết kháng chiến đầu tiên ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Ảnh: tư liệu

22 giờ 30 phút Bác lên xe đi Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Trời vẫn mưa to, đường trơn lầy hơn, nhiều lúc anh em phải xuống đẩy xe, gần 24 giờ mới tới chùa Trầm. Sau khi đọc xong thơ chúc Tết, Bác nói chuyện với cán bộ rồi nói với đồng chí Trần Lâm phụ trách Đài mang đến mấy tờ giấy hồng Bác viết hai câu đối: Kháng chiến tất thắng - Kiến quốc tất thành bằng chữ Hán để tặng sư cụ chùa Trầm… Lúc Bác ra về, sư cụ chùa Trầm xin yết kiến. Với lòng thành kính, sư cụ chắp tay, giọng run run, mong Bác thu nhận cho lòng thành của nhà chùa - đó là mâm bánh chưng mà chú tiểu dâng lên Người. Bác cảm ơn, chúc nhà chùa sang năm mới ra sức cầu Phật cho kháng chiến thành công.

0 giờ 45 phút mồng Một Tết xe ra về. Trời vẫn mưa. Còn cách nhà 2km thì xe lại tụt cả hai bánh xuống ruộng. Giao thừa đã qua, không mượn được người khênh xe nên lái xe phải ngủ trên xe, còn mấy Bác cháu xuống xe cuốc bộ về nhà “xông đất”. 5 giờ sáng Bác cháu mới đi nằm, lúc đó các nhà dân đã bắt đầu dậy để chuẩn bị cúng tổ tiên. 7 giờ sáng Bác đã dậy, Người phân công từng người trong cơ quan đi chúc Tết các nhà lân cận. Người viết trên tờ giấy điều mấy chữ Hán Cung hỉ tân xuân” và kèm theo một quả cam gửi sang chúc Tết và mừng tuổi gia đình cụ chủ nhà. Bác thì bắt đầu ngày làm việc như bình thường, vẫn đôi kính trắng ngồi đọc sách, tay cầm bút chì đỏ gạch những đoạn cần sửa trong quyển “Vấn đề du kích”.

Thư ký Bác Hồ kể tiếp, chiều mồng Một Tết, anh Trần Đăng Ninh và tôi ăn cơm nguội, mấy anh em ăn Tết cùng đồng bào. Riêng Bác có một xuất cơm nóng, nhưng là cơm độn sắn, mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải. Nghĩ đến xuất cơm Tết kháng chiến đầu tiên đó, tôi thấy thương và lo cho sức khỏe của Người. Tôi thoáng nghĩ, Tết ở đâu, chẳng phải ở đây, nhất là lúc đang kháng chiến. Bác Hồ đã trải qua gần 60 mùa Xuân, nhưng có lẽ chẳng mấy khi được hưởng Tết.

Tối mồng Một Tết, mấy Bác cháu cùng nhau ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa. Trong ánh lửa lung linh, những kỷ niệm Tết đã qua như sống lại. Giờ đây chẳng phải riêng gì một mình ai mà cả dân tộc đang phải gắng sức trước một cuộc kháng chiến đầy khốc liệt. Tết này gian khổ để cho những Tết sau được sum vầy… 9 giờ tối, các  đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh đến họp và chúc Tết Bác, các anh đến vui nhưng báo tin xúi quẩy là xe cũng bị tụt bánh, chúng tôi lại được đi khênh xe. Trời mưa nên càng lạnh, 12 giờ mới về. Một giờ sáng các anh mới ra về. Tết này là Tết khênh xe, “giông” cả năm, Thư ký Bác Hồ bồi hồi nhớ lại.

Sau Tết, Bác còn ở và làm việc tại Cần Kiệm đến ngày 2/2/1947. Hôm đó, sau khi chủ tọa xong phiên họp của Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về quốc phòng, ngoại giao và thảo luận một số vấn đề về tài chính, kinh tế, vấn đề tăng gia sản xuất… Buổi chiều Bác mời cụ chủ nhà sang để cảm ơn và căn dặn cụ cùng con cháu tích cực ủng hộ kháng chiến và giữ gìn bí mật. 18 giờ 30 phút, Bác rời xã Cần kiệm, tiếp tục chặng đường trường kỳ kháng chiến.

Đã 74 cái Tết từ Tết năm 1947, 21 Tết vào thiên niên kỷ mới, song đúng như nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Theo chân Bác” đã viết: Bác ơi! Tết đến, giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ Bác Hồ Tết kháng chiến đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO