Những chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2020

Minh Hoàng| 01/04/2020 15:17
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ; Thí điểm mức lương, thưởng mới ở một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hay doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2020.

Doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động sẽ bị xử phạt

Nghị định 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 01/03/2020 có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đáng chú ý là quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động. 

Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền: - Từ 05 - 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 01 - 10 người lao động; - Từ 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 - 50 người lao động; - Từ 20 - 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 - 100 người lao động; - Từ 30 - 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 - 300 người lao động; - Từ 40 - 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động. 

Cũng tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định sẽ phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm; người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình.

Mức phạt nêu trên cũng áp dụng đối với người sử dụng lao động có hành vi thuê người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi theo quy định.

Ảnh minh họa

Bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng 

Theo Nghị định số 21/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/4/2020, sẽ bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Cụ thể: - Bỏ quy định xử phạt với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng (trước đây bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng); - Bỏ quy định xử phạt nhà thầu nước ngoài không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia các hoạt động xây dựng (trước đây bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng)... 

Tung 'fake news' trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng

Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, trong đó, quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống.

Người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ 

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 28/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 25/12/2019 về hoạt động thẻ ngân hàng và có hiệu lực từ ngày 01/4/2020. Ngoài những đối tượng đang được sử dụng thẻ ngân hàng hiện nay, Thông tư còn bổ sung một số đối tượng mới như: - Người từ đủ 15 - 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự: Được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (thẻ phụ); - Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán: Được sử dụng thẻ ghi nợ (thẻ chính); - Tổ chức là pháp nhân: Được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước (thẻ chính).

Thí điểm mức lương, thưởng mới ở một số doanh nghiệp Nhà nước

Theo Nghị định 20/2020/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Nghị định này sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/4/2020.

Cụ thể, Nghị định quy định về nguyên tắc lập Quỹ tiền thưởng, phúc lợi của người lao động và Ban điều hành trong các doanh nghiệp này như sau: - Nếu lợi nhuận thực hiện không thấp hơn kế hoạch, người lao động và Ban điều hành được thưởng không quá 03 tháng tiền lương thực hiện;- Nếu lợi nhuận thực hiện thấp hơn kế hoạch, mức thưởng là không quá 03 tháng lương thực hiện nhân với tỷ lệ % lợi nhuận thực hiện so với lợi nhuận kế hoạch. Trong đó, tiền thưởng trả cho tổng giám đốc không quá 7 lần so với tiền thưởng bình quân của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO