Những điểm sáng trong hoạt động ngân hàng TP. Hồ Chí Minh năm 2021

Nguyễn Đức Lệnh| 01/01/2022 08:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hoạt động của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2021 đạt được những kết quả quan trọng và là điểm sáng, động lực để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương của ngành, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng trên địa bàn trong năm 2022.

Nhìn lại 2021, một năm đầy khó khăn thách thức do tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch lịch sử COVID-19 đối với toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Ở góc độ kinh tế, khó khăn và thách thức đã phản ánh rõ bằng các chỉ số về tăng trưởng và phát triển kinh tế bị giảm sút so với kế hoạch đề ra và ngành ngân hàng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đánh giá tổng quan và nhìn lại toàn bộ quá trình hoạt động của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2021 vẫn đạt được những kết quả quan trọng và là điểm sáng, động lực để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương của ngành, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng trên địa bàn trong năm 2022. Đó là:

Thứ nhất, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất, tỷ giá diễn biến theo đúng định hướng điều hành của NHTW và thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô: kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp. So với cuối năm 2020, lãi suất cho vay giảm khoảng  0,15%/năm – 1,33%/năm; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, phục vụ tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu, phục hồi kinh tế và đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ trong năm. Đây là điểm  nổi bật và khác biệt so với những giai đoạn kinh tế vĩ mô gặp khó khăn trước đây do tác động của khủng hoảng. Thị trường tiền tệ ổn định là nền tảng rất quan trọng để thực hiện tốt các giải pháp về phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, hoạt động ngân hàng ổn định và tăng trưởng. Ngân hàng là một trong số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng và phục hồi theo xu hướng tích cực. Theo đó, kết thúc năm 2021, dự ước huy động vốn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng 7,5%; cho vay vốn dự ước tăng 10,7%. Trong đó quý III/2021, tín dụng chỉ tăng 0,2%. Riêng tháng 8 và tháng 9 thì tín dụng giảm. Nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngưng hoạt động trong thời gian này để phòng chống dịch; kinh tế xã hội thành phố trong thời gian này tăng trưởng âm.

Thứ ba, thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Ngành ngân hàng thành phố đã và đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp với 3 hoạt động chính sau: (1) Cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay. Đến nay tổng giá trị nợ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn đạt gần 2,2 triệu tỷ đồng, gồm: cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp; (2) Tập trung vốn cho phục hồi tăng trưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW và của UBND Thành phố: cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay kích cầu đầu tư; cho vay KCX-KCN; cho vay lĩnh vực nông nghiệp&nông thôn; các chương trình tín dụng chính sách… Riêng cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên đạt gần 190 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm trên 60% dư nợ cho vay chương trình này; (3) Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn thị trường. Đến nay, nhiều quận huyện đã phối hợp với Sở Công thương, NHNN TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tổng số tiền đã giải ngân theo kế hoạch của chương trình đạt trên 447 nghìn tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch (đầu năm các TCTD trên địa bàn đăng ký gói tín dụng của chương trình là 312 nghìn tỷ đồng).

Thứ  tư, duy trì hoạt động hiệu quả trong điều kiện giãn cách xã hội. Là một trong nhóm ngành, lĩnh vực phải duy trì hoạt động bởi sự cần thiết đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng, nhất là hoạt động thanh toán, chuyển tiền trong nền kinh tế khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều lĩnh vực tạm ngưng hoạt động; yêu cầu đó không chỉ đảm bảo sự thông suốt trong lưu thông hàng hóa tiền tệ mà còn bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia. Trong bối cảnh đó, với những yêu cầu nghiêm ngặt về dịch tễ để phòng chống dịch: an toàn sức khỏe cán bộ nhân viên ngân hàng; thực hiện quy định giãn cách; áp dụng mô hình 3 tại chỗ; một cung đường hai điểm đến và yêu cầu về duy trì hoạt động; về an toàn ngân quỹ, trụ sở kinh doanh… đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho các TCTD. Song ngành ngân hàng thành phố đã thực hiện và thực hiện tốt công tác này, cùng thành phố phòng chống dịch hiệu quả.

Thứ năm, dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trưởng và tạo hiệu ứng tích cực trong việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt. Dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trưởng, phát triển, tăng bình quân khoảng 30%-35% đối với dịch vụ internetbanking; mobilebanking và ví điện tử, nhờ việc mua bán trên các trang thương mại điện tử và mua bán không dùng tiền mặt tăng trưởng.

Thứ sáu, làm tốt công tác phòng chống dịch bảo đảm an toàn sức khỏe cán bộ nhân viên ngân hàng, khách hàng giao dịch với ngân hàng và cùng thành phố phòng chống dịch. Trong đó, phối hợp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Đặc biệt là tham gia hỗ trợ tài chính; công tác an sinh xã hội; hỗ trợ quỹ vắc xin; vật tư y tế và tham gia tuyến đầu chống dịch…, góp phần cùng địa phương, cùng thành phố chống dịch hiệu quả.

Những kết quả đạt được cùng những bài học kinh nghiệm quý báu trong phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái, sẽ là sức mạnh mềm không giới hạn để ngành ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng Thành phố nói riêng tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trước mắt là phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 với yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm sáng trong hoạt động ngân hàng TP. Hồ Chí Minh năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO